Tuyến ĐT 643, từ ngả tư Hòa Đa, xã An Mỹ (Tuy An) ngược lên xã Sơn Xuân, Sơn Định (Sơn Hòa) dài khoảng 30 cây số luôn có những người mưu sinh bằng nghề thồ hàng bằng xe máy.
Xe đèo hai sọt – hình ảnh quen thuộc trên ĐT 643 – Ảnh: H.NAM
Buổi sáng, dọc theo con đường đèo dốc quanh co ĐT 643, từ xã An Mỹ lên xã Sơn Định có hơn 20 chiếc xe thồ kiên nhẫn vượt đèo. Mỗi chiếc xe đèo hai bên ba-ga hai cái sọt, hàng thồ chủ yếu là chuối, khoai, mít. Những người hành nghề… “hai sọt” này đến từ các huyện Đông Hòa, Phú Hòa, Tuy An và TP Tuy Hòa. Anh Võ Xuân Huy ở xã Hòa Xuân Tây (huyện Đông Hòa), tâm sự: “Một nải chuối chở đi xa hơn 70 cây số bán chỉ lời 500đồng, ráng thồ 100 nải mới lời 50.000 đồng, trong đó chi phí xăng xe chưa tính. Hai vợ chồng tôi tính ra ngày công lao động chỉ có 20.000 đồng/người”. Không chỉ có đàn ông “sức dài vai rộng” thồ hàng, mà phụ nữ “tay yếu chân mềm” như chị Nguyễn Thị Loan, ở xã An Mỹ thồ hàng cũng thuộc dạng... “chiếm”. Chiếc xe Citi màu đỏ quạch của chị không những chở hàng ở sau ba-ga, mà còn chất phía trước bao hàng để khỏi gồng xe.
“Con đường này, xe thồ chiếm lĩnh” - Anh Nguyễn Văn Thuận, một người làm nghề sửa xe hon-da ở xã Sơn Xuân, nói vậy. Ngoài những người thồ hàng “mua đi bán lại”, còn có vài chục người chở hàng từ dưới vùng biển lên bán dạo theo kiểu chợ di động. Các xã thuộc vùng cao nguyên Vân Hòa chưa có chợ nên đa số những người vùng biển Hòa Đa chở chợ di động lên trên vùng núi này bán. Những người làm công việc bán dạo này, kinh doanh theo kiểu hai chiều: chở chợ di động lên bán, trưa chiều mua bắp, khoai đậu...thồ về.
Công việc đi mua chuối, mít, khoai rất vất vả. Để tìm mua nải chuối trái to khỏe thì phải xuống rẫy chuối nằm dưới hố sâu, cong lưng gánh chuối về từ 5-7 cây số mới đến xóm nhà. “ Phải chịu khổ vậy mới có tiền nuôi con ăn học “ - Chị Loan tâm sự.
Gần 7 năm nay, ngày nào chị Lê Thị Diện ở Phường 2, TP Tuy Hòa cũng thồ hàng kiếm sống. Từ xã Sơn Định nằm ở độ cao 700m so với mặt nước biển, chị Diện thồ gần 2 tạ chuối, khoai xổ dốc về xã An Mỹ. Chị thổ lộ: “Sợ nhất là vừa xuống núi gặp trời mưa, đường dốc trơn cố giữ tay lái cỡ nào cũng bị ngã”. Tuyến đường này phải đi qua nhiều đoạn đường đất đèo dốc đứng, như dốc ông Chín Cao, dốc Súc. Trời nắng đất khô cứng như đá nhưng khi mưa xuống là lập tức đường trở nên nhão nhoẹt, trơn như bôi mỡ. Trọng lượng hàng thồ trên xe đè nặng, cộng với dốc đứng trơn trợt, chị Diện dùng hết sức hãm thắng vậy mà bánh xe vẫn bị trờ tới, ngã lộn nhào. Thông thường đường không trơn chị Diện chạy khoảng 2 tiếng đồng hồ, nhưng khi gặp đường trơn phải mất 4 giờ. Mỗi lần thồ hàng nặng, xe bị ngã, đỡ được dậy đối với chị là một cực nhọc vì trọng lượng trên xe nặng gấp 4 lần so với cân nặng của chị. Lộ trình gian nan là vậy nhưng chị Diện vẫn bám nghề vì theo chị: “Mình không có nghề ngỗng gì nên phải chịu khổ, mới có tiền nuôi con ăn học”.
Cũng giống như chị Diện, vợ chồng anh Nguyễn Hoàng Long ở xã Hòa Vinh (Đông Hòa) cũng làm nghề “hai sọt” từ 10 năm qua. Mờ sáng vợ chồng anh có mặt tại ngả tư Hòa Đa lên xã Sơn Định thồ hàng. Tối mịt mới về nhà. Chị Trần Thị Phương, vợ anh Long nói: “Mua đi bán lại đâu có lời bao nhiêu nên không dám ăn quán. Tằn tiện vậy mà chưa nuôi nổi con ăn học, gia đình túng thiếu quanh năm”.
Và cứ thế, hằng ngày trên con đường này, những chiếc xe thồ vất vả làm ăn vẫn tiếp tục lăn bánh.
MẠNH HOÀI