Ngày Dân số thế giới là sự kiện diễn ra hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức của toàn thế giới về các vấn đề dân số toàn cầu. Năm nay, chủ đề của Ngày Dân số thế giới là: “Thành công của kế hoạch hóa gia đình là tiền đề cho phát triển bền vững”.
Nhiều thách thức
Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), đầu tư vào công tác kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) chính là nhằm cải thiện sức khỏe các cặp vợ chồng và góp phần thực hiện các quyền cho phụ nữ trên toàn thế giới. Sự đầu tư này sẽ mang lại rất nhiều lợi ích về kinh tế và các lợi ích khác có vai trò làm động lực thúc đẩy quá trình phát triển.
Ngày Dân số thế giới năm nay với chủ đề “Thành công của KHHGĐ là tiền đề cho phát triển bền vững”, tiếp tục cho vai trò của công tác KHHGĐ trong phát triển chất lượng cuộc sống một cách bền vững. Đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm trong Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Trên cơ sở đó, đối với các địa phương, trong đó có Phú Yên, tiếp tục tăng cường sự tham gia đồng bộ, tích cực, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và sự hợp tác giúp đỡ của các tổ chức phi Chính phủ đối với công tác DS-KHHGĐ nhằm thực hiện các mục tiêu kế hoạch tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016-2020.
Toàn tỉnh hiện đang triển khai quyết liệt Nghị quyết 20/NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Theo nghị quyết này, từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng. Chất lượng dân số được cải thiện, tuổi thọ trung bình tăng, đạt 73,4 tuổi vào năm 2016, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong ở bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có sự cải thiện. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Công tác tuyên truyền, giáo dục, nhận thức về DS-KHHGĐ của các cấp, các ngành và toàn dân có bước đột phá. Mỗi cặp vợ chồng có 2 con đã trở thành chuẩn mực, lan tỏa, thấm sâu trong toàn xã hội. Dịch vụ DS-KHHGĐ được mở rộng, chất lượng ngày càng cao.
Tuy nhiên, công tác DS-KHHGĐ vẫn còn nhiều hạn chế. Mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể. Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng; trong khi chúng ta chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số. Người ít có điều kiện chăm sóc và nuôi dưỡng con còn đẻ nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng dân số.
Ông Lê Văn Bi, Trưởng Phòng Truyền thông (Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên), cho biết: Hưởng ứng Ngày Dân số thế giới năm nay, Chi cục phối hợp với các địa phương truyền thông tập trung vào các vấn đề đang đặt ra đối với công tác DS - KHHGĐ, như: Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; mất cân bằng giới tính khi sinh; duy trì vững chắc mức sinh thay thế; nâng cao chất lượng dân số; cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em; cơ cấu dân số vàng, già hóa dân số; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân. Vừa qua, Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh đã tổ chức 3 lớp tập huấn về công tác này đến hơn 100 cán bộ, cộng tác viên dân số trong toàn tỉnh. Qua lớp tập huấn, cán bộ dân số, cộng tác viên ở cơ sở được trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp cho công tác chuyên môn tại cơ sở trong tình hình mới.
Tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống
Ðể thực hiện tốt các mục tiêu về dân số, phát triển bền vững, công tác DS-KHHGĐ đã và đang tập trung toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bố và nâng cao chất lượng dân số với các nhiệm vụ chủ yếu như: Duy trì mức sinh thay thế; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tận dụng cơ cấu dân số vàng; thích ứng với quá trình già hóa dân số; điều chỉnh phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số...
Theo bác sĩ Vũ Ngọc Dững, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên, hiện toàn ngành đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động vận động, truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi về DS-KHHGĐ, phấn đấu đạt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2018; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, tăng tỉ lệ sử dụng dịch vụ tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh, dị tật trước sinh và sơ sinh; tăng số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, đặc biệt là vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên; tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân... Triển khai các loại hình cung cấp thông tin, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số cho nhân dân tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng biển đảo.
KIM CHI