Thứ Hai, 25/11/2024 00:33 SA
Gom “rác” đổi tiền
Thứ Hai, 14/01/2008 08:00 SA

Nghề đi mua nhôm nhựa (có nơi gọi là ve chai, đồng nát) cũng lắm truân chuyên và chịu nhiều điều tiếng. Nhưng vì miếng cơm manh áo, những người làm nghề này vẫn cọc cạch đạp xe đi về các vùng quê hẻo lánh, tìm mua những thứ phế thải bán kiếm lời.

 

080114-nhom-nhua.jpg

Rong ruổi trên các nẻo đường mua phế liệu - Ảnh: H.NAM

 

HÀNH TRÌNH LIÊN TỈNH

 

Đội nón mê sùm sụp, bịt khăn nửa mặt, những “bà đồng nát” đạp chiếc xe cà tàng rong ruổi trên khắp các nẻo đường từ thành phố cho đến miền quê mua phế liệu. Chị Bùi Thị Ngon ở xã Xuân Phương (huyện Sông Cầu) làm nghề này gần 5 năm. Do số lượng người mua nhôm nhựa mỗi ngày một tăng nên chị phải lên tận Gia Lai tìm mua phế liệu. Năm, sáu người rủ nhau khăn gói lên đường, rong ruổi từ một tuần đến nửa tháng về các vùng sâu vùng xa. “Một ngày tôi đạp xe trên 30 cây số”, chị Ngon kể. Để mua được hàng, họ đến từng nhà, sau một vài câu chào hỏi thì tự đi ra sau hè, chái hiên, bờ rào gom những ống nhựa, lon nhôm, thau vỡ, xô thủng... sau đó hỏi chủ nhà giá cả. “Có người thấy tội, nói giá thấp, mua được. Có người “hét” cao quá, mình ráng cò kè thêm bớt”, chị Nguyễn Thị Phượng ở xã Xuân Quang 3 tâm sự.

 

Làm nghề này, có lúc các chị phải chịu đựng ánh mắt ngờ vực, kỳ thị của người khác. Chị Phượng kể, có lần chị vào nhà một người hỏi mua nhôm nhựa. Một người phụ nữ đứng chống nạnh nói như hắt nước vào mặt: “Đi chỗ khác mà mua. Đến đây lợi dụng mua nhôm nhựa thấy không có ai ở nhà thì chôm đồ chứ gì?”. Chị muốn giãi bày nhưng người phụ nữ kia đóng sập cửa. Chị tha thểu bước đi mà nước mắt chảy dài. Chị Phượng công nhận, quả thật trước đây có người lợi dụng mua nhôm nhựa để trộm cắp vặt, bây giờ mang tiếng lây. Chị khẳng định: “Thà tôi chắt mót từng đồng xu cắc bạc, chớ không làm chuyện xấu hổ đó”.

 

Mua hàng ở vùng sâu vùng xa, họ thường ngủ nhờ nhà người quen hoặc đến đâu hỏi xin tá túc qua đêm ở đó. Khi thì trải chiếu dưới đất khi thì ngủ tạm ở sạp hàng ngoài chợ, rồi cũng qua đêm. Vì mưu sinh, họ không quản ngại. Thức ăn buổi trưa của họ là gói mì tôm, cũng có ngày không có hột cơm trong bụng. “Đi mua được hàng thì vui nên ăn được, còn đạp xe rã chân mà không có hàng, trong người buồn rũ rượi nuốt không trôi cơm”,  chị Đoàn Thị Lành ở thôn Long Bình (thị trấn Chí Thạnh), kể. Có khi khuya khoắt họ mới về nhà, ăn chén cơm nguội rồi lăn ra ngủ, sáng tiếp tục cuộc hành trình. Và hằng ngày họ đánh vật với đống nhôm nhựa, có cả mùi thuốc cỏ, xác mắm tanh nồng.

 

GOM “RÁC” ĐỔI TIỀN

 

Hàng nhựa, giấy bán lại cho các đại lý lời từ 500 đến 1.000 đồng/kg, hàng này chở nhiều mới có lãi. Hàng sắt, chì, nhôm thì lời hơn nhưng nặng. “Có ngày mua “trúng mánh”, tôi cố sức chở 70 kg sắt đi qua đoạn đường dài 30 cây số. Mua được hàng là mừng, không ngại khổ nhọc”, chị Phương tâm sự.

 

Đối với các đại lý, kinh doanh phế liệu là nghề “một vốn bốn lời”. Gom hàng đủ chuyến xe chở vào TP Hồ Chí Minh bán lại cho các khu sản xuất tái chế, trung bình họ lãi 2-3 triệu đồng. Từ rác thải đổi thành tiền triệu, nhiều đại lý giàu lên trông thấy. Còn những người trực tiếp đi mua hàng thì tiền lời tính bằng đồng. Nhưng dù sao, nghề này cũng giúp cho những phụ nữ ở nông thôn có công ăn việc làm. Như nhà chị Lành chỉ có 2 sào ruộng, thu hoạch không đủ chi phí cho gia đình. Mấy năm trước chị đi làm thuê nhưng thỉnh thoảng mới có người thuê. Theo nghề mua bán nhôm nhựa, trung bình một ngày chị kiếm được từ 20.000 đến 30.000 đồng. Có chút tiền trang trải, cuộc sống đỡ hơn nhiều.

 

MẠNH HOÀI NAM

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek