Thứ Bảy, 26/10/2024 09:38 SA
Chương trình mỗi xã một sản phẩm:
Kỳ vọng góp phần phát triển kinh tế nông thôn
Thứ Hai, 14/05/2018 08:21 SA

Làng nghề đan chiếu cói truyền thống ở xã An Cư (huyện Tuy An) được người dân giữ gìn và phát triển, là sản phẩm đặc trưng của xã - Ảnh: VÂN NGUYÊN

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia vừa ký Quyết định 490, phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020 và thực hiện trên phạm vi cả nước. Vậy mục tiêu tổng quát của chương trình này như thế nào, việc triển khai chương trình tại Phú Yên ra sao?

 

Cần khoảng 45.000 tỉ đồng

 

Theo Quyết định 490, OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

 

Các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ này có nguồn gốc từ địa phương, hoặc được thuần hóa, đặc biệt là đặc sản vùng, miền, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương. Sản phẩm OCOP được đánh giá theo 5 hạng, trong đó hạng 5 sao là cao nhất, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Các nhóm hàng hóa, dịch vụ gồm: thực phẩm (nông sản tươi sống và nông sản chế biến), đồ uống (đồ uống có cồn, đồ uống không cồn), thảo dược (các sản phẩm có thành phần từ cây dược liệu), vải và may mặc (các sản phẩm làm từ bông, sợi), lưu niệm - nội thất - trang trí (các sản phẩm từ gỗ, sợi, mây tre, kim loại, gốm sứ, dệt may... làm đồ lưu niệm, đồ gia dụng) và dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng (dịch vụ phục vụ tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, học tập, nghiên cứu...).

 

Mục tiêu tổng quát của chương trình là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, trong đó ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.

 

“Từ nay đến năm 2020, chương trình sẽ thực hiện tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có, tương ứng khoảng 2.400 sản phẩm; củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp; triển khai thực hiện từ 8-10 mô hình làng văn hóa du lịch; củng cố, kiện toàn 100% doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP; phấn đấu phát triển mới khoảng 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP” - Quyết định 490 nêu rõ.

 

Chính phủ đưa ra tính toán về nguồn vốn và cơ cấu vốn huy động để thực hiện chương trình với tổng kinh phí dự kiến khoảng 45.000 tỉ đồng. Trong đó, chủ yếu là nguồn xã hội hóa từ vốn của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tự huy động, vốn vay từ các tổ chức tín dụng, các quỹ đầu tư, quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, tài trợ của các tổ chức quốc tế…

 

Nguồn vốn ngân sách sẽ hỗ trợ một phần bao gồm: ngân sách hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, vốn sự nghiệp KH-CN, nguồn khuyến công, khuyến nông, các nguồn vốn lồng ghép khác của Trung ương và địa phương.

 

Phú Yên triển khai như thế nào?

 

Tại Phú Yên, Chương trình OCOP được các sở, ngành và địa phương triển khai một cách đồng bộ. Để khôi phục và phát triển làng nghề, từ năm 2005, tỉnh đã triển khai đề án Mỗi làng một nghề. Đến nay, tỉnh đã công nhận 17 làng nghề, thu hút hơn 5.000 lao động nông thôn tham gia, doanh thu làng nghề mang lại gần 121 tỉ đồng. Sở NN-PTNT tổ chức tập huấn triển khai điều tra, khảo sát số liệu, xây dựng đề án Chương trình OCOP giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2030. Các đại biểu tham gia tập huấn là cán bộ các sở, ngành, địa phương trong tỉnh được giới thiệu kinh nghiệm tổ chức phong trào mỗi xã một sản phẩm ở Nhật Bản, Thái Lan và một số địa phương trong nước; hướng dẫn về chu trình thực hiện đề án Mỗi xã một sản phẩm từ việc đăng ký sản phẩm; xác định và phát triển sản phẩm, dịch vụ OCOP; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm OCOP; xúc tiến thương mại sản phẩm...

 

Ông Đặng Ngọc Anh, Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa cho biết, dựa vào điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, xã không chỉ có một sản phẩm đặc trưng, mà xây dựng đến hai sản phẩm. Đó là sản phẩm hạt sen và đậu phộng. Hai sản phẩm này được tiêu thụ không chỉ trong tỉnh, mà còn có mặt ở nhiều tỉnh khác, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

 

Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Chương trình OCOP hướng tới mục tiêu hỗ trợ nông dân biết làm ăn. Tất cả sản phẩm, dịch vụ được hỗ trợ phải có tiềm năng, lợi thế của địa phương; được địa phương đăng ký, xác nhận.

 

Theo Sở NN-PTNT, Phú Yên hiện có hơn 100 sản phẩm là thế mạnh của địa phương, trong đó có 34 sản phẩm đã đăng ký công bố chất lượng, 9 sản phẩm đã đăng ký sở hữu trí tuệ. “Để Chương trình OCOP triển khai đồng bộ tại các xã trong thời gian tới, Sở NN-PTNT đang phối hợp với các đơn vị liên quan, địa phương nghiên cứu đưa ra các giải pháp và trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt và triển khai rộng rãi trong toàn tỉnh”, ông Nguyễn Lý Nguyên nói.

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thống nhất các giải pháp thực hiện Chương trình OCOP là thường xuyên, liên tục truyền thông nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền từ Trung ương tới xã, thôn; xây dựng hệ thống quản lý thực hiện chương trình. Các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia thực hiện chương trình này được áp dụng thực hiện các chính sách về phát triển ngành nghề, phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tùy điều kiện thực tế, các địa phương ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ lãi suất tín dụng; hỗ trợ ứng dụng KH-CN; hỗ trợ đào tạo nhân lực cho đội ngũ giám đốc, nhân viên kinh doanh, kế toán trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ hộ sản xuất có phương án kinh doanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 

VÂN NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek