Thực hiện các nghị định, quyết định, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh và MTTQ về thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận huyện Đông Hòa đã đồng bộ triển khai, đạt những kết quả nhất định. Tuy nhiên qua công tác giám sát lần này, một số cơ sở chế biến thức ăn, nước uống trên địa bàn huyện còn bộc lộ những tồn tại. Qua đó, huyện đã có một số kiến nghị để trong thời gian tới, việc thực hiện các quy định pháp luật về ATTP được tốt hơn, nhất là nâng cao ý thức cho người dân trong vấn đề này.
Thực hiện đồng bộ
Công tác ATTP mang ý nghĩa sống còn trong đời sống con người. Vì vậy, nhiều năm nay Huyện ủy, UBND, MTTQ huyện Đông Hòa đã ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật ATTP đến tận cơ sở. Song song đó làcủng cố, kiện toàn ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tuyến huyện và xã, thị trấn do Chủ tịch UBND các cấp làm trưởng ban.
Mặt khác, để nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về vấn đề này, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục gắn với công tác kiểm tra giám sát. Công tác tuyên truyền được thực hiện khá thường xuyên, đa dạng về hình thức qua các vệt đợt về “Tháng hành động vệ sinh ATTP”, các ngày lễ, Tết trong năm.
Qua các đợt tuyên truyền, toàn huyện phát 8.000 tờ rơi về cách phòng tránh ngộ độc do rượu, treo hàng chục băng rôn, khẩu hiệu, tranh áp phích, tờ gấp về ATTP. Đài Truyền thanh huyện đã phát được gần 60 tin, bài. Ngoài ra, các cơ quan còn tổ chức 164 buổi tuyên truyền miệng tới các chủ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện đã chủ động phối hợp với Sở Công thương tổ chức đào tạo kiến thức ATTP cho các hộ kinh doanh, sản xuất thực phẩm trên địa bàn huyện. Các hộ này được trang bị kiến thức cơ bản về vệ sinh ATTP, cách nhận biết, phân biệt hàng thật, hàng giả và cách bảo quản thực phẩm.
Việc kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất, xử phạt được các ngành tiến hành rốt ráo. Từ năm 2017 đến nay, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiến hành rà soát thống kê, lập danh sách các cơ sở sản xuất rượu thủ công trên địa bàn huyện. Đến nay, toàn huyện có 115 hộ gia đình sản xuất rượu thủ công để kinh doanh. Đồng thời, phòng cũng phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra và nhắc nhở các hộ gia đình phải đảm bảo các điều kiện về ATTP trong quá trình sản xuất và kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Trung tâm Y tế huyện tiến hành kiểm tra vào 3 đợt: Tết Nguyên đán, Tháng hành động ATTP, Tết Trung thu tại 164 cơ sở kinh doanh tiêu dùng, sản xuất chế biến, dịch vụ ăn uống. Nhìn chung các cơ sở đều thực hiện tốt công tác này. Như qua kiểm tra 33 cơ sởkinh doanh dịch vụ ăn uống, có 29 cơ sở đạt, chiếm gần 88%; hay như kiểm tra 15 bếp ăn tập thể thì có 12 bếp đạt tiêu chuẩn, chiếm 80%.
Công tác xử lý vi phạm được Đội Quản lý thị trường số 3 kiểm tra, xử lý 9 vụ vi phạm về lĩnh vực ATTP, phạt tiền 9,15 triệu đồng. Trong đó có 2 vụ vi phạm không có giấy xác nhận kiến thức ATTP, 2 vụ kinh doanh không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, 4 vụ sử dụng giấy xác nhận đủ sức khỏe đã quá thời hạn, 1 vụ không có giấy khám sức khỏe định kỳ.
“Nhìn chung từ công tác chỉ đạo, tuyên truyền cho đến kiểm tra, giám sát đều được các cấp ủy cơ sở, ban ngành, Mặt trận, đoàn thể thực hiện đồng bộ đã đem lại những hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội. Đa số các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện trong thời gian qua chấp hành tương đối tốt các quy định về ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Nhờ vậy, từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn huyện chưa xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm”, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng Ban chỉ đạo ATTP huyện Đông Hòa Lê Tấn Sang cho biết.
Nhiều kiến nghị
Báo cáo với đoàn giám sát của tỉnh về những mặt làm được, cũng như những khó khăn ảnh hưởng đến quá trình thực hiện, lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, Ban chỉ đạo ATTP huyện Đông Hòa có nhiều kiến nghị lên các cấp ủy, chính quyền, MTTQ tỉnh. Như hàng năm các cấp cần có kế hoạch hỗ trợ kinh phí đầy đủ, kịp thời cho hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, giám sát công tác ATTP trên địa bàn huyện. Đồng thời bổ sung thêm biên chế làm công tác ATTP cho các cơ quan quản lý nhà nước vì cán bộ làm công tác này hiện nay đều kiêm nhiệm.
Hàng năm, các cấp cần tổ chức các lớp bồi dưỡng về kỹ năng, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ này. Cụ thể như ở thị trấn Hòa Vinh không có cán bộ chuyên trách, mà chỉ có 1 công chức kiêm nhiệm. Trong khi đó, địa bàn rộng, các cơ sở kinh doanh chế biến, tiêu thụ thực phẩm thường nhỏ lẻ, dễ thay đổi địa điểm nên càng khó kiểm soát.
Trong đợt giám sát này, đoàn giám sát Ủy ban MTTQ tỉnh đã tiến hành đi thực địa, khảo sát tại 4 cơ sở kinh doanh về dịch vụ ăn uống, trồng măng tây, làm bánh phở, sản xuất nước đóng chai trên địa bàn huyện.
Theo nhận xét của một số thành viên trong đoàn, nhìn chung các cơ sở này đều thực hiện tốt các quy định về công tác ATTP. Tuy nhiên, do điều kiện về mặt bằng còn hạn chế, các khâu chế biến thực phẩm như phơi, sấy sản phẩm, hay như dụng cụ đựng thức ăn, việc sử dụng đồ dùng bảo hộ lao động của công nhân trong khi làm việc chưa bảo đảm.
Trong thời gian tới, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh hơn nữa để nâng cao ý thức sản xuất, tiêu dùng thực phẩm sạch trong cộng đồng các khu dân cư. Ông Nguyễn Ngọc Hoài, chủ cơ sở Bánh phở Hoài Phượng ở thị trấn Hòa Vinh, cho biết: “Bắt đầu làm nghề này từ năm 1993, đến năm 2012, tôi đầu tư công nghệ tự động hoàn toàn. Sản phẩm sản xuất theo công nghệ này được bảo đảm hơn về vấn đề vệ sinh ATTP. Vì các khâu như chế biến, phơi bánh đều được thực hiện phơi sấy trong hệ thống máy, được che chắn cẩn thận, tránh được các loại côn trùng xâm nhập vào sản phẩm. Nhưng để đáp ứng tốt hơn khâu vệ sinh ATTP, trong thời gian tới, các ngành chức năng cần tổ chức nhiều hơn các lớp bồi dưỡng về công tác này để công nhân của cơ sở được tham gia đầy đủ hơn”.
Là địa phương đầu tiên được giám sát về công tác ATTP năm 2018, huyện Đông Hòa thực hiện tương đối tốt công tác này. Từ cấp ủy, chính quyền, Mặt trận đến các ban ngành, cơ quan chức năng đã tiến hành đồng bộ các quy định pháp luật về ATTP. Tuy nhiên qua khảo sát tại một số cơ sở sản xuất, chế biến, tiêu dùng thực phẩm về rau sạch, nước uống, thức ăn vẫn còn một số tồn tại nhất định. Như các cơ sở này mặt bằng khá chật hẹp, dụng cụ đựng thức ăn chưa phù hợp, thiếu khoa học... Chúng tôi đã đề nghị ban chỉ đạo về ATTP của địa phương ngoài việc siết chặt công tác kiểm tra, giám sát, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cơ sở để người dân hiểu, thực hiện tốt hơn.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó Trưởng đoàn giám sát ATTP Nguyễn Hồng Thái |
HÀ ANH - HỒNG THỦY