Thứ Năm, 16/01/2025 05:53 SA
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống mua bán người
Thứ Hai, 30/07/2018 10:26 SA

Những năm gần đây, mua bán người đã trở thành một vấn nạn, gây bức xúc trong toàn xã hội. Tội phạm mua bán người đã trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người mà đối tượng tác động chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Loại tội phạm này đang diễn biến ngày càng phức tạp; tính chất và thủ đoạn hoạt động ngày càng nghiêm trọng, tinh vi, xảo quyệt; nhiều trường hợp có tổ chức chặt chẽ và có tính xuyên quốc gia.

 

Học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ trình diễn tiểu phẩm về phòng chống các loại tội phạm - Ảnh: KIM CHI

 

Tội phạm diễn biến phức tạp

 

Theo kết quả điều tra của các cơ quan chức năng, hiện toàn quốc có hơn 20.000 phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày không rõ lý do, không có tin tức, nhiều người trong số này nghi bị mua bán; hơn 80.000 phụ nữ xuất cảnh và xuất cảnh trái phép ra nước ngoài lấy chồng, hoặc xuất cảnh trái phép ra nước ngoài tìm kiếm việc làm; hơn 20.000 trẻ em được cho nhận làm con nuôi có yếu tố nước ngoài. Trong đó, rất nhiều người đã trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, bị cưỡng ép lao động, bị bóc lột tình dục...

 

Theo Bộ Công an, hoạt động mua bán người trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là mua bán người thông qua việc đưa người di cư trái phép từ châu Á, châu Phi, Trung Ðông sang châu Âu. Tại Việt Nam, từ cuối năm 2015 đến tháng 5/2018, cả nước phát hiện 885 vụ mua bán người, với 1.158 đối tượng, lừa bán 2.319 nạn nhân. So với cùng kỳ giai đoạn 2011-2015, giảm 22% số vụ, 32% số đối tượng và 8% số nạn nhân.

 

Hành vi mua bán phụ nữ, trẻ em trong nội địa từ các tỉnh vùng núi, vùng sâu, vùng xa, từ nông thôn ra đô thị, các khu du lịch, khu nghỉ mát ép làm mại dâm, tuyển mộ, cưỡng ép lao động cực nhọc, bóc lột sức lao động tại các bãi khai thác khoáng sản... diễn biến phức tạp. Một thủ đoạn phạm tội mới là một số đối tượng người Việt Nam cấu kết với người nước ngoài tổ chức tuyển chọn, tìm kiếm phụ nữ ở các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ đưa lên thành phố và một số tỉnh giáp ranh để tổ chức “xem mặt, chọn vợ” rồi kết hôn bất hợp pháp nhằm đưa phụ nữ ra nước ngoài. Bọn tội phạm sử dụng thủ đoạn tiếp cận làm quen với những cô gái mới lớn, trình độ văn hóa thấp, gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, con cái không có điều kiện học hành, bỏ học, không có việc làm ổn định để dụ dỗ, lôi kéo họ đến các cơ sở dịch vụ việc làm, nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, quán karaoke, massage, cắt tóc, gội đầu... hoặc tìm số phụ nữ đã từng làm gái mại dâm để rủ rê, lừa gạt tìm việc làm ổn định, lao động nhẹ có thu nhập cao, sau đó bán phụ nữ, trẻ em cho các đối tượng là chủ nhà hàng ép buộc làm gái mại dâm để thu lợi...

 

Tình hình tội phạm mua bán người mặc dù đã được kiềm chế song vẫn còn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều yếu tố gia tăng với những phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt, có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước với đối tượng nước ngoài. Tình trạng mua bán nội tạng, đẻ thuê, môi giới hôn nhân trái pháp luật với người nước ngoài đang diễn biến phức tạp, gây bức xức trong dư luận quần chúng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên nhiều địa bàn.

 

Trong khi đó, công tác phòng, chống mua bán người, nhất là thông qua di cư trái phép ra nước ngoài còn bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục. Một số ban ngành, đoàn thể chưa quan tâm chú trọng, chưa phát huy trách nhiệm trong hoạt động phòng, chống mua bán người; chưa tạo dựng được phong trào phòng, chống rộng khắp và chưa thu hút được đông đảo người dân, nhất là phụ nữ tích cực tham gia. Hoạt động tuyên truyền ở nhiều nơi còn mang tính hình thức, thiếu các kế hoạch, biện pháp cụ thể, thiếu hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nên hiệu quả chưa cao. Một số cấp ủy, chính quyền, các cấp, ngành, nhất là cấp cơ sở nhận thức chưa đầy đủ, chưa xác định đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác này.

 

Tuyên truyền sâu rộng

 

Ngày 31/12/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2546/QÐ-TTg phê duyệt chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020. Qua hơn 2 năm (2016-2018), hệ thống chính trị cả nước đã chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, với những hình thức, biện pháp linh hoạt, sáng tạo, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống mua bán người trên phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng.

