Tư tưởng Nho giáo, ý thức hệ phong kiến, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã để lại dấu ấn đậm nét và hậu quả nặng nề trong ý thức và đời sống xã hội. Đây là một trong những rào cản lớn trong tiến trình giải phóng và phát triển xã hội. Thấm nhuần quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta thực hiện nhất quán đường lối, quan điểm về thực hiện nam nữ bình quyền.
Sự nghiệp giải phóng phụ nữ không chỉ dừng lại ở quan điểm, tư tưởng mà quan trọng hơn là Đảng và Nhà nước ta đã đề ra những chủ trương, chính sách với những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào mọi mặt của đời sống xã hội. Nhà nước bảo đảm quyền làm việc của phụ nữ bình đẳng về mọi mặt với nam giới; tạo mọi điều kiện để lao động nữ phát huy khả năng của mình, bảo hộ các chế độ làm việc, sử dụng lao động nữ và chế độ liên quan đến thai sản trong quá trình lao động… Thực tế cho thấy nội dung này đã được các cấp, ngành, địa phương triển khai tốt, phụ nữ đã phát huy khả năng vươn lên có những đóng góp tích cực cho sự phát triển xã hội.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được cũng còn những hạn chế như việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, tình trạng bạo lực gia đình còn diễn ra. Trong nhiều gia đình vẫn còn tư tưởng coi nặng con trai, xem nhẹ con gái. Những năm gần đây xuất hiện tình trạng trẻ sơ sinh nam nhiều hơn nữ làm mất cân bằng giời tính đến mức báo động. Ở nhiều địa phương cũng như một số ngành chưa tạo điều kiện để phụ nữ vươn lên. Đây là những tồn tại cần được khắc phục.
Để đáp ứng yêu cầu sự phát triển của đất nước, trong công cuộc giải phóng phụ nữ hiện nay cần tập trung nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác phụ nữ và vấn đề bình đẳng giới. Các cấp, các ngành cần thể chế hóa các quan điểm về công tác phụ nữ và công tác cán bộ nữ trong tình hình mới; tạo điều kiện nâng cao trình độ học vấn và kỹ năng nghề nghiệp cho phụ nữ… để chị em phát huy vai trò của mình, tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, các cơ quan lãnh đạo và quản lý các cấp. Bản thân phụ nữ cần tự mình nỗ lực phấn đấu, vươn lên nhằm đáp ứng các yêu cầu của xã hội; vượt qua tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, khắc phục tư tưởng an phận, cam chịu và thụ động. Mặt khác, phụ nữ cũng cần loại bỏ tư tưởng ỷ lại và trông chờ đem lại quyền lợi cho chính mình. Phụ nữ cần tăng cường đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, thông qua các tổ chức hội các cấp. Đồng thời, các cấp, ngành cần tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện vai trò của mình là công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con; bồi dưỡng, đào tạo để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, bà mẹ, trẻ em; bổ sung và hoàn chỉnh các chính sách về lao động, bảo hiểm xã hội, thai sản, chế độ đối với lao động nữ…
Hội Phụ nữ các cấp nhất là ở cơ sở thực hiện quyền làm chủ của mình, đấu tranh bảo vệ những quyền lợi hợp pháp và chính đáng của mình. Hội Phụ nữ các cấp phải bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện để giúp họ thực hiện sự bình đẳng về giới. Phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang, phụ nữ Việt Nam đã, đang và sẽ góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ phát triển mới.
ĐỨC THÀNH