Thứ Tư, 09/10/2024 14:23 CH
Ứng phó với thiên tai, bão lũ năm 2017: Cần có phương án phù hợp
Thứ Ba, 31/10/2017 08:22 SA

Theo dự báo, từ nay đến cuối năm 2017, Phú Yên có khả năng bị ảnh hưởng 1 cơn bão và 4-5 đợt không khí lạnh gây mưa lũ lớn. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tập trung triển khai các phương án ứng phó và chủ động phòng tránh.

 

Lực lượng công an tham gia diễn tập cứu hộ, cứu nạn trên sông Bình Bá, huyện Tuy An - Ảnh: ANH NGỌC

 

Nhiều hộ dân cần được di dời

 

Theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, năm 2016, tình hình thiên tai, bão lũ xảy ra trên địa bàn tỉnh rất phức tạp, làm 10 người chết và thiệt hại về kinh tế hơn 626 tỉ đồng. Ngay từ đầu năm 2017, mưa lớn đã gây ngập úng, hư hại, mất trắng hoa màu và lúa vụ đông xuân với diện tích hơn 2.495ha, trong đó diện tích lúa phải gieo sạ lại khoảng 1.160ha. Tai nạn trên biển từ đầu năm đến nay cũng là vấn đề đáng báo động, đã xảy ra 78 vụ, làm chìm 16 tàu cá, 32 tàu khác bị hư hỏng và làm nhiều người chết, mất tích, bị thương. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, từ nay đến cuối năm, tình hình bão lũ ở Phú Yên cũng khá phức tạp.

 

Các sở, ban ngành, địa phương rà soát, xây dựng phương án, chủ động ứng phó thiên tai trong mùa mưa lũ năm nay phù hợp với tình hình thực tế. Các sở, ngành và địa phương liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng hồ đập, đê kè và công trình hạ tầng cơ sở, nhất là các công trình ảnh hưởng đến tiêu thoát lũ và chủ động sửa chữa, khắc phục các hư hỏng.

Ông Trần Công Danh, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Phú Yên, cho biết: Dự báo từ nay đến cuối năm 2017 sẽ còn khoảng 3-4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó khu vực tỉnh Phú Yên có khả năng chịu ảnh hưởng 1 cơn bão. Toàn tỉnh sẽ chịu ảnh hưởng khoảng 4-5 đợt không khí lạnh, khả năng gây ra mưa vừa đến mưa rất to. Các đợt lũ lớn tập trung vào 2 tháng cuối năm, các sông trên địa bàn tỉnh có từ 2-3 trận lũ lớn đạt mức báo động II-III, có sông trên báo động III.

 

Theo UBND các huyện Phú Hòa, Tây Hòa và Đông Hòa, hiện các địa phương này có hơn 800 con gia súc do người dân chăn thả và nuôi nhốt tại các bãi bồi ven sông Ba. Mặc dù địa phương tổ chức vận động, nhưng rất ít hộ chấp hành đưa đàn gia súc của mình lên bờ trước mùa mưa lũ. Đến nay, đa số địa phương trên địa bàn tỉnh đều tổ chức kiểm tra, rà soát, cập nhật kế hoạch, phương án di dời, sơ tán dân tạm thời tại các khu vực bị ảnh hưởng mưa lũ, ngập lụt, triều cường, sạt lở đất. Tuy nhiên, một số địa phương còn gặp khó khăn do xây dựng chưa hoàn thành các khu tái định cư hoặc thiếu kinh phí. Theo UBND huyện Tuy An, hiện địa phương có hai khu tái định cư là Phước Đồng (xã An Hải) và Mỹ Quang Bắc, Mỹ Quang Nam (xã An Chấn) do vướng giải phóng mặt bằng nên chưa thể bố trí dân vào ở. Còn ở TP Tuy Hòa, hiện còn 12 hộ dân ven chân núi Nhạn có nguy cơ bị ảnh hưởng sạt lở núi nhưng địa phương khó khăn về kinh phí nên chưa thể di dời.

 

Ông Đặng Ngọc Anh, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết: Hiện đường giao thông ở xã Phú Mỡ không đảm bảo, nếu mưa lũ lớn xảy ra thì xã này rất dễ bị chia cắt, cô lập. Khu dân cư thôn Phước Huệ, xã Xuân Quang 2 là một vùng trũng thấp, tỉnh đã cho chủ trương di dời nhưng đến nay chưa bố trí vốn để đầu tư khu tái định cư.

 

Các lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa lũ năm 2016 - Ảnh: ANH NGỌC

 

Chủ động phòng tránh

 

Theo Sở NN-PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có 44 hồ chứa nước thủy lợi, trong đó các hồ có dung tích từ 1 triệu m3 trở xuống do cấp huyện quản lý và đều đảm bảo an toàn. Các hồ thủy lợi có dung tích từ 5 triệu m3 trở lên do Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam quản lý cũng được kiểm tra, sửa chữa và có phương án an toàn đập trước mùa mưa lũ năm nay. Riêng hồ chứa nước La Bách (huyện Sông Hinh) bị thấm nước qua thân đập nhưng công tác khắc phục đến nay vẫn chưa xong, có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa sắp đến. Đối với các khu neo đậu tàu thuyền, các địa phương đã xây dựng phương án sắp xếp an toàn khi có bão lũ xảy ra. Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Mưa lũ năm 2016 đã gây thiệt hại lớn cho các đối tượng thủy sản nuôi, đặc biệt có khoảng 728.000 con tôm hùm chết, hơn 665ha thủy sản nuôi bị thiệt hại. Năm nay, các địa phương cần vận động người nuôi tổ chức thu hoạch sớm số thủy sản nuôi đã đến kỳ hoặc gần đến kỳ thu hoạch nhằm giảm thiệt hại do mưa lũ gây ra. Các huyện, thị, thành phố cần sắp xếp, bố trí hợp lý khu vực nuôi thủy sản lồng bè đảm bảo an toàn khi lượng nước tại các vùng nuôi bị ngọt hóa.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế chỉ đạo các địa phương chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt. Các sở, ngành và địa phương khẩn trương kiểm tra các phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu tại chỗ khi có tình huống xảy ra. UBND tỉnh yêu cầu các địa phương chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư và hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ” chủ động phòng tránh, ứng phó thiên tai, bão lũ. Đồng chí Trần Hữu Thế cũng lưu ý đối với các địa phương có người dân trồng trọt, chăn nuôi gia súc trên các bãi bồi ven sông phải di dời đàn vật nuôi lên bờ trước mùa mưa bão. Đối với hồ chứa nước La Bách, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Sông Hinh chỉ đạo hạn chế tích nước nhằm đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa năm nay.

 

ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek