Chiến tranh đã đi qua nhiều năm, nhưng hậu quả của chất độc da cam/dioxin còn rất nặng nề, gây nên nỗi đau dai dẳng về thể chất, tinh thần của nhiều thế hệ nạn nhân. Họ là “những người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ”, do đó họ rất cần sự chia sẻ, chung tay giúp đỡ của cả cộng đồng.
Còn nhiều nỗi đau
Chị Lê Thị Thạch ở xã An Ninh Tây (huyện Tuy An) có hai người con đều tật nguyền do di chứng của chất độc da cam. Chị Thạch kể: “Tôi có hai đứa con, đứa lớn thì không nói được, chỉ bập bẹ; còn đứa nhỏ, sinh ra đã bị thiểu năng, bại não, không nói, không đi đứng được. Bao nhiêu lần gia đình đưa cháu đi khám nhưng các bác sĩ kết luận các cháu bị nhiễm chất độc hóa học da cam quá nặng”. Bao năm qua, một mình chị Thạch gồng gánh nuôi hai con, chị chỉ có thể làm thuê, làm mướn cho bà con hàng xóm gần nhà, không thể đi xa và vắng nhà suốt cả buổi, cả ngày vì “vắng bóng mẹ là hai đứa con lại ú ớ, nước mắt lại trào ra”, chị Thạch nghẹn ngào.
Gia đình anh Thân Ngọc Tý ở thôn Bình Chính (xã An Dân, huyện Tuy An) được xem là gia đình nạn nhân da cam tiêu biểu “vượt lên chính mình” của tỉnh. Anh Thân Ngọc Tý bị ảnh hưởng chất độc da cam do di truyền từ cha mẹ, những người đã trực tiếp tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc da cam. Song nỗi đau da cam không chỉ dừng lại ở đó, mà còn theo đến thế hệ của con gái anh là em Thân Lê Bảo Duyên.
Không cam chịu số phận, vượt lên khó khăn vất vả, anh Tý theo học nghề điện tử, điện cơ và mở tiệm sửa chữa tại nhà để mưu sinh. Con gái anh cũng bị tật nguyền, không tự đi lại được, hàng ngày mẹ em phải đưa đến trường. Anh Thân Ngọc Tý bộc bạch: “Tôi cố gắng vươn lên trong cuộc sống và cũng mong các cấp, ngành quan tâm hơn nữa đến những nạn nhân da cam như chúng tôi. Đó cũng là động lực lớn để chúng tôi vượt qua nỗi đau này”.
Ông Nguyễn Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Phú Yên, cho biết: Hàng chục năm qua, nạn nhân chất độc da cam sống trong cảnh ngộ đau thương, họ như tuyệt vọng vì bệnh tật dày vò, vì cô đơn không nơi nương tựa. Trong số họ có không ít người cố gắng vươn lên trong nỗi đau tận cùng. Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các hội, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động tài trợ, giúp đỡ, ủng hộ, chăm sóc cho nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin tỉnh đạt nhiều kết quả thiết thực. Bằng những nỗ lực của mình, Hội đã có nhiều hoạt động thiết thực xứng đáng với tổ chức đại diện pháp lý và bảo vệ quyền lợi cho những nạn nhân da cam của tỉnh.
Chung tay vì nạn nhân chất độc da cam
Ở thôn Phú Xuân B, xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), hầu như ai cũng thương ông Nguyễn Đình Thi đã 60 tuổi, nhưng hàng ngày vẫn phải chăm sóc, cơm nước cho người con lớn năm nay 24 tuổi. Con ông Thi lúc mới sinh kháu khỉnh lắm, nhưng lớn lên dần thì chân tay co quắp và có biểu hiện thiểu năng.
Ngày trước, ông Thi đi lính đặc công, sau về lập gia đình và sinh được sáu người con, trong đó cháu Thiên bị tật nguyền. “Hàng năm, các tổ chức, đoàn thể đều về tặng quà nhân các đợt kỷ niệm, có những phần quà từ các tấm lòng hảo tâm, hai cha con tôi đều cố gắng đi nhận, bởi đó là một phần tấm lòng và cũng là hy vọng để tôi tiếp tục nuôi con”, ông Thi bộc bạch.
Với sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự giúp đỡ của các sở, ban ngành, đoàn thể, sự ủng hộ của các mạnh thường quân, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Phú Yên đã triển khai toàn diện các mặt công tác và đạt được những kết quả đáng kể. Đặc biệt, rất nhiều hoạt động từ thiện ý nghĩa khác đã được các tổ chức cá nhân hỗ trợ nhằm giúp đỡ các nạn nhân da cam vượt lên nỗi đau trong cuộc sống.
Ông Nguyễn Ngọc Chiến nói: “Chiến tranh đã lùi xa, nhưng chất độc da cam trong chiến tranh đã và đang hủy hoại môi trường sống, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, tinh thần của nhiều thế hệ. Cùng với cả hệ thống chính trị và cộng đồng, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Phú Yên tiếp tục các hoạt động chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần cho các nạn nhân da cam, để giúp họ có điều kiện sống tốt, đảm bảo cuộc sống gia đình và bản thân họ; đồng thời tích cực đấu tranh để bảo vệ công lý, mặc dù đây là cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn, gian khổ”.
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam từ năm 1961-1971, quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam 80 triệu lít chất độc hóa học, phần lớn là chất da cam, loại chất độc nhất trong số các chất độc mà loài người đã tìm ra được cho đến nay. Hàng triệu người Việt Nam đã bị phơi nhiễm chất độc, trong đó có khoảng 3 triệu người là nạn nhân.
Riêng trên địa bàn tỉnh Phú Yên, đến nay có hơn 11.380 người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin; trong đó, số người tham gia kháng chiến 3.167 người, nhân dân, con, cháu người tham gia kháng chiến 7.653 người… Hiện nhiều gia đình có người thân bị nhiễm chất độc da cam đang sống hết sức khó khăn, có những đứa con bị tật nguyền, dị dạng… |
HOÀNG LÊ