Sáng thứ bảy vừa rồi, gia đình chị T tổ chức liên hoan để chia tay với đứa con trai sang Úc du học. Do ở cùng đường, lại sinh hoạt Hội Phụ nữ với nhau, tôi cũng được mời dự tiệc hôm đó. Trong buổi tiệc, chị T rất vui, luôn miệng cảm ơn mọi người.
Đặc biệt, ánh mắt của chị nhìn không ngớt nơi bàn có chị H, Chi hội trưởng Phụ nữ khu phố. Sau khi mời mọi người vào tiệc, chị phát biểu cảm nghĩ của mình: “Trước đây gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Để có được ngày vui hôm nay, tôi cảm ơn bà con cô bác, cảm ơn các chị trong Ban Chấp hành Chi hội Phụ nữ đã giúp đỡ gia đình vượt qua những năm tháng khó khăn đó...”.
Chưa nói hết ý nghĩ của mình, nhưng trên khóe mắt của chị đã ngân ngấn lệ. Mọi người cảm động thật sự, hầu như ai cũng hiểu những điều chị T chưa nói ra. Đó là câu chuyện của gia đình chị cách đây gần 10 năm nhưng nhiều người còn nhớ.
Thời điểm đó, vợ chồng chị T có hai con, đứa đầu 8 tuổi, đứa thứ hai 3 tuổi. Chị T không có công việc làm ổn định. Nguồn thu nhập chính chủ yếu nhờ vào tiền công làm phụ hồ của anh N - chồng chị là chính. Đã nghèo lại gặp phải “cái eo”, trong một lần tham gia công trình xây dựng tại TP Hồ Chí Minh, không hiểu vì nắng hay do bệnh huyết áp tăng đột ngột, anh N không may trượt chân rơi từ tầng 5 của tòa nhà xuống đất... Từ đó, chị chịu cảnh mẹ góa con côi. Trong khi bản thân không có việc làm, biết lấy gì để sống, hai đứa con còn quá nhỏ...
Trước tình cảnh của chị, cũng thương cảm. Bà con hàng xóm tận tình động viên giúp đỡ chị những lúc ngặt nghèo nhưng để giải quyết căn cơ, về lâu về dài thì rất khó. Nghĩ đến điều đó, Ban công tác Mặt trận khu phố đã đứng ra phân công Chi hội Phụ nữ giúp đỡ hộ chị T.
Khi nghe nhắc lại chuyện này, mọi người hướng mắt về chị H, lúc này chị mới kể lại. Lúc đầu trong ban chấp hành chi hội có người cũng bàn ra tán vào kêu khó. Vì lúc đó trong khu phố cũng chưa có ai khá giả. Nguồn để giúp gia đình chị T chủ yếu là vận động nhưng vận động ai bây giờ!? Sau nhiều ngày suy nghĩ, cuối cùng chị H quyết định họp ban chấp hành để chị em cùng bàn bạc và thống nhất quyên góp trong toàn chi hội.
Được một thời gian, thấy quyên góp cũng không được bao nhiêu, chị lại đề nghị thành lập các tổ tiết kiệm vay vốn. Và phong trào “Nuôi heo đất”, “Hũ gạo tình thương” của khu phố ra đời, được duy trì, phát triển từ đó. Ngày “trút hũ” đầu tiên tuy không đạt đến con số hàng triệu nhưng đã giúp mẹ con chị T rau cháo qua ngày. Thấy cách làm này không mấy hiệu quả, chi hội lại tiếp tục tìm ra các phương án mới. Đó là tạo công ăn việc làm cho chị T. Nhưng làm gì để phù hợp với hoàn cảnh của chị T là rất nan giải. Đúng lúc đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho chị em phụ nữ vay vốn sản xuất kinh doanh. Mừng quá, chi hội đã đứng ra làm thủ tục giúp chị T vay, mua một chiếc xe đẩy làm phương tiện bán hàng rong. Từ đó, tuy thu nhập không nhiều nhưng đã giúp chị có đồng ra đồng vào, đủ xoay xở trong cuộc sống.
“Nợ mòn con lớn”, thật mừng là hai đứa con của chị T không phụ công lao của mẹ, học hành chăm chỉ, năm nào cũng đạt học sinh giỏi của trường. Nhất là đứa lớn đã đậu thủ khoa của một trường đại học. Chỉ sau mấy tháng học tập tại trường, cháu lại tiếp tục khẳng định mình khi giành được một suất học bổng do Úc tài trợ.
Chị H cười, khẳng định thêm: “Việc đó khó thật nhưng nhờ có sự quyết tâm thực hiện của cả chi hội nên chúng tôi đã làm được. Tôi vui lắm, nhất là hôm nay, khi chứng kiến gia đình chị T có được ngày vui như thế này!”. Nghe chị nói, tôi thầm nghĩ, nếu như cán bộ mà ai cũng có những nghĩ suy như chị thì người dân, nhất là những người nghèo được nhờ nhiều lắm!
NHÂN VĂN