Nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ở Phú Yên chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi của người lao động. Nhiều quyền lợi chính đáng của người lao động bị tước bỏ như không ký hợp đồng lao động, không có chế độ trợ cấp khi ốm đau thai sản, không được bồi thường thoả đáng khi không may xảy ra tai nạn lao động.
Chiếc khẩu trang là dụng cụ duy nhất để bảo vệ sức khỏe cho công nhân - Ảnh: NGỌC HÂN |
CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH BỊ... BỎ NGỎ
Phú Yên hiện có 3 khu công nghiệp (KCN) là Hòa Hiệp, An Phú, Đông Bắc Sông Cầu, thu hút 7.000 lao động làm việc. Tại các KCN là nhiều doanh nghiệp (DN) chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi của người lao động (NLĐ). Vì vậy, NLĐ bị tước bỏ nhiều quyền lợi chính đáng, như không ký hợp đồng lao động, không có chế độ trợ cấp khi ốm đau thai sản… đặc biệt là không được bồi thường thoả đáng khi không may xảy ra tai nạn lao động.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhiều DN cho rằng NLĐ làm việc theo thời vụ, lúc làm lúc nghỉ nên chỉ ký hợp đồng ngắn hạn để khỏi phải đóng bảo hiểm và hạn chế các khoản chi phí khác. Còn về phía NLĐ, phần lớn là lao động phổ thông ở nông thôn, chỉ mong tìm được việc làm nên không tìm hiểu các chế độ chính sách, cũng như chưa nghĩ đến mức độ độc hại trong môi trường làm việc của mình.
Hầu hết lao động tại các DN tuổi đời còn rất trẻ, gia đình không đủ khả năng lo ăn học lên cao nên tìm đến các KCN làm công nhân với mức lương khoảng 700.000 đến 1.000.000 đồng/tháng. Trong tiếng máy khoan, máy cắt ầm ĩ, bụi bẩn bay đầy nhưng nhiều công nhân không có đồ bảo hộ, chỉ có chiếc khẩu trang là dụng cụ duy nhất để bảo vệ sức khỏe. Anh Trương Minh Dũng, công nhân Công ty Tân Bình Phú- KCN Đông Bắc Sông Cầu cho biết: “Từ hồi nào đến giờ bọn em có biết bảo hiểm là gì đâu. Nếu ốm đau hay không may bị tai nạn thì chắc chắn mình và gia đình phải tự lo lấy. Dù biết vậy nhưng nếu không làm thì lấy gì mà sống. Thôi thì tới đâu hay tới đó, từ từ tính sau”. Chị Nguyễn Thị Tuyền, công nhân Công ty Hoàng Khôi, cho biết: “Bị bụi vô mắt, viêm xoang mũi, tay chân bị xước do máy cắt phải… là chuyện thường xuyên xảy ra tại đây. Nhưng bọn em đều phải tự lo giải quyết, chứ chưa bao giờ nhận được sự trợ cấp nào từ phía DN”.
Công nhân Công ty Tân Bình Phú ở khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu - Ảnh: NGỌC HÂN |
ĐỜI SỐNG SINH HOẠT “3 KHÔNG”
Một đặc điểm dễ nhận thấy tại các KCN, là nhiều DN vẫn chưa có nhà ăn, khu tập thể, phòng y tế, xe đưa đón công nhân, những điều kiện tối thiểu để phục vụ NLĐ. Làm việc quá sức, không có thời gian nghỉ ngơi phù hợp cũng là tình trạng phổ biến diễn ra ở các DN. Trong khi người lao động rất cần có những hoạt động văn hóa - văn nghệ - thể dục thể thao, thì DN lại chưa quan tâm đến vấn đề này. Công nhân làm việc tại các KCN chịu nhiều áp lực về công việc, không có điều kiện tham gia các hoạt động, văn hóa giải trí dần dần dẫn đến tình trạng NLĐ phải sống trong môi trường 3 “không” (không tivi, không đài báo, không có điều kiện giao lưu bên ngoài). Hơn bao giờ hết, lực lượng công nhân rất cần có tổ chức công đoàn đại diện cho việc bảo vệ quyền lợi của mình. Song thực tế cho thấy, chính NLĐ lại nhận thức chưa cao về việc xin gia nhập tổ chức công đoàn vì sợ đóng đoàn phí.
Đến nay tại 3 KCN An Phú, Đông Bắc Sông Cầu, Hòa Hiệp đã có 40 doanh nghiệp đi vào hoạt động sản xuất nhưng chỉ có 13 DN thành lập CĐCS. Giải thích vấn đề này, Phó Chủ tịch LĐLĐ Phú Yên Ngô Ngọc Tứ cho biết: “Khó khăn nhất hiện nay là chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn về vai trò tổ chức công đoàn, do đó không mặn mà trong việc tạo điều kiện để công nhân tham gia. Chúng tôi đang lập kế hoạch thành lập công đoàn ngành tại các KCN tạo điều kiện để các doanh nghiệp quan tâm hơn đến quyền lợi người lao động”.
Ngoài ra, vẫn còn một số DN không muốn thành lập công đoàn cơ sở. Hoặc nếu có thành lập CĐCS cũng chỉ nhằm mục đích đối phó, chưa tạo điều kiện để công nhân tiếp cận với tổ chức công đoàn. Ngay cả điều tối thiểu nhất là thời gian để công nhân được nghe cán bộ công đoàn nói sơ lược về lịch sử và vai trò tổ chức công đoàn Việt
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Trưởng phòng Lao động - Doanh nghiệp (Ban quản lý các KCN), cho biết: “Trước mắt, Ban quản lý đang lập dự án kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân có thu nhập thấp, xây dựng phòng y tế, nhà ăn với suất ăn công nghiệp và lập các tuyến xe buýt đưa đón công nhân. Tổ chức các buổi sinh hoạt ngay tại nơi làm việc và lồng ghép vào đó là tuyên truyền về quyền lợi mà công nhân được hưởng khi vào tổ chức công đoàn. Các DN phải có những chế độ đãi ngộ như đóng bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm xã hội, phụ cấp độc hại… bảo đảm quyền lợi của NLĐ. Có như vậy mới giữ chân họ ở lại làm việc lâu dài cho DN”.
NGỌC HÂN