Chủ Nhật, 06/10/2024 11:29 SA
Krông Pa rộn ràng ràng đón mùa xuân mới
Chủ Nhật, 04/02/2018 13:44 CH

Đồng bào Ê Đê hóa hức tham gia ngày hội cồng chiêng - Ảnh: LÊ MINH

Hội thi cồng chiêng, múa xoan đón xuân Mậu Tuất - 2018 xã Krông Pa được tổ chức tại Nhà văn hóa cộng đồng thôn Phú Sơn thuộc trung tâm xã Krông Pa. Hội thi có 6/7 đội cồng chiêng ở các thôn, buôn với gần 200 nghệ nhân. Bên ánh lửa bập bùng, những ché rượu được mở sẵn, những đội cồng chiêng buôn Thu, buôn Lé A, buôn Lé B, buôn Học, buôn Khăm, buôn Chơ đã say sưa tấu lên những bản cồng chiêng âm vang cả đại ngàn, đầy mê hoặc và quyến rũ lòng người như “Tạ ơn trời đất”, “Tiếng chim Chơ Rao”, “Giàng ơi về ăn cơm lúa mới”…

 

Với không khí tưng bừng, những màn diễn tấu cồng chiêng có phụ họa tấu trống đơn và múa xoan đã thu hút sự quan tâm của đông đảo bà con, không chỉ có đồng bào ở địa phương mà còn có nhiều người dân xã Ea Chà Rang, Suối Trai (huyện Sơn Hòa) và xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa (Gia Lai) đến tham gia cổ vũ.

 

Đây là dịp để người dân Krông Pa tạ ơn đất trời, thần linh qua một năm ăn nên làm ra, thông qua tiếng cồng chiêng để giao hòa với núi rừng, sông suối và là phương tiện giao tiếp của cộng đồng với thế giới thiêng. Đối với mỗi người con núi rừng Krông Pa, tiếng cồng chiêng đã trở thành âm thanh thân thuộc kể từ khi sinh ra đến khi giã từ cuộc sống, một nét văn hóa gắn liền với đời sống của họ.

 

Chị Rơ Ô H’Nhoen, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Krông Pa, bộc bạch: “Nhạc cụ cồng chiêng đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, đầy sức quyến rũ. Nghe cồng chiêng là cảm được cả nước suối chảy róc rách, nghe gió hú trên đại ngàn, thấy cả con chim Grư (đại bàng) bay trên bầu trời. Cồng chiêng đi theo suốt cả vòng đời người, chúng tôi luôn gắn bó mật thiết với cồng chiêng, đó là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống người dân Krông Pa.

 

Hội thi cồng chiêng khơi dậy ý thức bảo tồn nhạc cụ cồng chiêng và là niềm tự hào trong mỗi người dân của buôn làng”. Còn ông Y B’Le, nghệ nhân cồng chiêng ở buôn Thu tâm sự: “Cồng chiêng là linh hồn kết nối với vạn vật, các lễ nghi như cúng mừng tuổi con trưởng thành, lễ thổi tai cho em bé mới sinh, rước hồn lúa, cúng bến nước, lễ bỏ mả... không có tấu cồng chiêng coi như chẳng có ý nghĩa gì, thần linh không chứng giám. Cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ phục vụ đời sống tinh thần, nhưng nó là tài sản quý giá của buôn làng. Ngày xưa một bộ cồng chiêng phải mua “đứt” cả chục con trâu đấy”.

 

Theo ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Pa, việc tổ chức hội thi cồng chiêng hàng năm nhằm góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống. Đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị di sản của không gian cồng chiêng trong đời sống xã hội hiện đại. Đây cũng là dịp để đồng bào các buôn làng giao lưu học hỏi, tăng cường hơn nữa tình đoàn kết.

 

Đêm hội cồng chiêng, các nghệ nhân với tinh thần nhiệt tình nghệ thuật đã làm say mê những người đến thưởng ngoạn với tiếng cồng chiêng và điệu múa xoan truyền thống.

 

Ông Nguyễn Thiện Tình, Trưởng Phòng VH-TT huyện Sơn Hòa, nhận xét: “Đồng bào dân tộc Ê Đê ở xã Krông Pa coi cồng chiêng là di sản quý báu, là vật linh thiêng nhất, có giá trị nhất của mỗi gia đình, là bản sắc văn hóa của cộng đồng. Đây là lần thứ hai, xã Krông Pa tổ chức hội thi cồng chiêng, trong niềm vui phấn khởi chào mừng Đảng ta đã tròn 88 mùa xuân và chuẩn bị đón tết cổ truyền dân tộc Mậu Tuất 2018. Hội thi vừa để phục vụ đời sống tinh thần cho người dân địa phương, đồng thời khuyến khích việc bảo tồn văn hóa truyền thống, nhạc cụ cồng chiêng khỏi bị mai một”.

 

TRẦN LÊ KHA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek