Tháng Hành động An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) với chủ đề “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp” đang được các ban ngành, doanh nghiệp hưởng ứng nhiệt tình. Điều này góp phần nâng cao nhận thức cũng như chăm lo sức khỏe, đảm bảo an toàn, tính mạng của mỗi người dân, người lao động…
Người lao động thực hành sơ cứu tai nạn lao động tại Hội thi ATVSLĐ - Ảnh: KIM CHI |
Đảm bảo an toàn, hạn chế tai nạn lao động
Tại 3 khu công nghiệp (KCN) trong tỉnh hiện có 65 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực khác nhau; trong đó, các lĩnh vực chế biến gỗ, thủy sản có số người lao động chiếm tỉ lệ cao. Đây cũng là các ngành nghề có nguy cơ cao về ATVSLĐ, có khả năng phát sinh các yếu tố gây tai nạn trực tiếp hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động và cộng đồng xã hội. Để đảm bảo ATVSLĐ, theo Sở LĐ-TB-XH, thời gian qua, hệ thống văn bản pháp luật về ATVSLĐ ngày càng hoàn thiện, các hoạt động thông tin, truyền thông, việc áp dụng các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc bằng các công nghệ mới, hệ thống quản lý tiên tiến, cũng như việc chấp hành nghiêm túc các quy định về ATVSLĐ của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người lao động ngày càng được quan tâm thực hiện. Qua đó đã và đang góp phần kiềm chế tai nạn bệnh tật liên quan đến lao động cũng như nhận thức của các cấp, ngành, người sử dụng lao động và người lao động về công tác ATVSLĐ và phòng chống cháy nổ đã có chuyển biến tích cực.
Ông Bùi Mạnh Trường, Giám đốc Công ty TNHH Harry & tại KCN Hòa Hiệp (huyện Đông Hòa), cho biết: “Từ khi thành lập và đi vào hoạt động, công ty luôn chú trọng đến công tác đảm bảo ATVSLĐ và hạn chế bệnh nghề nghiệp. Trong tháng hành động này, công ty đã cải tạo lại khuôn viên làm việc cho thoáng mát, đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; quyết liệt thực hiện quy chế về an toàn lao động tại các phân xưởng; trang bị đầy đủ đồ dùng bảo hộ lao động cho người lao động”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế người lao động vẫn đối mặt với rất nhiều thách thức và nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ ý thức, kỷ luật lao động kém; kiến thức hạn chế về các yếu tố, nguy cơ mất an toàn từ công nghệ, thiết bị, hóa chất, nguyên vật liệu mới, chất lượng các thiết bị an toàn, phương tiện bảo vệ cá nhân chưa đáp ứng yêu cầu...
Để chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc nhằm hạn chế tối đa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xảy ra, theo ông Nguyễn Phất, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng ATVSLĐ tỉnh, giải pháp chủ đạo vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc chấp hành Luật An toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp; khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh triển khai các chương trình cụ thể bằng những hoạt động như tổ chức các hội thi, hội thảo, tọa đàm, nâng cao nhận thức, kỹ năng ATVSLĐ.
Tập trung tuyên truyền công tác ATVSLĐ
Tháng Hành động ATVSLĐ năm nay với chủ đề “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”. Rõ ràng, điểm nhấn vẫn là công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng về các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm có hại tại nơi làm việc, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và ý thức trách nhiệm các cấp, các doanh nghiệp, người lao động trong công tác cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo sức khỏe, đảm bảo tính mạng người lao động. Đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh triển khai chương trình hành động cụ thể phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc, góp phần hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên, nói: Một trong những biện pháp cần thiết được ngành chức năng đặt ra hiện nay là sẽ tăng cường tuyên truyền về công tác ATVSLĐ đến doanh nghiệp, người lao động; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động… nhằm phục vụ tốt mục tiêu bảo đảm an toàn, sức khỏe cho người lao động tại các doanh nghiệp.
Theo đồng chí Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng ATVSLĐ, hạn chế thấp nhất tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để người sử dụng lao động, người lao động thấy được quyền, nghĩa vụ của mình được pháp luật quy định. Đầu tư xây dựng các giải pháp, mô hình điển hình đảm bảo an toàn, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cải thiện điều kiện lao động. Thực hiện đầy đủ chế độ trang bị bảo hộ lao động; tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động; rà soát các máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; người lao động nâng cao ý thức chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các nội quy, quy trình, biện pháp ATVSLĐ.
Năm 2017, cả nước xảy ra gần 9.000 vụ tai nạn lao động, làm hơn 9.170 người bị nạn, trong đó có 928 người chết, 1.915 người bị thương nặng, gây thiệt hại hơn 1.545 tỉ đồng và làm mất hơn 135.900 ngày công lao động. Tại Phú Yên, theo số liệu thống kê, năm 2017 trên địa bàn tỉnh xảy ra 83 vụ tai nạn lao động làm 40 người chết. Nguyên nhân là do thiếu hiểu biết về kiến thức, kỹ năng an toàn lao động; thiệt hại hàng trăm triệu đồng, để lại hậu quả nặng nề, lâu dài cho người lao động, gia đình và xã hội, ảnh hưởng rất lớn đến những nỗ lực phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư.
KIM CHI