Thứ Sáu, 11/10/2024 10:17 SA
Những người gìn giữ nghề hàn thiếc
Thứ Sáu, 06/10/2017 09:27 SA

Sau thời hoàng kim của nghề thiếc, chỉ còn những cửa hàng đổi mới cách làm, sản xuất đa dạng nhiều mặt hàng mới trụ được với nghề - Ảnh: THÁI HÀ

Thời của đồ nhựa, inox, hàng sắt cao cấp… lên ngôi, hàng thiếc đang mất dần chỗ đứng. Thời “hoàng kim” của hàng thiếc những năm 80, 90 của thế kỷ trước đã qua lâu; các tiệm làm nghề hàn thiếc ở TP Tuy Hòa đang thu hẹp dần. Tuy nhiên vẫn còn những người thợ thiếc tâm huyết tự mình trau dồi kiến thức, đổi mới cách làm để giữ lấy nghề, trụ được với nghề.

 

Một thời “ăn nên làm ra”

 

Trên đoạn đường Lê Lợi (phường 3, TP Tuy Hòa), hai gia đình chuyên về hàn thiếc nằm cạnh nhau ở số nhà 83, 85 luôn gây sự chú ý của những người đi đường, bởi trong suốt mấy mươi năm nay, từ sáng đến tối, tiếng búa không ngừng ồn ã để làm nên các mặt hàng từ thiếc phục vụ nhu cầu người dân. Nghề thiếc đã từng có một quãng thời gian dài “ăn nên làm ra” khi mà cả ở thành thị và nông thôn, vật dụng bằng thiếc được sử dụng rộng rãi. Đó là vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước.

 

Nói về thời vàng son của nghề thiếc, anh Nguyễn Phước Hồng, chủ tiệm hàn thiếc số nhà 85 Lê Lợi, chia sẻ: “Trước đây, nghề hàn thiếc là một trong những nghề hái ra tiền vì nhu cầu của người dân rất cao, gia đình tôi làm ngày làm đêm cũng không hết việc. Không khí lao động ở tiệm luôn hối hả, tấp nập để sau đó theo những chuyến xe lam, xe ngựa… các vật dụng từ thiếc đi khắp nơi, góp mặt trong rất nhiều hoạt động sinh hoạt và lao động sản xuất của người dân”.

 

Để có được nghề hàn thiếc, việc học nghề không hề dễ dàng. Bởi không như khi đào tạo ở các trường nghề, những người xin vào học việc tại các cửa tiệm đều học nghề theo cách cầm tay chỉ việc, học lóm là chủ yếu. Trong quá trình học việc, người học để ý nhìn những người thợ lành nghề làm việc rồi bắt chước làm theo. Thông thường, một người học việc phải trải qua từ 2-4 năm mới trở thành thợ chính. Còn nếu muốn trở thành một người thợ lành nghề, xuất sắc, làm được tất cả công đoạn khó của sản phẩm tinh tế cần nhiều thời gian hơn.

Anh Trần Thái Tài (phường 8, TP Tuy Hòa) có hơn 10 năm gắn bó với nghề hàn thiếc. Với đôi tay vừa nhanh nhẹn đưa các khớp của 2 tấm thiếc vào với nhau, vừa lấy búa đập để điều chỉnh cho tấm thiếc thật phẳng, ăn khớp sau đó gắn đinh vào cố định, anh đang làm gấp ống thông gió vì sắp đến hẹn giao cho khách.

 

Anh Tài cho biết, trước đây, nghề thiếc dù vất vả nhưng ai cũng muốn học vì công việc luôn có sẵn. Kiểu cách của các mặt hàng thiếc cũng không có gì phức tạp nên người thợ cứ theo các mẫu truyền thống để làm ra hàng loạt, rồi sau đó các đầu nậu từ miền xuôi, miền núi, miền biển đến lấy hàng về, bán lại cho người dân. Nhờ nhu cầu sử dụng cao, bán chạy hàng nên những thợ thiếc như anh thu nhập cũng rất khá.

 

Đổi mới để sống với nghề

 

Hiện nay, khi những cửa hàng sắt, nhôm, kính, inox mọc lên nhiều thì các cửa hàng chuyên về thiếc lại dần mai một. Trong cuộc cạnh tranh không cân sức giữa các ưu điểm của thiếc và những vật liệu mới lên ngôi, để gìn giữ nghề, những người thợ hàn thiếc phải học hỏi, bổ sung kiến thức đồng thời liên tục tạo ra các sản phẩm mới, phù hợp với thị hiếu của người sử dụng.

 

Theo anh Nguyễn Phước Hồng, trước đây đi đâu cũng gặp nghề hàn thiếc nhưng thời gian gần đây, nhiều tiệm phải ngưng hoạt động, một số co cụm lại ở chợ Tuy Hòa sản xuất cầm chừng, bởi đa số đồ gia dụng hiện nay được thay bằng các vật liệu khác.

 

Theo xu thế phát triển, những món đồ thiếc từ cái bình hoa tưới nước đến chiếc ấm thiếc, chiếc mâm thiếc, gàu thiếc, thùng đựng nước bằng thiếc… từng gắn bó với người lao động nông thôn giờ dần vắng bóng. Hàng thiếc vẫn có mặt trên thị trường nhưng khá hẹp, tiêu thụ hạn chế ở một số vùng nông thôn, miền núi. Một số đồ gia dụng làm bằng thiếc vẫn còn hữu dụng như khuôn sản xuất đá cây, máng xói, tủ đựng hồ sơ, va li thiếc, bếp nướng than hay thùng thiếc to để nấu rượu, nấu bắp, bánh chưng…

 

Để sống với nghề, những người thợ thiếc giờ phải biết sử dụng máy tính, biết thiết kế và đọc các bản vẽ kỹ thuật để nhận đơn đặt hàng theo yêu cầu của khách chứ không làm các sản phẩm truyền thống theo mẫu. Theo anh Nguyễn Phước Hồng, vài năm trở lại đây, đồ thiếc làm sẵn ít người mua. Khách hàng của tiệm anh đa phần mang bản vẽ thiết kế sẵn, yêu cầu tiệm làm thành phẩm.

 

Hiện tại, ngoài 2 cơ sở hàn thiếc khá lớn trên đường Lê Lợi (TP Tuy Hòa) của gia đình anh Nguyễn Phước Hồng và Diệp Văn Long thì ở chợ Tuy Hòa có chưa đến chục cơ sở chuyên sản xuất các mặt hàng thiếc. Các cơ sở này nhận đặt hàng cũng rất ít vì chỉ chuyên làm theo mẫu hàng loạt để bán về nông thôn. Thời “hoàng kim” của nghề thiếc đã qua, chỉ những người thợ tâm huyết, yêu nghề mới âm thầm, cần mẫn, sáng tạo để giữ nghề theo những cách làm mới.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek