Trước đây, những bệnh nhân mất máu do tai biến sản khoa, tai nạn các loại, hoặc do bệnh lý khi gặp cấp cứu, do không có máu nên công tác điều trị ở Bệnh viện đa khoa Sơn Hòa gặp nhiều trở ngại, dẫn đến không ít trường hợp tử vong đáng tiếc. Hai năm nay, nhờ thành lập “ngân hàng máu sống” (NHMS), đơn vị đã thực hiện có hiệu quả trong việc cứu sống người bệnh.
Ngày càng có nhiều người tham gia hiến máu tình nguyện - Ảnh: P.V
Theo bác sĩ Hoàng Kim Châu, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Sơn Hòa (huyện Sơn Hòa) trong phân tuyến kỹ thuật, không có qui chế qui định bệnh viện tuyến huyện lấy và lưu trữ máu, nên không có máu dự trữ tại đơn vị. Trong khi đó, người bệnh mất máu thường phải truyền máu gấp thì lại không có máu, phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên hoặc mua máu từ tuyến trên về truyền, nhanh nhất cũng phải mất 3-4 giờ. Nhiều khi tuyến trên không còn máu cùng nhóm nên tính mạng người bệnh bị đe dọa trầm trọng.
Qua nhiều đợt Bệnh viện đa khoa tỉnh về thực hiện các đợt hiến máu tình nguyện (HMTN) tại huyện từ các Đoàn thanh niên, Hội chữ thập đỏ, Hội liên hiệp phụ nữ và các ban ngành đoàn thể…, bác sĩ Đàm Quang Long (khoa ngoại sản Bệnh viện đa khoa Sơn Hòa) nảy ra ý định: “Tại sao chúng ta không để lại một số người HMTN đã được khám và làm đầy đủ các xét nghiệm, khi nào cần thì huy động lực lượng đó”. Chấp thuận ý kiến đề xuất của bác sĩ Long, Bệnh viện đa khoa huyện Sơn Hòa tiến hành mua sắm các trang thiết bị phục vụ công tác lấy máu, đồng thời ký kết với Huyện Đoàn thành lập một Đội thanh niên tình nguyện hiến máu (Đội 345- Số điện thoại thường trực 057.861345).
Ngày 16/12/2006, bệnh nhân Nguyễn Thị Hà, 29 tuổi ở thôn Ngân Điền (Sơn Hà) bị băng huyết sau sinh phải truyền 14 đơn vị máu O. Trong cơn thập tử nhất sinh, chị được truyền máu kịp thời nên đảm bảo được tính mạng. Trường hợp chị Lê Thị Nguyệt Mỹ, 40 tuổi cùng thôn với chị Hà, do thai ngoài tử cung vỡ nên để cứu sống bệnh nhân, Bệnh viện đã huy động 5 đơn vị máu B từ đội 345... Chị Phan Thị Hà Phước, 28 tuổi, cán bộ phụ nữ huyện Sơn Hòa, bị băng huyết sau sinh đã qua cơ nguy kịch nhờ 3 đơn vị máu từ NHMS.
Trong 2 năm, số lượng máu được hiến để phục vụ cấp cứu tại Bệnh viện Sơn Hòa là 95 đơn vị, truyền máu cấp cứu 28 người. Có trường hợp bệnh nhân cần số lượng máu nhiều, nên ngoài lực lượng thanh niên, bệnh viện còn huy động cả cán bộ CNVC trong đơn vị và thân nhân. Theo bác sĩ Đàm Quang Long, các bệnh lý cần máu là bệnh về sản khoa, xuất huyết tiêu hóa, tai nạn. Máu không được thường xuyên sử dụng, nhưng lại rất cần thiết. Cho đến nay, chưa có một chế phẩm nào thay thế được máu. Nếu không có máu thì sẽ đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Bác sĩ Huỳnh Ngọc Ấn, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết: Bệnh viện Sơn Hòa có kỹ thuật viên xét nghiệm đủ trình độ làm các xét nghiệm sàng lọc nhóm máu, lấy máu, đồng thời có đủ các hóa chất, dụng cụ trang thiết bị lấy và bảo quản máu, làm các phản ứng chéo nên chúng tôi đã khuyến khích, động viên tiếp tục thực hiện.
Tuy nhiên, theo các bác sĩ ở Bệnh viện Sơn Hòa, ngành Y tế cần phân tuyến kỹ thuật cho cơ sở tuyến huyện trong việc thành lập NHMS. Vì hiện nay, để có máu cứu sống người bệnh, họ đã thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nhưng nếu có bất thường nào đó xảy ra thì cơ quan nào đứng ra bênh vực cho việc này. Sở Y tế xét thấy tuyến huyện nào có đủ điều kiện để thành lập NHMS thì nên có văn bản cho phép địa phương đó được thực hiện. Và nếu thấy thành lập NHMS tại huyện đem lại hiệu quả cho công tác điều trị, thì sở có thể nhân rộng ra nhiều cơ sở khám chữa bệnh khác.
MINH TUẤN