Theo Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, hiện nay, yêu cầu đối với đào tạo nghề cho lao động nông thôn (ĐTNLĐNT) là phải sát với thực tiễn, gắn với các mô hình sản xuất; gắn với việc xây dựng nông thôn mới; tiếp tục nhân rộng các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả, gắn kết bền vững giữa Nhà nước, doanh nghiệp… nhằm mục tiêu có việc làm phù hợp và thu nhập từ nghề.
Giúp người dân thoát nghèo
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tuy An vừa phối hợp với UBND xã An Thạch tổ chức khai giảng lớp dạy nghềkỹ thuật chế biến món ăn (trình độ sơ cấp) miễn phí cho 30 học viên là hộ nghèo, cận nghèo, lao động nông thôn trong độ tuổi học nghề.
Ông Huỳnh Anh Vương, Giám đốc trung tâm này, chia sẻ: “Đây là lớp thứ ba về nghềkỹ thuật chế biến món ănđược trung tâm phối hợp với các xã tổ chức cho lao động nông thôn theo Đề án 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ĐTNLĐNT, nâng cao chất lượng đào tạo nghề vàmục tiêu của chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn là giúp người lao động thoát nghèo, cải thiện cuộc sống, thông qua đó giúp các lao động nữ tìm được việc làm phù hợp hoặc khởi sự kinh doanh phát triển kinh tế; nâng cao năng lực cần thiết cho chị em...”.
Chị Nguyễn Thị Nga ở thôn Phú Thịnh (xã An Thạch), tham gia lớp học, nói: “Hàng ngày, tôi bán thức ăn sáng cho người dân quanh xóm. Nghe tin có lớp học nấu ăn về xã dạy cho phụ nữ, tôi đăng ký học để nâng cao tay nghề, qua đó biết thêm về cách lựa chọn nguyên liệu, chế biến, trình bày món ăn để nâng cao kỹ thuật nấu ăn. Tôi thấy lớp học rất bổ ích”. Tất cả học viên tham gia lớp học này đều rất tự tin vì yêu thích và hy vọng có việc làm phù hợp trong tương lai gần.
“Lớp dạy nghề kỹ thuật chế biến món ăn trong thời gian 3 tháng. Sau khi kết thúc chương trình đào tạo nghề, các học viênsẽ tự tin tìm kiếm được việc làm, tăng thu nhập cho bản thân, gia đình nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần xây dựng nông thôn mới”, ông Huỳnh Anh Vương nói.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, trong giai đoạn 2016-2020, ĐTNLĐNT được đưa vào nội dung thành phần trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Công tác ĐTNLĐNT phải là một cuộc cách mạng, gắn với xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo bền vững. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, những năm qua, Phú Yên đã ban hành nhiều cơ chế chính sách về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Qua đó, công tác đào tạo nghề đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng thực tiễn.
Ông Lê Văn Phổ, Trưởng Phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB-XH Phú Yên), cho biết: Tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh hiện nay mới chỉ đạt khoảng 45%. Chính vì thế, việc đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp còn hạn chế, chưa phù hợp nhu cầu thị trường lao động… Các địa phương mới chỉ có những lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp đơn giản như: nấu ăn, cắt may…
Liên kết với các doanh nghiệp
Theo ông Lê Văn Phổ, cái khó của công tác ĐTNLĐNT hiện nay là việc phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho các cơ sở dạy nghề còn chậm, dẫn đến các cơ sở dạy nghề chưa chủ động trong việc tuyển sinh. Chính sách dạy nghề chưa phù hợp với thực tiễn, chưa thu hút lao động nông thôn nhiệt tình tham gia. Số lượng học viên sau học nghề được nhận vào làm trong các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp còn khiêm tốn…
Ông Lê Văn Phổ cho biết thêm: “Ngành Lao động triển khai nhiều buổi gặp mặt, hội thảo chia sẻ về liên kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng lao động; các doanh nghiệp đã tham gia với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc hoàn thiện nội dung, chương trình dạy nghề theo yêu cầu của sản xuất; nhận học viên thực tập và làm việc tại doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động học nghề nhất là lao động nông thôn, tuy nhiên cũng không thu hút nhiều lao động”.
Phú Hòa là địa phương có nhiều doanh nghiệp, công ty, cơ sở sản xuất kinh doanh, nên thời gian qua, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Phú Hòa được triển khai nhiều hình thức như: Dạy nghề tập trung tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, dạy tại doanh nghiệp, dạy nghề lưu động tại các thôn, dạy nghề vào ban đêm…
Ông Nguyễn Xuân Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phú Hòa, cho biết: Trung tâm đã phối hợp với các xã, thị trấn tuyển sinh đào tạo nghề; liên kết với các doanh nghiệp vừa đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ; bố trí những khung thời gian phù hợp để thuận tiện cho người học. Năm 2017, trung tâm đã mở 9 lớp nghề với gần 250 học viên tham gia, trong đó có 4 lớp nghề phi nông nghiệp (nghề may và điện dân dụng), 5 lớp nghề nông nghiệp (trồng rau sạch; nuôi và phòng trị bệnh cho bò, gà). Chất lượng dạy nghề cũng được nâng lên, các lĩnh vực dạy nghề được trang bị tương đối các trang thiết bị cần thiết.
Theo ông Phổ, trong xu thế phát triển của xã hội, việc gắn kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người lao động trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm là hết sức quan trọng.
Trong thời gian tới, tỉnh và các ngành liên quan sẽ tập trung hỗ trợ cho người lao động theo nhu cầu đào tạo nghề với định mức theo từng ngành nghề và hệ đào tạo đối với người lao động; tạo mối liên kết, hợp tác chia sẻ trách nhiệm, lợi ích giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; nâng cao chất lượng đào tạo nghề lao động nông thôn, gắn với nhu cầu thực tế, người lao động học nghề xong phải có việc làm từ 81% trở lên…
KIM CHI - VĂN TUYẾN