Một đám cưới tổ chức tại gia - Ảnh: XUÂN HUY |
CÁC DỊCH VỤ CƯỚI BỘI THU
Trong những ngày này, các cửa hàng chuyên kinh doanh dịch vụ cưới từ cơ sở in thiệp, cho thuê áo cưới, chụp ảnh, trang điểm nghệ thuật đến cửa hàng nội thất… luôn nườm nượp khách vào ra. Họ đến đây để chuẩn bị cho ngày vui trọng đại “cả đời mới có một lần”. Ông Trần Minh Đức, cha dượng của chị Trịnh Thị Mỹ Vi, trú tại xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân, cho biết: Nhiều cửa hàng in thiệp, cho thuê đồ cưới bắt buộc chúng tôi phải đăng ký và đặt cọc tiền trước, vì số lượng người tổ chức cưới quá đông”.
Một chủ cửa hàng kinh doanh đồ cưới cho biết: “Những ngày này, lượng khách tìm đến cửa hàng tăng đột biến. Chính vì thế nên ngoài người làm ra, tôi phải huy động thêm ông xã và mấy đứa con ra phụ giúp”. Còn chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, chủ Doanh nghiệp tư nhân In ấn và Thương mại Ngọc Thanh bộc bạch: “Tuy khách hàng có tăng gấp ba so với các tháng trước nhưng hầu hết các cửa hàng luôn đảm bảo không bị “cháy hàng” và tất nhiên giá cả cũng phải tương đối phải chăng”.
Để chuẩn bị cho “mùa chim làm tổ”, tất cả các cửa hàng đều trữ sẵn hàng từ mấy tháng trước với số lượng phong phú; mẫu mã, hình thức đa dạng; chất lượng đảm bảo và giá cả đa phần đều phù hợp với túi tiền của khách. Những khách hàng hạn hẹp về tài chính, có thể chọn mua thiệp cưới có giá dao động từ 1.000 đồng/tấm (loại có sẵn) đến 4.000 đồng/ tấm (theo yêu cầu về màu sắc, cỡ chữ, kiểu chữ…); rạp, cổng hoa cho thuê với giá từ 70.000 - 100.000 đồng/cổng (dưới 5m); thuê áo cưới cô dâu: 900.000 - 1 triệu đồng/bộ (thường là áo trong nước, đã qua sử dụng). Những ai khá giả có thể chọn mua những tấm thiệp có giá từ 5.000 đồng trở lên (giấy tốt, thơm mùi nước hoa) hay chọn thuê rạp, cổng cỡ 10m trở lên với giá 500.000 đồng/cổng; áo cưới cô dâu 2,5 - 3,5 triệu đồng/bộ (áo ngoại, chưa qua sử dụng)… Một công đoạn khác không kém phần tốn kém đó là việc cô dâu chú rể đi tới các Studio như Ánh Hồng, Đăng Khoa, Vân Thế Trình… để chụp ảnh lưu niệm hay thuê riêng một phó nháy trong ngày hôn lễ. Ảnh cưới thường có hai loại: loại 40 x 60mm có lồng khung, giá từ 300.000 - 350.000 đồng/tấm, loại 50 x 75mm, giá trung bình từ 500.000 - 600.000 đồng/tấm.
CƯỚI LỚN RỒI...… “CÀY” TRẢ NỢ
Để tổ chức một tiệc cưới, các đôi uyên ương phải tốn ít nhất từ 20 – 30 triệu đồng. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là mức giá sàn dành cho những ai biết tính toán. Hiện nay, giá đặt cỗ ở một nhà hàng bình dân đã hơn 80.000 đồng/suất. Còn nếu ở các khách sạn có tiếng, đạt tiêu chuẩn thuộc hàng “sao” thì giá thấp nhất cũng phải cao hơn gấp rưỡi, thậm chí gấp hai, gấp ba lần nhà hàng, khách sạn bình dân. Mỗi khách mời đi lễ cưới 100.000 đồng/người thì tổng số tiền “ăn cỗ” chỉ đủ trả… tiền bia.
Ngoài ra, cũng phải tính đến việc gia chủ phải chịu thêm một khoản kha khá cho công đoạn nhà trai rước dâu và nhà gái trả lễ. Hiện nay, hầu hết hai họ thường hay thuê luôn một đội xe 12 chiếc để phục vụ hôn lễ với giá trung bình 100.000 đồng/giờ/chiếc, trọn gói xấp xỉ 20 triệu đồng. Nhưng nếu trong quá trình thuê, xe hỏng hóc bất chợt thì gia chủ muốn trọn vẹn ngày vui cả đời của mình cũng phải bấm bụng trả thêm tiền “rủi ro ngoài ý muốn”.
Anh Tuấn, người đã lập gia đình cách đây 2 năm, tâm sự: “Trước ngày cử hành hôn lễ, cả họ đều muốn tiến hành đơn giản (tại gia) để vợ chồng mình khỏi phải lâm cảnh “kéo cày trả nợ” về sau. Thế nhưng, bên nhà vợ vốn thuộc hàng khá giả, không đồng ý cách thức đón dâu theo kiểu “cây nhà lá vườn”, nên bắt bên mình phải ra nhà hàng ngoài thị trấn. Các cụ nhà mình vì sợ thua kém nhà vợ nên đồng ý, khiến số khách hôm cưới đến 800 người (80 bàn) làm vợ chồng mình nai lưng ra “cày” cho đến nay vẫn chưa trả hết nợ”. Chị Trần Thị Nhỏ, trú xã Hòa Hiệp Bắc, huyện Đông Hòa kể: Ngại nhất là những hôn lễ không “xứng đôi vừa lứa” hay một trong hai họ vì quá sĩ diện mà đâm ra thách đố nhau. Hôm nọ, đám cưới thằng em tôi, bên gái yêu cầu bên trai phải thuê hẳn một đội xe gần chục chiếc. Chỉ tính riêng tiền thuê xe không thôi cũng đủ làm họ nhà trai xanh mặt. Dù biết là tốn kém nhưng để đẹp lòng nhà gái, nhà trai phải làm theo thôi.
XUÂN HUY