Thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp, việc triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới đã có những bước chuyển biến tích cực.
Tích cực tuyên truyền
Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, Phó Ban vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) tỉnh, cho biết: Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới được xác định là công tác trọng tâm nhằm từng bước nâng cao nhận thức trong các cấp lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hội viên, đoàn viên và nhân dân. Bản thân phụ nữ đã tự phấn đấu để xác định vị trí, vai trò của mình trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước. Tỉ lệ phụ nữ được đào tạo và giải quyết việc làm ngày càng tăng; lực lượng phụ nữ được tiếp cận với kỹ thuật, cũng như các chương trình, dự án ngày càng nhiều góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tỉ lệ phụ nữ dưới 40 tuổi được xóa mù chữ đạt tỉ lệ cao so với kế hoạch đề ra; huy động trẻ em gái đến trường trong các cấp học mầm non, tiểu học đạt tỉ lệ cao; tỉ lệ trẻ em gái bỏ học ở các cấp tiểu học, THCS giảm…
Đã có nhiều cơ quan, ban, ngành trong tỉnh chủ động làm tốt công tác tuyên truyền về bình đẳng giới đạt hiệu quả cao. Điển hình như Hội LHPN tỉnh tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền gắn với các nội dung “Phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực chính trị - xã hội”; Sở GD-ĐT lồng ghép và tuyên truyền một số nội dung của Luật Bình đẳng giới trong đội ngũ giáo viên; Sở LĐ-TB-XH triển khai, lồng ghép giới trong lĩnh vực dạy nghề, lao động việc làm; Sở Y tế hàng năm đều tổ chức chiến dịch truyền thông dân số, nhằm giúp chị em phụ nữ nhận thức tốt về chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình, cải thiện tình trạng sức khỏe, duy trì mức sinh thấp, tuyên truyền về cân bằng giới tính khi sinh. Hay như Sở Tư pháp tổ chức nhiều buổi trợ giúp pháp lý lưu động, nhằm giúp người nghèo, gia đình chính sách, chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn có thêm kiến thức pháp luật để bảo vệ lợi ích chính đáng; LĐLĐ tỉnh tổ chức nhiều hội thi như “Cán bộ nữ công nhân giỏi”, “Tìm hiểu kiến thức pháp luật lao động nữ”...
Bà Nguyễn Thị Ngọc Ái, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, chia sẻ: Hơn 10 năm qua, ngành GD-ĐT Phú Yên đã tích cực triển khai các văn bản chỉ đạo của các cấp, của Ban VSTBPN, Bộ GD-ĐT, của UBND tỉnh và đạt được nhiều tiến bộ đáng ghi nhận về bình đẳng giới, góp phần thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giữa nam và nữ về cơ hội tiếp cận, tham gia, hưởng lợi trong lĩnh vực GD-ĐT, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại khác biệt lớn trong vai trò lãnh đạo, chỉ có một số ít viên chức nữ tham gia lãnh đạo, quản lý là cấp trưởng, còn hầu hết là cấp phó (tỉ lệ cấp trưởng là nữ ở các trường phổ thông chỉ 11,9%, cấp phó 29,1%).
Tăng cường vai trò phụ nữ
Nhìn chung, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới, VSTBPN đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác bình đẳng giới. Thông qua việc thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế và chính sách đảm bảo an sinh xã hội, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nhất là đối với lao động nữ được các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm..., đội ngũ cán bộ nữ đã từng bước phát huy vai trò, không ngừng nỗ lực phấn đấu, rèn luyện trau dồi kiến thức, kỹ năng, tự khẳng định mình trên các lĩnh vực hoạt động, công tác, lao động, sản xuất, xây dựng cuộc sống gia đình.
Bà Võ Thị Sáu, Trưởng Phòng LĐ-TB-XH huyện Đông Hòa, cho biết: Qua 10 năm triển khai công tác bình đẳng giới, huyện đã phát huy tốt việc khai thác các nguồn vốn để hỗ trợ vốn vay cho đối tượng phụ nữ gặp khó khăn, thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, thông qua các nguồn vốn từ các ngân hàng. Phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ” được các cấp Hội tiếp tục duy trì và phát triển, có nhiều mô hình giúp phụ nữ giảm nghèo mang lại hiệu quả thiết thực, đã huy động trên 13 tỉ đồng, giúp 7.092 lượt chị có hoàn cảnh khó khăn để phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, tổng số lượng nữ tham gia công tác trong các ngành của huyện, xã/thị trấn là 1.462/2.723 người, trong đó tỉ lệ nữ đông nhất là ngành Giáo dục và ngành Y tế.
Nói về định hướng cũng như các nhiệm vụ trọng tâm về công tác bình đẳng giới trong thời gian tới, bà Phạm Thị Minh Hiền cho biết thêm: “Thời gian tới, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm từng bước bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội tham gia và thụ hưởng bình đẳng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, GD-ĐT, KH-CN, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, từng bước xóa bỏ bạo lực gia đình. Tập trung khắc phục những hạn chế để tiếp tục phát huy những mặt mạnh, tăng cường vai trò của phụ nữ trên các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội; phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, huy động các nguồn lực để hỗ trợ nạn nhân của bạo lực, phụ nữ và trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn.... Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đấu tranh, ngăn chặn các vụ bạo lực gia đình, tổ chức điều tra xử lý nghiêm đối với các vụ việc liên quan đến buôn bán phụ nữ và trẻ em gái, các vụ bạo lực, bạo hành, quấy rối tình dục, hiếm dâm phụ nữ, trẻ em gái...”.
KIM CHI