 

Ðáng chú ý, để nâng cao nhận thức của toàn xã hội, góp phần giảm các nguy cơ, tội phạm liên quan mua bán người, ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 793/QÐ-TTg lấy ngày 30/7 hàng năm là Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người. Ngày 3/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg về ngăn chặn, đấu tranh tình trạng công dân Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài, nhằm hạn chế tình trạng tội phạm lợi dụng để bán người ra nước ngoài.

 

Hưởng ứng Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người, Ban chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh cũng triển khai kế hoạch Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người (30/7) năm 2018. Theo đó, ban chỉ đạo yêu cầu các đơn vị tập trung tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa của Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người, nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự chuyển biến tích cực về hành động trong toàn xã hội đối với công tác phòng, chống mua bán người, nhằm giảm các nguy cơ, giảm tội phạm liên quan đến mua bán người; thực hiện có hiệu quả công tác xác minh, tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

 

Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, xác lập hồ sơ điều tra cơ bản các tuyến, địa bàn trọng điểm, các đường dây, băng nhóm, đối tượng nghi vấn hoạt động mua bán người để có kế hoạch, biện pháp phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn; phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo chuyên đề chuyên sâu, tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm, lĩnh vực dễ phát sinh tội phạm để bàn giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người, như: thông qua các hoạt động cho, nhận con nuôi; cho, hiến tạng; xuất khẩu lao động; kịp thời tiếp nhận, xử lý các tin báo, tố giác tội phạm và tiến hành điều tra, khám phá các vụ án, đường dây tội phạm, truy bắt đối tượng, giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán.

 

Sở LĐ-TB-XH chủ động tiếp nhận và triển khai bộ tài liệu hướng dẫn thực hành chuyển tuyến, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trở về; phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về kiến thức, kỹ năng trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

 

Để hoạt động phòng, chống mua bán người đạt hiệu quả, Chính phủ cũng đề nghị các bộ ngành, các địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra của các cấp, chính quyền đối với công tác phòng chống mua bán người; kiểm tra đánh giá tình hình thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống mua bán người. Đồng thời tiến hành các biện pháp nghiệp vụ nhằm nâng cao tỉ lệ phát hiện, điều tra tội phạm mua bán người; tập trung triệt phá đường dây mua bán người vì mục đích cưỡng bức lao động hoặc vô nhân đạo; đa dạng hóa các hoạt động truyền thông, giáo dục về phòng, chống mua bán người; xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình phòng, chống mua bán người hiệu quả tại cộng đồng. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền tại các vùng trọng điểm để mỗi người dân hiểu rõ về tội phạm mua bán người, từ đó đề cao cảnh giác phòng tránh cho bản thân, gia đình. Ðây là công việc khó khăn, phức tạp rất cần sự quyết tâm vào cuộc của các ban, ngành, địa phương để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn nữa.

 

Mục tiêu của Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020

 

a) Mục tiêu chung

 

Giảm nguy cơ mua bán người; giảm tội phạm mua bán người; thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

 

b) Các mục tiêu cụ thể

 

- Mục tiêu 1: Nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực của cá nhân, gia đình và toàn xã hội nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó với nguy cơ mua bán người.

 

- Mục tiêu 2: Đẩy mạnh công tác phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử tội phạm mua bán người.

 

- Mục tiêu 3: Tiếp nhận, xác minh, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân kịp thời, an toàn nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của nạn nhân.

 

- Mục tiêu 4: Hoàn thiện pháp luật và thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người.

 

- Mục tiêu 5: Tăng cường hợp tác và thực hiện các cam kết quốc tế về phòng, chống mua bán người.

 

Các đề án của chương trình

 

a) Đề án 1: “Truyền thông phòng, chống mua bán người”

 

- Các chỉ tiêu:

 

+ Chỉ tiêu 1: Đến năm 2017, đạt 75% và năm 2020 đạt 100% số xã, phường, thị trấn (viết gọn là cấp xã) nhận và triển khai tài liệu hướng dẫn thực hiện chính sách pháp luật, tài liệu truyền thông thay đổi hành vi về phòng, chống mua bán người.

 

+ Chỉ tiêu 2: Đến năm 2020, ít nhất 30% số xã thuộc địa bàn trọng điểm (địa bàn có nhiều vụ việc xảy ra, có nhiều nạn nhân bị mua bán trở về hoặc có nhiều nguy cơ) có mô hình chuyên sâu về phòng ngừa mua bán người và 50% số xã trên toàn quốc có mô hình lồng ghép về phòng, chống mua bán người.

 

+ Chỉ tiêu 3: Từ năm 2016, thông tin về phòng, chống mua bán người được đăng tải trên cơ quan báo chí cấp Trung ương và cấp tỉnh ít nhất một tháng một lần.

 

+ Chỉ tiêu 4: Đến năm 2020, đạt 75% người dân tại các địa bàn trọng điểm, tập trung vào nhóm tuổi từ 14-60 tuổi, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em được tiếp cận các thông tin có kiến thức pháp luật về phòng, chống mua bán người, kỹ năng xử lý các tình huống liên quan đến mua bán người.

 

(Nguồn: Chương trình phòng chống mua bán người)

 

KIM CHI - MINH GIANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek