Có không ít người cho rằng sau những năm tháng hôn nhân, những cảm xúc thương yêu dễ bị phai nhạt. Điều đó chưa hẳn đã đúng. Bởi những người tôi gặp, những cảm xúc ấy vẫn lấp lánh trong ánh mắt họ khi nói về những yêu thương nồng đượm trong gia đình mình. Họ đã “thắp lửa” hạnh phúc bằng cách nào?
Từ sự nhu hòa của người phụ nữ
Ông bà ta ngày xưa thường nói “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” như để nhắc nhở về vai trò vô cùng quan trọng của những người vợ, người mẹ trong việc vun đắp hạnh phúc gia đình. Câu nói đó đến giờ với chị Nguyễn Thị Phương Dung, Chi hội trưởng Phụ nữ khu phố Trường Xuân (thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An) vẫn vẹn nguyên giá trị: “Theo tôi, để gìn giữ hạnh phúc, người phụ nữ nên biết cách ứng xử khéo léo, tế nhị, lắng nghe ý kiến của chồng con để trao đổi, chia sẻ, nuôi dưỡng tình cảm tốt đẹp dành cho nhau. Điều này sẽ giúp cho không khí gia đình luôn êm thuận, đầm ấm”. Bởi vậy mà chị Dung thường khuyên giải các hội viên phụ nữ trong khu phố nên nhẫn nhịn, không tranh đoạt hơn thua những khi vợ chồng có chuyện “cơm không lành, canh không ngọt”. Với chị Dung, cuộc sống hôn nhân có lúc này lúc khác, quan trọng là phải nhìn ra những điểm tốt của người bạn đời mới có thể nuôi dưỡng yêu thương.
Đó cũng là điều mà chị Trần Thị Tỉnh ở thôn Long Mỹ (xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân), một bà mẹ tiêu biểu trong phong trào nuôi dạy con tốt ở địa phương này chia sẻ về cách tạo dựng hạnh phúc cho mái ấm. Chị Tỉnh nói rằng: “Phụ nữ ai cũng mong muốn con cái mình khôn lớn nên người, khỏe mạnh, thông minh, học giỏi. Nhưng để có được điều đó, gia đình phải ấm êm, hạnh phúc, vợ chồng phải lắng nghe, thấu hiểu, tin tưởng, yêu thương, tôn trọng nhau. Đồng thời nêu gương cho con cái để chúng trở thành những người con hiếu thảo trong gia đình và những công dân tốt cho xã hội”.
Cũng như bao gia đình nông dân khác ở xã Xuân Long, cuộc sống của vợ chồng chị Tỉnh còn nhiều khó khăn vất vả, tuy nhiên họ luôn tâm niệm việc chăm sóc, nuôi dạy con cái cần phải ưu tiên nhất. Mỗi bữa cơm hàng ngày, chị đều chú ý đến các vấn đề về dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm để các con phát triển trí tuệ và thể lực sau này. Ngoài ra, chị nỗ lực cùng chồng tạo mọi điều kiện tốt nhất để con cái học tập. Cô con gái đầu của chị là Nguyễn Trần Kiều Tiên đang học lớp 12 Trường THPT Lê Lợi, còn cô con gái út là học sinh của Trường tiểu học Xuân Long. Cả hai đều chăm ngoan, học giỏi, đạt nhiều thành tích cao trong học tập và rất lễ phép, hiểu chuyện. Nhìn các con mỗi ngày một lớn khôn, vợ chồng chị vô cùng hạnh phúc.
Đến những điều bình dị…
Gia đình là “tế bào” của xã hội, góp sức xây dựng những gia đình, những “tế bào” hạnh phúc là góp phần xây dựng cuộc sống thêm an vui, phồn vinh. Nhận thức rất rõ vai trò, tầm quan trọng của gia đình đối với sự phát triển của xã hội, từ nhiều năm nay cùng với các cấp, các ngành, các cấp Hội LHPN Phú Yên liên tục tổ chức các hoạt động truyền thông kiến thức hỗ trợ phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa xây dựng phong trào nuôi con khỏe dạy con ngoan, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội. Đồng thời phối hợp với các ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên phụ nữ phát huy các giá trị vô giá của gia đình…
Chị Rah Lan H’Ca ở buôn Lé A (xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa) nói rằng để góp phần tạo nên một gia đình hạnh phúc, người phụ nữ phải biết cách nuôi dạy con cái; biết cách chăm sóc bản thân luôn tươi trẻ, chăm lo cho bữa cơm gia đình ấm áp; nỗ lực cùng chồng gầy dựng kinh tế gia đình để có điều kiện cho con ăn học… Theo chị, để có được hạnh phúc, cần phải nỗ lực tạo dựng từ những điều nho nhỏ trong cuộc sống hàng ngày.
Không ai có thể phủ nhận bữa cơm hàng ngày đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình. Tôi có anh bạn thân luôn mê đắm những bữa cơm của vợ anh nấu. Anh nói, dù đi đâu, làm gì, sau giờ làm việc anh luôn muốn trở về ngôi nhà bình yên của mình, ăn những bữa cơm vợ nấu. Những bữa cơm tuy đơn sơ, giản dị nhưng lại thấm đượm nghĩa tình. Bởi thế, dù đơn giản chỉ là vài con cá kho, tô canh rau tập tàng, tương cà, dưa muối... cũng là quá đủ cho một bữa ăn đầm ấm, vẹn tròn.
Thời buổi hiện nay đúng là hàng quán mọc lên rất nhiều nhưng cơm quán làm sao có thể sánh bằng cơm vợ nấu. Có thể thức ăn ở quán xá nhìn bắt mắt, mùi vị thơm ngon quyến rũ nhưng không thể lành, sạch, tươi ngon, an toàn như thức ăn ở nhà. Mỗi bữa cơm không chỉ ăn để lấp đầy bao tử mà còn chứa đựng cả sự tận tụy, yêu thương, chăm sóc của vợ dành cho chồng con. Anh nói, anh thật may mắn khi ở bên cạnh một người vợ luôn nhu hòa, dịu dàng, đảm đang, hết lòng yêu thương chồng con. Bởi vậy, mỗi lần bước chân về nhà là anh thấy lòng mình thật bình yên, dễ chịu!
Có không ít người cho rằng sau những năm tháng hôn nhân, những cảm xúc thương yêu dễ bị phai nhạt. Điều đó chưa hẳn đã đúng. Bởi những người tôi gặp, những cảm xúc ấy vẫn lấp lánh trong đôi mắt họ khi nói về cuộc sống gia đình với những yêu thương nồng đượm. Với họ, hạnh phúc thường bắt đầu từ những việc hết sức nhỏ bé đời thường. Đó là những bữa cơm lành đầm ấm. Đó là sự nhu hòa không tranh đoạt hơn thua của người bạn đời. Đó là đứa con hiếu thảo, ngoan hiền… Tất cả những điều đó đã tạo nên hạnh phúc, yêu thương rất riêng của mỗi người.
NGỌC DUNG