Trong tháng qua, các doanh nghiệp viễn thông đã nỗ lực để hỗ trợ khách hàng sử dụng thuê bao di động trả trước cập nhật thông tin chính chủ nhưng vẫn chưa thể hoàn thành theo đúng thời gian quy định. Công tác này tiếp tục được các đơn vị thực hiện đến đầu tháng 6/2018.
Theo Sở TT-TT, thực hiện Nghị định 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định 25/2011/NĐ-CP và Nghị định 174/2013/NĐ-CP, từ ngày 24/4/2018, tất cả thuê bao di động trả trước đều phải có thông tin chính xác và sẽ bị khóa nếu không bảo đảm thông tin.
Các nhà mạng viễn thông phải hỗ trợ khách hàng hoàn thiện thông tin đăng ký thuê bao chính chủ trước thời gian này. Do điều kiện thực tế của người dân và các nhà mạng nên đến thời điểm này, vẫn còn thuê bao di động trả trước mà các nhà mạng đang cung cấp chưa thể hoàn thiện đủ thông tin. Để hỗ trợ khách hàng, các nhà mạng đã xin phép Bộ TT-TT gia hạn thêm thời gian đến đầu tháng 6/2018.
Theo các nhà mạng, từ đầu tháng 6, nhà mạng sẽ tiến hành khóa một chiều (chiều gọi đi) từ 2-3 ngày đối với các thuê bao chưa cập nhật đầy đủ thông tin (họ, tên, CMND, ngày cấp và nơi cấp, ảnh chụp chân dung...) và tiếp tục thông báo để khách hàng đến đăng ký thông tin. Nếu khách hàng không thực hiện, nhà mạng sẽ ngừng cung cấp dịch vụ trên thuê bao. Theo ông Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Mobifone Phú Yên, đơn vị đã gửi thông báo đến Sở TT-TT về việc thay đổi thông tin thuê bao trả trước lưu động. Tức là ngoài việc thực hiện tại các cửa hàng, điểm giao dịch, Mobifone còn hỗ trợ lưu động cho khách hàng ở tất cả các địa phương trong tỉnh đến hết ngày 31/5.
Ông Nguyễn Trọng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Viettel Phú Yên, cho biết: Tại Phú Yên, Viettel đã hỗ trợ cho 90% khách hàng hoàn thiện thông tin thuê bao theo quy định của Bộ TT-TT. Hiện còn gần 30.000 thuê bao chưa đăng ký thông tin. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục hỗ trợ khách hàng đến hết ngày 2/6. Còn theo ông Nguyễn Xuân Phú, Phó Giám đốc Trung tâm kinh doanh - VNPT Phú Yên, với nhân lực hiện tại thì việc hỗ trợ tất cả khách hàng ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn. Dù vậy, từ nay đến cuối tháng 5, đơn vị sẽ dốc hết sức để hoàn thành công tác này.
Vấn đề được người dân quan tâm hiện nay là sau khi cập nhật thông tin chính chủ, tình trạng sim rác, tin nhắn rác, mạo danh… có được chấm dứt, quyền lợi khách hàng có được bảo vệ? Hay nhà mạng được lợi… Bà Ngô Thị Mận ở phường 9, TP Tuy Hòa, bày tỏ: Tôi đang dùng sim của 2 nhà mạng, khi có thông tin chủ thuê bao phải đăng ký lại thông tin chính chủ, 2 nhà mạng đều gửi tin nhắn thông báo cho tôi.
Tuy công việc khá bận rộn nhưng tôi cũng cố gắng đến các điểm giao dịch hoàn thiện thông tin. Theo tôi, không biết sau khi cung cấp thông tin, các nhà mạng có quản lý chặt sim rác? Trường hợp ngưng cung cấp với sim không đủ thông tin, khách hàng sẽ mua sim mới, nhà mạng có thêm cơ hội bán hàng?...
Liên quan đến vấn đề này, đại diện một doanh nghiệp viễn thông cho biết: Việc hoàn thiện thông tin thuê bao chính chủ là yêu cầu của Nhà nước mà cả nhà mạng và khách hàng phải thực hiện; giúp cho cơ quan quản lý nhà nước quản lý chặt hơn, minh bạch hóa số sim của khách hàng, tránh được các trường hợp vi phạm pháp luật thông qua sim rác… Về phía nhà mạng, chúng tôi có thể nắm bắt được khách hàng đang sử dụng dịch vụ như thế nào, từ đó có hình thức chăm sóc, hỗ trợ tốt hơn. Còn khi khách hàng bị khóa sim và phải mua sim mới thì nhà mạng hoàn toàn không được lợi gì, bởi thay vì quản lý sim cũ, nhà mạng sẽ quản lý sim mới, hoặc nhà mạng sẽ mất khách hàng vì có thể khách hàng sẽ mua sim của một nhà mạng khác.
Theo Sở TT-TT, Nghị định 49 ra đời sẽ khắc phục các kẽ hở pháp lý, tăng tính hiệu quả và khả thi trong công tác quản lý thông tin thuê bao, giúp cho việc sử dụng thuê bao của khách hàng được quản lý chặt chẽ hơn. Cơ quan quản lý nhà nước và các nhà mạng sẽ có cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao chính xác nhằm phục vụ công tác đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
KHANG ANH