Trong ngày khai trương cửa hàng tạp hóa, vợ chồng anh Th không giấu được niềm vui. Bưng ly bia trên tay đi từ bàn này sang bàn khác, anh Th luôn miệng cảm ơn sự có mặt đông đủ của mọi người. Khi dừng chân ở bàn có anh B làtổ trưởng tổ tự quản an ninh trật tự, anh nói với mọi người: Nhờ tổ tự quản của thôn đã đứng ra bảo vệ, dàn xếp ổn thỏa, hôm nay, gia đình tôi mới mạnh dạn khai trương quán một cách vui vẻ.
Tuy không phải người cùng xóm nhưng là chỗ quen biết với gia đình anh lâu năm, tôi cũng được mời trong buổi tiệc hôm đó. Điều anh Th vừa nói, nhiều người nghe xong vỗ tay tán thưởng râm ran. Tôi không hiểu liền “théc méc” với ông K là trưởng ban công tác Mặt trận thôn: Có chuyện gì mà quan trọng với anh Th vậy chú? Ông K đặt ly bia xuống bàn rồi nói với tôi: Sao lại không quan trọng được cháu, chuyện liên quan đến cơm áo gạo tiền của cả gia đình. Nếu không có tổ tự quản dàn xếp chắc gia đình anh Th còn lâu mới mở được cửa hàng này.
Thôn tôi ở tuy gần quốc lộ nhưng hơi xa chợ, nằm ở ngã ba đường, khá thuận tiện cho việc buôn bán. Đãtừ lâu nay, gia đình anh Th tínhmở cửa hàng tạp hóa trước nhà để bán một số mặt hàngphục vụ cho các hộ dân ở đây nhưng “cái khó bó cái khôn”, chưa có vốn nên gia đình anh chưa thực hiện được. Cạnh nhà anh Th có hai lô đất trống của hai gia đình khác xóm quanh năm chăm lo ruộng vườn không xem trọng chuyện buôn bán lắm. Vì thế, không hiểu các chủ đất này có được thỏa thuận hay không nhưng vào một ngày nọ, người dân thấy ở đây xuất hiện sạp bán trái cây trên phần đất trống. Rồi cũng không hiểu sao, sau một thời gian ngắn, lại xuất hiện thêm một anh bơm, vá xe máy, xe đạp, vợ kiêm luôn bán cà phê vỉa hè cũng đến đây ung dung mở bán. Người dân thôn quê cũng ít quan tâm đến việc họ có lấn chiếm vỉa hè hay không, chỉ biết xa chợ có người mang đến phục vụ gần nhà là được, đỡ tốn công đi lại. Từ ngày xuất hiện các quán này, tại ngã ba xóm luôn rộn ràng náo nhiệt hẳn lên. Mâu thuẫn cũng bắt đầu xuất hiện từ đây.
Do “độc quyền” bơm vá xe ở đây, nên tiệm của anh này lúc nào cũng đông khách. Trong khi chờ sửa xe, nhiều người tranh thủ uống cà phê, hút thuốc giết thời gian nên chỗ này càng trở nên chật chội, ồn ào. Điều đáng nói là ý thức giữ gìn vệ sinh của chủ và khách đều rất kém. Sau khi hút thuốc, khách xả tàn thuốc lung tung, cộng thêm các loại lá, giấy gói, thùng xốp từ sạp hàng trái cây cạnh đó bị vứt vô tội vạ. Chỉ một cơn gió nhẹ là những thứ đó bay sang sân nhà anh Th rất mất mỹ quan. Nhiều lần anh Th đã sang “hàng xóm” nhắc nhởhọ có ý thức giữ gìn vệ sinh nhưng chỉ được vài ngày là đâu lại vào đấy. Không chỉ vậy, khi nhà anh Th chuẩn bị khởi công mở móng xây cửa hàng tạp hóa này, hai hộ trên lại tìm nhiều cách gây khó khăn như không cho để vật liệu xây dựng trên phần đất trống, dọn bàn ghế chiếm lối đi. Họ nghiễm nhiên xem khu đất trống giống như thuộc sở hữu của mình. Và đã không ít lần giữa hai bên xảy ra cãi cọ ầm ĩ!
Được nghe một số hộ dân sống gần đó phản ánh, ban công tác Mặt trận thôn đã giao cho tổ tự quản đến tìm hiểu và giải quyết. Một mặt tổ tự quản giải thích và đề nghị các hộ buôn bán ký cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm an ninh trật tự ở các vị trí này. Mặt khác, họ cũng vận động anh Th mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội xây cửa hàng tạp hóa kinh doanh giúp gia đình có thêm thu nhập, đồng thời đề xuất để ban công tác Mặt trận giao cho anh làm tổ trưởng tổ tự quản về môi trường ở xóm này.
Thật là được cả đôi đường, hèn gì anh Th vui như vậy…
NHÂN VĂN