Trong xã hội hiện đại, đã có nhiều truyền thống bị mai một, nhưng có một giá trị truyền thống vẫn được người Việt lưu giữ cho tới bây giờ đó là tục gói và dâng cúng bánh chưng vào dịp Tết Nguyên đán. Việc thờ cúng bánh chưng vào dịp Tết Nguyên đán phản ánh được nhiều bình diện cuộc sống.
Chiếc bánh chưng không chỉ nhắc nhở mỗi người về một món ăn mang đậm biểu trưng văn hoá của dân tộc, mà còn khiến cho mỗi người dân đất Việt tự hào hơn, trân quý hơn một sản vật linh thiêng của ngày Tết sum họp, như hồn của Tết Việt trường tồn mãi với thời gian.
Nguồn gốc tục gói bánh chưng
Theo truyền thuyết "Bánh chưng, bánh dày", tục gói bánh chưng bắt nguồn từ đời vua Hùng Vương thứ 6. Nhân dịp giỗ tổ, vua Hùng đã triệu tập các con đến và truyền rằng: người con nào tìm được lễ vật hợp ý sẽ được vua cha nhường ngôi.
Hầu hết các hoàng tử lên rừng, xuống biển tìm sản vật quý hiếm. Riêng hoàng tử Lang Liêu là người con nghèo khó nhất, không có khả năng kiếm những đồ lễ quý hiếm, chàng đã dùng những nông sản hết sức thân thuộc như gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn và lá dong để tạo ra hai loại bánh: bánh chưng và bánh dày -tượng trưng cho Trời và Đất - làm lễ vật dâng vua cha.
Chiếc bánh chưng của hoàng tử Lang Liêu là tượng trưng cho Đất với sự đầy đủ ấm no, bởi bên trong đủ động vật và thực vật là nếp, đậu xanh và thịt lợn. Chiếc bánh chưng vuông vức thơm ngon được dâng lên vua Hùng vào ngày đầu xuân rất ý nghĩa đã làm nhà vua hài lòng và cảm động. Nhà vua quyết định truyền ngôi cho hoàng tử Lang Liêu.
Kể từ đó tục gói bánh chưng, bánh dày được lưu truyền trong nhân gian và là những lễ vật không thể thiếu khi dâng cúng tổ tiên mỗi dịp Tết đến, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn của hậu thế.
Rất cần trao truyền cho thế hệ sau
Vào những ngày cuối năm, những người con xa quê ai ai cũng mong hoàn thành sớm công việc của mình để được về đoàn tụ với gia đình. Bởi ai cũng muốn được cùng với gia đình quây quần gói bánh chưng dâng cúng tổ tiên, ông bà.
Ngày xưa, trước Tết khoảng 2,3 ngày, nhà nhà thường chuẩn bị nguyên liệu gói bánh chưng để đến ngày 30 Tết cả nhà quây quần trước sân, cùng lau lá, đãi đỗ, vo gạo, ướp thị để gói bánh. Nhưng có lẽ vui nhất là công đoạn nấu bánh và chờ bánh chín, ngoài trời sương lạnh, buốt giá không át được không khí ấm nồng quanh bếp lửa hồng.
Với nhiều thế hệ, chiếc bánh chưng là niềm hân hoan của ngày Tết sum họp, đoàn tụ. Những chiếc bánh đẹp, dày dặn, vuông thành sắc cạnh được dành riêng để bày bàn thờ cúng ông bà tổ tiên, bánh nhỏ gói riêng cho trẻ con như món quà đầu năm...
Ngày nay, việc gói và dâng cũng vẫn còn đó, nhưng dường như không còn nguyên vẹn. Ở thành phố, cũng chỉ có số ít gia đình còn giữ lại phong tục gói bánh chưng, còn đa số gia đình muốn có bánh chưng dâng cúng sẽ đặt những người chuyên làm bánh chưng hoặc ra chợ mua.
Công cụ để nấu chín chiếc bánh chưng ngày nay cũng có nhiều đổi thay, có nơi, có chỗ đã thay thế bằng nồi áp suất hoặc lửa ga... Không khí tết cũng vì thế mà nhạt dần.
Chính vì thế, ở nhiều nơi, mọi người đã vận động, khuyến khích nhau tiếp tục thực hiện phong tục này để tìm lại hương vị ngày Tết. Thông qua các cuộc thi gói bánh chưng, không khí tết phần nào đã trở về với từng góc nhà, ngõ nhỏ.
Bánh chưng gợi nhớ đến Tết hay Tết gợi nhớ đến việc gói bánh chưng? Có lẽ, sự hòa quyện đó đã trở thành một biểu trưng văn hóa của dân tộc Việt - Bánh chưng biểu trưng cho Tết.
Nhịp sống hiện đại ngày nay tuy có bận rộn hơn, sung túc hơn thì truyền thống văn hóa ẩn sâu trong chiếc bánh chưng ngày Tết vẫn rất cần trao truyền lại cho mai sau.
Nên chăng, tục gói bánh chưng ngày Tết, ngoài ý nghĩa ẩm thực truyền thống cần nâng lên thành di sản văn hóa để trân trọng giữ gìn cho các thế hệ mai sau.
Theo TTXVN/Vietnam+