Thứ Năm, 24/10/2024 07:22 SA
Xã hội hóa phương tiện tránh thai
Thứ Sáu, 15/06/2018 11:00 SA

Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản được y tá khám sức khỏe - Ảnh: KIM CHI

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để đẩy mạnh xã hội hóa công tác y tế, dân số, trong đó có cung cấp phương tiện tránh thai (PTTT) và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản (KHHGĐ/SKSS). Việc này góp phần quan trọng trong thực hiện các mục tiêu của chiến lược dân số - sức khỏe sinh sản Việt Nam, mang lại lợi ích cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.

 

Đẩy mạnh tuyên truyền

 

Dân số Phú Yên hiện có hơn 940.000 người, số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 2 con, tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên 8%, số phụ nữ 15-49 tuổi chiếm 29%, độ tuổi vị thành niên chiếm 26%, tỉ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng PTTT hiện đại đạt 71%... Dù vậy, theo Chi cục DS-KHHGĐ, hiện nay, công tác xã hội hóa PTTT và dịch vụ KHHGĐ/SKSS vẫn còn nhiều khó khăn.

 

Ông Vũ Ngọc Dững, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên, chia sẻ: Sự trông chờ Nhà nước bao cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ/SKSS hiện nay vẫn còn trong suy nghĩ của nhiều người, trong khi Nhà nước chỉ ưu tiên cấp miễn phí cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, vùng khó khăn, phần còn lại phải huy động đóng góp cùng chia sẻ của cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên, hiện công tác xã hội hóa PTTT của tỉnh chưa triển khai chính thức trong hệ thống công lập nên chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

 

Trong thời gian qua, Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên đã tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền phổ biến về PTTT đến cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số, người dân. Đồng thời cũng triển khai nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong độ tuổi sinh sản.

 

Chị Nguyễn Thị Phượng, cán bộ chuyên trách dân số xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) cho biết: “Chúng tôi được tập huấn về cách thức thực hành bán sản phẩm, kỹ năng cơ bản về phân phối PTTT và dịch vụ KHHGĐ/SKSS. Đồng thời, chúng tôi cũng đến từng nhà chị em trong độ tuổi sinh đẻ để tuyên truyền cho họ hiểu rõ việc tất yếu thực hiện xã hội hóa PTTT; cách thức sử dụng thuốc tránh thai an toàn phù hợp với thể trạng của từng người.

 

Theo khảo sát của tổ chức Marie Stopes International (tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực DS-KHHGĐ), đơn vị hỗ trợ Phú Yên triển khai KHHGĐ gần đây cho thấy rất nhiều phụ nữ tại các vùng nông thôn có nhu cầu sử dụng biện pháp tránh thai nhưng chưa được đáp ứng. Bên cạnh đó các dịch vụ KHHGĐ tại tuyến xã còn rất hạn chế. Tình trạng này dẫn tới việc tăng số phụ nữ mang thai ngoài ý muốn, tăng số ca phá thai hay tăng dân số, nhất là vùng có mức sinh cao và chưa ổn định.

 

Định hướng tiếp cận PTTT chất lượng

 

Từ nhu cầu thực tế này, tỉnh đã triển khai xây dựng đề án “Xã hội hóa cung cấp PTTT, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016-2020” nhằm đáp ứng ngày càng cao và đa dạng về PTTT, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS có chất lượng cho người dân trên địa bàn tỉnh, đảm bảo sự công bằng xã hội, sự bền vững của chương trình DS-KHHGĐ, huy động và nâng cao hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cho chương trình DS-KHHGĐ phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế, xã hội. Đề án triển khai sẽ tạo ra cơ hội tiếp cận dịch vụ KHHGĐ thuận tiện và chất lượng cho người dân có nhu cầu, có khả năng tự nguyện chi trả dịch vụ KHHGĐ.

 

Tại hội nghị triển khai đề án “Xã hội hóa cung cấp PTTT, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016-2020”, do Sở Y tế tổ chức, bác sĩ Trần Ngọc Dưng, Phó Giám đốc sở này cho biết: Xã hội hóa PTTT và KHHGĐ/SKSS là một hướng đi tất yếu. Đề án này bắt đầu triển khai từ năm 2016 và đến nay tỉnh triển khai đến tất cả các xã, phường, thị trấn (trừ các xã đặc biệt khó khăn theo quyết định của Thủ tướng) với những người thụ hưởng là người dân đang sinh sống và làm việc tại các địa bàn thuộc khu vực thành thị, vùng nông thôn phát triển, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu du lịch và khu dịch vụ - thương mại khác, ưu tiên nhóm đối tượng là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, thanh niên, vị thành niên. Đề án sẽ góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, thay đổi cách nghĩ của người dân trong việc chủ động sử dụng PTTT.

 

Theo ông Vũ Ngọc Dững, Chi Cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên, trong năm 2018, chi cục sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan tập trung truyền thông, vận động thay đổi hành vi, phổ biến đề án tại các cơ sở y tế nhằm tạo thương hiệu và định hướng cho người có nhu cầu sử dụng dịch vụ; tiếp cận PTTT có chất lượng, giá cả phù hợp; truyền thông đến các khách hàng về quyền lợi, được theo dõi và giải quyết những bất cập khi nhận dịch vụ; cung cấp PTTT, hàng hóa và hỗ trợ chi phí dịch vụ. Việc thực hiện đề án đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy cũng như trong phương thức tổ chức thực hiện cung cấp PTTT, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS. Qua đó góp phần duy trì mức sinh thay thế, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn.

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek