Thứ Hai, 20/01/2025 12:23 CH
Nông dân “khóc” dù... khóm được mùa
Thứ Sáu, 08/06/2018 13:00 CH

Người dân thu hoạch khóm Đồng Din mang về vựa thu mua - Ảnh: THÁI HÀ

“Mấy năm trước, vợ chồng tôi hầu như ngày nào cũng ở trên rẫy khóm, tuy phải làm việc tối mắt, tối mũi, thở không ra hơi nhưng khi đưa được xe khóm xuống đồng, thương lái thu mua giá cao tự nhiên thấy phấn khởi, mệt nhọc cũng biến mất. Nay thì mỗi lần bán khóm xong, chỉ muốn khóc”, chị Lê Thị Bích Thưng, một người trồng khóm Đồng Din chia sẻ, khi giá khóm rớt thê thảm giữa những ngày cả vùng thu hoạch rộ.

 

Rớt giá thê thảm

 

Gần 1 tháng nay, giá khóm Đồng Din (huyện Phú Hòa) giảm dần và hiện tại đang chạm đáy. Bao nhiêu công sức, vốn liếng đổ vào rẫy khóm chỉ đợi đến lúc thu hoạch nhưng vì gặp thời điểm giá khóm rớt thê thảm, thấp nhất từ trước đến nay nên người dân lỗ nặng.

 

Theo những người dân trồng khóm ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa), nếu như những năm trước, giá khóm loại 1 luôn ở mức ổn định 90.000 đồng/chục, loại nhỏ hơn thì 50.000-70.000 đồng/chục, thì hiện tại, giá khóm loại 1 chỉ ở mức 40.000 đồng/chục có đầu, nhưng cũng chỉ được thương lái mua với số lượng giới hạn. Còn các loại nhỏ hơn thì bán không ai mua, cho không ai lấy, nhiều nhà vườn nản quá đành phải bỏ đi, không thu hoạch.

 

Sau 1 ngày quần quật thu hoạch, mang vác để chuyển khóm từ vườn đến cáp treo, từ cáp treo xuống đường lớn, nhưng khi đến nơi tập kết, các đầu nậu chỉ lựa lấy một ít trái to, còn hầu hết đều bỏ lại, anh Võ Minh Nhựt ở xã Hòa Thắng cho biết, những năm trước, khi khóm được mùa, được giá, đi đến đâu người ta cũng phấn khởi nói về cây khóm. Năm nay, rẫy khóm rộng 3ha nhà anh Nhựt ra trái chậm hơn 1 tháng so với dự kiến và đúng vào mùa thu hoạch cao điểm nên giá cả bèo bọt, bán không ai mua. Cả làng trồng khóm Đồng Din giờ không dám thuê nhân công, người trong gia đình hái được bao nhiêu thì được bấy nhiêu để vớt vát lại các chi phí đã bỏ ra.

 

Tiếc công sức bỏ ra, chị Lê Thị Bích Thưng phải dậy sớm chở một xe máy hai sọt khóm từ xã Hòa Thắng xuống chợ phường 7 (TP Tuy Hòa) để bán. Chị Thưng cho biết, mỗi ngày chị thu hoạch được 5 xe khóm, nhưng có nài nỉ mấy thì thương lái cũng chỉ mua được 2 xe. Số còn lại chị không thể bán ở các chợ gần vì chợ nào cũng đầy ắp khóm nên phải chở xuống Tuy Hòa để gọt và bán lẻ với giá 10.000 đồng 5 trái. Tuy vậy, số khóm bán lẻ chẳng bõ bèn gì so với diện tích 1,5ha khóm chín chưa thu hoạch.

 

Vừa rồi, chị Thưng cho anh chị em trong gia đình bỏ công lên rẫy hái về bán nhưng ai cũng đi một chuyến rồi lắc đầu vì đường sá đi lại khó khăn, tốn công, tốn sức mà lúc xuống đến đồng thì bán chẳng được bao nhiêu. Tính toán thông thường là biết ngay lỗ công lỗ vốn, tiền thuê người hái một xe là 120.000 đồng, tiền vận chuyển 200.000 đồng; trong khi đem xuống tới đường, bán chỉ được 300.000 đồng! “Ngày trước, một xe khóm xuống tới vựa là được 2 triệu đồng. Giờ một xe khóm to xuống tới vựa được tối đa là 500.000 đồng nếu khóm lớn, khóm loại thường chỉ 100.000-200.000 đồng, khóm nhỏ hơn thì người ta không mua. Chúng tôi làm ăn cả năm, vốn liếng bỏ ra một vụ vài chục triệu đồng, công sức thì không biết bao nhiêu, đến mùa thì giá khóm rớt thê thảm. Nghĩ tới đó thôi tự nhiên chảy nước mắt”, chị Thưng bộc bạch.

 

Mong chờ “giải cứu”

 

Không chỉ người nông dân không bán được khóm mà cả những người đi buôn cũng gặp khó khi ngả Tây Nguyên đang mưa, bán ít chạy hàng, còn các tỉnh miền Nam và vựa khóm của Quảng Ngãi cũng đang vào vụ. Anh Nguyễn Chí Linh ở xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa) có nhiều năm mua khóm bán đi các tỉnh nhưng đây là lần đầu anh Linh thấy khóm rớt giá thê thảm đến vậy. “Không phải mình muốn ép giá nông dân trồng khóm, nhưng vì các tỉnh khác cũng đang rộ mùa khóm nên việc buôn bán khó khăn hơn, cạnh tranh gay gắt nên giá khóm tụt thấp, mà bán cũng không trôi”, anh Linh chia sẻ.

 

Thời gian này, người dân không dám thuê công hái, chặt cây và cũng không dám bón phân trở lại cho mùa tới vì không biết sắp tới đây giá cả như thế nào. Từ một loại cây trồng khiến cả làng náo nức, tự hào thương hiệu “khóm Đồng Din” thì giờ đây rơi vào thế bế tắc, bỏ thì tiếc mà thu hoạch càng lỗ lớn.

 

“Những năm trước, thương lái ở các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Quảng Ngãi còn đến thu mua, năm nay, chỉ có 5-6 đầu nậu địa phương hoạt động, nên người ta lấy giá nào thì mình phải bán giá đó. Chúng tôi mong chính quyền, cộng đồng có cách “giải cứu” khóm, như các nơi đã từng giải cứu chuối, thịt heo, vải, dưa hấu… để người dân bớt khổ. Còn về lâu dài, thì mong có công ty vào đầu tư bao tiêu sản phẩm hoặc chế biến trái khóm để chúng tôi yên tâm sản xuất, mà không phải thấp thỏm về giá cả”, ông Lê Ngọc Ẩn, một người trồng khóm ở xã Hòa Thắng chia sẻ.

 

Ông Nguyễn Siêng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, cho biết: Chúng tôi rất chia sẻ với những khó khăn của bà con nông dân trồng khóm Đồng Din. Việc khóm rớt giá, Phòng NN-PTNT thấy rõ, nhưng hiện nay không có phương án nào để “giải cứu” vì kinh phí hạn hẹp. Mặt khác, để xảy ra việc “được mùa mất giá” một phần là do nhiều người dân tự ý phá cây lâm nghiệp đã được quy hoạch để chuyển sang trồng khóm. Việc làm tự phát này khiến diện tích khóm tăng lên. Hiện tại, Phòng NN-PTNT huyện đang lập dự án phát triển khóm Đồng Din theo mô hình nông - lâm kết hợp để trồng đa dạng các loại cây trồng phù hợp với từng khu vực, tăng độ bao phủ rừng. Mô hình này khi thực hiện được kỳ vọng sẽ giúp người dân khu vực Đồng Din phát triển kinh tế mà không phụ thuộc vào cây khóm.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek