Thứ Năm, 16/01/2025 04:06 SA
Phát huy vai trò cộng tác viên công tác xã hội
Thứ Tư, 01/08/2018 07:32 SA

Các cộng tác viên công tác xã hội tham gia hội thi Nghề công tác xã hội toàn tỉnh năm 2018 - Ảnh: KIM CHI

Phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) trong cộng đồng là một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết các vấn đề xã hội, trợ giúp các nhóm đối tượng yếu thế ngay tại địa bàn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Do đó để hướng tới chuyên nghiệp hóa nghề CTXH thì việc phát huy năng lực, chuẩn hóa kiến thức đội ngũ cộng tác viên (CTV) là yêu cầu bức thiết.

 

Nâng cao kỹ năng cho cộng tác viên

 

Sở LĐ-TB-XH Phú Yên vừa phối hợp với Trung tâm Công tác xã hội kiểm tra, giám sát hoạt động của CTV CTXH tại 12 xã, thị trấn thuộc 4 huyện: Sông Hinh, Sơn Hòa, Tây Hòa và Đông Hòa. Đồng thời đến trực tiếp hộ gia đình có người khuyết tật để tư vấn, tham vấn trực tiếp, hỗ trợ các kỹ năng, thực hiện nghiệp vụ quản lý các trường hợp cho CTV; hướng dẫn CTV kết nối các nguồn lực, mạnh thường quân… để giúp đỡ những trường hợp khó khăn.

 

Nhiều năm gắn bó với CTXH, chị Nông Thị Chung, CTV CTXH xã Ea Ly (huyện Sông Hinh), bày tỏ: “Công việc của tôi là tiếp cận, tuyên truyền, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, các đối tượng bảo trợ xã hội... Lúc mới nhận công việc này, tôi cũng chưa có nhiều kỹ năng để giao tiếp với các đối tượng bảo trợ, chưa có nhiều kiến thức về nghề CTXH nên khá lúng túng. Sau khi tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, công việc thuận lợi hơn. Tuy nhiên, số lượng CTV ở cơ sở ít, mà đối tượng cần tuyên truyền, tư vấn, trợ giúp lại nhiều nên khi cần sự phối hợp thì gặp nhiều khó khăn”.

 

Còn anh La Tiến Xuân, CTV CTXH xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) cho biết, tham gia công việc này được 4 năm rồi nên tôi cũng hiểu được hoàn cảnh của các đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn. Lúc đầu tôi giải thích các chủ trương, chính sách về bảo trợ xã hội cho bà con, họ không hiểu, đặc biệt là đối với người cao tuổi nên họ hay tới gặp, than vãn. “Phải kiên trì, nhẫn nại tư vấn cặn kẽ các chế độ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được thụ hưởng, lâu dần bà con cũng đồng tình”, anh Xuân chia sẻ.

 

Các CTV CTXH thường xuyên được Sở LĐ-TB-XH Phú Yên tập huấn nghề CTXH để có kiến thức, rèn luyện kỹ năng tiếp cận các đối tượng bảo trợ xã hội tại địa phương... Ông Đinh Viết Hậu, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB-XH Phú Yên), cho biết: Phát triển nghề CTXH là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề CTXH; góp phần trợ giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội và xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến. Để các đối tượng được trợ giúp tốt và hiểu đúng về nghề CTXH, chúng tôi thường xuyên hỗ trợ các kỹ năng cho CTV đạt hiệu quả công việc.

 

Chung tay phát triển nghề công tác xã hội

 

CTXH là một nghề chuyên hỗ trợ, giúp đỡ những người gặp khó khăn hoặc những người bị đẩy ra ngoài xã hội (người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, phụ nữ, người già…). Mục tiêu chung mà nghề CTXH hướng đến là: Phát hiện những mối quan tâm của con người; xác định các nhu cầu của con người; xác định các nguồn lực bên trong và bên ngoài của con người. Trên cơ sở đó, những người làm nghề CTXH xây dựng kế hoạch và mục tiêu cụ thể để đáp ứng các nhu cầu đó.

 

Qua hơn 7 năm thực hiện đề án Phát triển nghề CTXH, Phú Yên đã xây dựng được hệ thống tổ chức nhân sự CTXH tương đối phù hợp và đã đi vào hoạt động. 112/112 xã, phường, thị trấn đã có CTV, số lượng nhân viên CTXH hơn 800 người. Đây là sự nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị của tỉnh. Tuy chưa đáp ứng yêu cầu về mặt số lượng và chất lượng, nhưng cũng đã bước đầu tiếp cận được với người cần trợ giúp xã hội.

 

Theo ông Đinh Viết Hậu, để thực hiện tốt việc chăm sóc, hỗ trợ các đối tượng xã hội thì một trong những giải pháp hữu hiệu là phát triển nghề CTXH một cách chuyên nghiệp và tăng cường mở rộng mạng lưới các cơ sở CTXH. Tuy nhiên, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội hiện chưa đáp ứng được yêu cầu chăm sóc, trợ giúp; các cơ sở chăm sóc chuyên biệt người cao tuổi, cơ sở phục hồi chức năng cho người khuyết tật còn thiếu ở các địa phương. Bên cạnh đó, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, viên chức và nhân viên CTXH làm việc tại các cơ sở còn những hạn chế nhất định, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn hiện nay.

 

Từ những thực tế trên đòi hỏi cần có nhiều hơn nữa sự chung tay, chung sức của cả cộng đồng đối với sự nghiệp phát triển nghề CTXH; phấn đấu đạt được các mục tiêu đến năm 2020 của tỉnh là: Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về nghề CTXH cho các cấp chính quyền và người dân. Các địa phương bố trí sắp xếp và giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho đội ngũ CTV CTXH ở xã, phường; đảm bảo đúng vai trò, chức năng nhiệm vụ của nhân viên CTXH; tiếp tục nâng cao và đa dạng hóa các dịch vụ CTXH tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Ngoài việc chăm sóc, nuôi dưỡng, các đối tượng yếu thế của xã hội còn được quan tâm các hoạt động học văn hóa, học nghề, phục hồi chức năng, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, kỹ năng sống; tư vấn, tham vấn; tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa các phong trào từ thiện, hỗ trợ nhân đạo với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đồng thời phát hiện và có những hoạt động hỗ trợ kịp thời đối với những hoàn cảnh rủi ro, bất hạnh...

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek