Chủ Nhật, 27/10/2024 09:33 SA
Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình
Thứ Năm, 26/04/2018 14:00 CH

Quang cảnh Hội nghị tổng kết phong trào TDĐKXDĐSVH năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 - Ảnh: THIÊN LÝ

Những năm qua, công tác xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình luôn được Sở VH-TT-DL phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thực hiện, đặc biệt được các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng mạnh mẽ. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) đã đi vào đời sống xã hội, tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện nếp sống văn hóa gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong công cuộc đổi mới.

 

Nâng cao chất lượng đời sống

 

Xây dựng gia đình văn hóa là nội dung quan trọng, cốt lõi trong phong trào TDĐKXDĐSVH, luôn được các cấp chính quyền quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Năm 2017, hầu hết các thôn, buôn, khu phố trong tỉnh đã tổ chức cho nhân dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, đưa gương người tốt, việc tốt vào tiêu chí bình xét khen thưởng cho mỗi gia đình... Kết quả, gia đình văn hóa đạt 92,5%.

 

Các phong trào xây dựng “Thôn, buôn, khu phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn văn minh đô thị”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”, “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, “Học tập, lao động sáng tạo”, “Người tốt, việc tốt” đã tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần cải thiện đời sống dân sinh, nâng cao dân trí; bộ mặt nông thôn, thành thị khởi sắc.

 


 Công tác tuyên truyền, vận động được chú trọng với hình thức đa dạng, phong phú. Đặc biệt, các hoạt động tuyên truyền, vận động đã được lực lượng tham gia thực hiện trực tiếp tại các cơ sở như: cấp ủy, trưởng thôn, tổ dân phố, chi hội của các đoàn thể... triển khai đến các thôn, buôn, cụm dân cư và từng gia đình trên địa bàn toàn tỉnh nhằm làm cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của phong trào, từ đó tự giác tham gia thực hiện phong trào.

Trước đây, ở thôn Suối Cối 2 (xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân), công tác tuyên truyền về xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình gặp khá nhiều khó khăn. Toàn thôn có 335 hộ dân, trong đó người Chăm H’roi chiếm hơn 70%, người Ba Na chiếm 20%... Song, với sự tận tâm của cán bộ cơ sở, hầu hết người dân trong thôn đều biết đến các chỉ tiêu đạt gia đình văn hóa cũng như kiến thức cơ bản để xây dựng thôn văn hóa, đoàn kết khu dân cư.

 

Ông La O Kín, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Suối Cối 2, chia sẻ: “Chi hội Nông dân thôn Suối Cối 2 đã phối hợp với thôn vận động người dân thu gom rác thải, vận động con em tới trường, giữ gìn vệ sinh công cộng, loại bỏ các hủ tục lạc hậu gắn với các chính sách phát triển kinh tế, xã hội, hỗ trợ người dân vay vốn, trợ cấp cho các gia đình chính sách. Chi hội cũng đã vận động người dân làm chuồng trại nuôi nhốt gia súc, gia cầm nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Ngoài ra, chi hội còn tận tình chia sẻ những kinh nghiệm về trồng trọt, chăn nuôi… cho người dân. Với những việc làm thiết thực đó, người dân đã phần nào hiểu được tầm quan trọng của sự đoàn kết ở khu dân cư, nếp sống văn hóa. Vì vậy, họ dần thay đổi cách sống, có ý thức xây dựng nhà vệ sinh, bảo vệ môi trường sống. Kết quả năm qua, thôn Suối Cối 2 có 65% gia đình đạt gia đình văn hóa”.

 

Năm 2017, xã Xuân Cảnh (TX Sông Cầu) đạt xã văn hóa với 4 thôn đều đạt chuẩn và hơn 90% gia đình đạt gia đình văn hóa. Để đạt được kết quả đó, UBND xã Xuân Cảnh luôn quan tâm đến việc xây dựng nếp sống gia đình văn hóa. Cấp ủy chi bộ thôn, trưởng, phó thôn tuyên truyền các chính sách, tiêu chí đạt gia đình văn hóa.

 

Trong tổ dân cư cũng thành lập các CLB sinh hoạt định kỳ nhằm hướng dẫn thành viên thực hiện theo đúng các chỉ tiêu, định hướng của cấp trên, vận động xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, trao đổi cách thức nuôi dạy con cái…; đồng thời lồng ghép những nội dung này vào các cuộc họp thôn để tuyên truyền sâu rộng hơn.

 

Chị Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Cảnh chia sẻ: “Tôi nghĩ thời gian tới, các cấp chính quyền, đoàn thể nên tập trung tuyên truyền và triển khai thực hiện công tác xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình đồng bộ, sâu rộng hơn; mỗi thôn, xóm sẽ xây dựng chỉ tiêu thi đua cụ thể để người dân cùng phấn đấu thực hiện”.

 

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền

 

Ngoài việc gắn công tác gia đình với phong trào TDĐKXDĐSVH năm 2018, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, nhất là vấn đề nhạc sống trên địa bàn cũng được đẩy mạnh. Nhiều giải pháp quản lý nhạc sống được chính quyền các địa phương đưa ra, trong đó bước đầu tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác của người dân. Dù vậy, tình trạng hát nhạc sống vẫn diễn ra bát nháo, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

 

“UBND xã Hòa Quang Nam đã phải triển khai những biện pháp mạnh hơn, đó là quy định rõ những ngày người dân được tổ chức hát nhạc sống, tập trung vào ngày lễ, Tết hoặc ngày hội khu dân cư. Ngoài thời gian quy định, các cá nhân muốn tổ chức hát nhạc sống phải thông qua ý kiến Ban nhân dân thôn và được tạo điều kiện tổ chức ở nhà văn hóa thôn. Nếu các cá nhân không chấp hành quy định, tổ chức hát nhạc sống gây ảnh hưởng đến khu dân cư sẽ bị chính quyền địa phương, lực lượng công an xã, thôn, đội kiểm tra liên ngành 814 nhắc nhở và xử lý”, ông Lê Chấn Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa) nói.

 

Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên cho biết: “Trong năm 2018, sở phối hợp với Hội Nông dân tổ chức 3 khóa tập huấn để tuyên truyền công tác xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, ban hành nhiều văn bản mới về việc đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh.

 

Tháng cao điểm về phòng chống bạo lực gia đình, chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam, sở có kế hoạch tổ chức hội thi Gia đình văn hóa nhằm tuyên truyền, vận động tìm hiểu các chỉ tiêu về xây dựng gia đình văn hóa và phòng chống bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, sở cũng sẽ triển khai thực hiện các chỉ đạo của Bộ VH-TT-DL và thông tin nhanh nhạy các chỉ đạo của cấp trên đến với mọi tầng lớp nhân dân về công tác xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình”.

 

Ông Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Tăng cường hơn nữa sự chỉ đạo của các cấp chính quyền

Trong thời gian tới, Ban chỉ đạo cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và nâng cao trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, Ban chỉ đạo các cấp để tham mưu, chỉ đạo thực hiện phong trào từ tỉnh đến cơ sở; đẩy mạnh công tác vận động toàn dân tham gia, phát huy sức mạnh của tập thể; gắn phong trào TDĐKXDĐSVH với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...

 

Bên cạnh đó, phải đổi mới phương thức hoạt động theo hướng: thiết thực, hiệu quả, sâu sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm... nhằm nâng cao tính hiệu lực và hiệu quả trong thực hiện phong trào, góp phần tạo nên một xã hội lành mạnh và phát triển.

 

Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên: Gắn công tác gia đình với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

 

Công tác xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, đặc biệt là phong trào TDĐKXDĐSVH là một nội dung lớn luôn được các cấp quan tâm. Sở VH-TT-DL - cơ quan thường trực của phong trào đã đưa ra nhiều giải pháp, tổ chức các hội thảo, hội nghị để nâng cao chất lượng, tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền.

 

Để công tác này đạt hiệu quả, hàng năm, Sở VH-TT-DL tổ chức tập huấn và tuyên truyền cho cộng đồng dân cư về xây dựng nếp sống văn hóa gia đình như giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp, xóa bỏ các tệ nạn xã hội và hủ tục lạc hậu, vấn đề bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, giáo dục đạo đức, lối sống gia đình; đồng thời tham mưu UBND tỉnh thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.

 

Hiện nay, toàn tỉnh có 274 CLB gia đình phát triển bền vững và 35 nhóm phòng chống bạo lực. Hoạt động tuyên truyền tại cộng đồng dân cư đạt hiệu quả. 9 huyện, thị xã, thành phố thực hiện đồng đều, thường xuyên công tác này. Tuy An và Phú Hòa là hai huyện đi đầu, gắn kết giữa xây dựng nếp sống và công tác gia đình tương đối chặt chẽ, với trên 80% gia đình đạt gia đình văn hóa. Cán bộ Hội LHPN, Hội Nông dân ở cơ sở và các CLB, nhóm… đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống bạo lực gia đình, góp phần nâng cao chất lượng của các danh hiệu văn hóa.

 

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Diêm Điền, xã An Ninh Tây (huyện Tuy An): Phát huy tinh thần xung kích thông qua CLB Phòng chống tội phạm

 

Tại thôn Diêm Điền, CLB Phòng chống tội phạm là lực lượng làm công tác xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình. CLB được thành lập vào năm 2003, hiện có 24 thành viên là nông dân sinh hoạt đều đặn. Bên cạnh hoạt động chính là phòng chống tội phạm, CLB còn tích cực tham gia phong trào xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, giáo dục toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, chủ động tuyên truyền, vận động người dân phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng nếp sống gia đình văn hóa, vận động con em các hộ khó khăn vượt khó tới trường.

 

CLB cũng đã chủ động tuyên truyền, vận động người dân liên thôn, liên xã làm vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, phát quang đường làng. Trong thời gian tới, thôn sẽ chủ động thông báo đến người dân các chính sách của cơ quan cấp trên về nếp sống văn hóa cũng như về kinh tế, xã hội để người dân kịp thời nắm bắt và thực hiện, sao cho hầu hết các hộ trong thôn đều đạt các tiêu chí gia đình văn hóa.

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek