Thứ Bảy, 12/10/2024 07:15 SA
Luôn đồng hành cùng tiến trình cách mạng của tỉnh
Thứ Bảy, 19/08/2017 07:11 SA

Tập thể cán bộ, phóng viên, công nhân viên Báo Phú Yên chụp ảnh lưu niệm cùng với lãnh đạo tỉnh và các quan khách nhân kỷ niệm ngày truyền thống của báo - Ảnh: PV

Ngày 19/8/1946, Báo Chiến Thắng (tiền thân Báo Phú Yên hôm nay) chính thức xuất bản số báo đầu tiên, được quân dân chính Đảng tỉnh Phú Yên nồng nhiệt đón nhận. Trải qua nhiều tên gọi ở các giai đoạn lịch sử khác nhau, các tờ báo tiền thân của Báo Phú Yên hôm nay đã có nhiều đóng góp vào tiến trình cách mạng của tỉnh Phú Yên.

 

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Tỉnh ủy Phú Yên rất quan tâm đến công tác tuyên truyền. Nhà thơ Vĩnh Mai (Nguyễn Hoằng), Trưởng Ty Thông tin tuyên truyền đầu tiên của tỉnh Phú Yên, đã dày công xuất bản những ấn phẩm báo chí cách mạng Phú Yên bằng hai đặc san chào mừng cuộc Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9, đặc san Mùa đông binh sĩ để cổ vũ chính sách “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm” và “Tuần lễ vàng, Tuần lễ đồng” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động.

 

Tháng 2/1946, Xứ ủy Trung kỳ điều động nhà thơ Vĩnh Mai về Huế nhận nhiệm vụ Bí thư Thành ủy Huế. Nhà giáo Bùi Xuân Các, Trưởng Ty Kiểm duyệt Sở Thông tin tuyên truyền Trung Bộ, được điều động về Phú Yên làm Trưởng Ty Thông tin tuyên truyền.

 

Thầy Bùi Xuân Các đã kể lại trong hồi ký rằng: “Tình hình thì phức tạp, nhiệm vụ thì nặng nề, mà việc phổ biến, truyền đạt, giải thích thì bị hạn chế cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Nếu chỉ bằng lòng với các bản tin chép theo cách “đọc chậm” của Đài Tiếng nói Việt Nam rồi đánh máy gửi về cho các huyện, xã… để hàng đêm tuyên truyền viên các xã leo lên chòi phát thanh bằng các loa sắt Tây thì quá chậm chạp, hời hợt. Vì vậy, Ty Thông tin tuyên truyền đề nghị với lãnh đạo tỉnh cho ra đời một tờ báo lấy tên là “Chiến Thắng”.

 

Tỉnh ủy Phú Yên đã giao nhiệm vụ cho nhà giáo Bùi Xuân Các (đảng viên lão thành trước Cách mạng Tháng Tám - vị trí thức lớn tốt nghiệp Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương), lặn lội ra Hà Nội mua 70kg chữ chì các cỡ, một máy Minevve cỡ nhỏ và mời vài công nhân từ Hà Nội vào để xây dựng một xưởng in typo nhằm chuẩn bị cơ sở vật chất để ra đời tờ báo cách mạng đầu tiên của tỉnh (tiền thân của Nhà in Tú Phương thời kháng chiến chống Pháp). Với sự chuẩn bị chu đáo của vị tiền bối khai sáng Bùi Xuân Các, tờ báo Chiến Thắng xuất bản số đầu tiên đúng vào ngày kỷ niệm lần thứ nhất Cách mạng Tháng Tám do nhà giáo Bùi Xuân Các làm chủ nhiệm (Tổng Biên tập), đồng chí Đinh Nho Bát làm chủ bút (Thư ký tòa soạn).

 

Nội dung tờ Chiến Thắng có xã luận, có tin tức trong tỉnh, trong nước, tin thế giới (thu gọn các tin đọc chậm của Đài Tiếng nói Việt Nam), thông báo các chủ trương của ủy ban tỉnh. Báo ra 4 trang khổ giấy 30cmx40cm, mỗi tuần xuất bản một số. Báo Chiến Thắng đăng nhiều bài thơ nổi tiếng như: “Đèo Cả” của nhà thơ Hữu Loan; “Nhớ máu”, “Tình sông núi” của nhà thơ Trần Mai Ninh.

 

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Duy Luân và các đồng chí lão thành cách mạng xem triển lãm Báo Xuân toàn quốc năm 1999 do Báo Phú Yên tổ chức lần đầu tiên tại Nhà văn hóa Diên Hồng, TP Tuy Hòa - Ảnh: TƯ LIỆU

 

Hồi ký vị Tổng Biên tập đầu tiên Bùi Xuân Các với tựa đề: “Báo Chiến Thắng - tiền thân của Báo Phú Yên hôm nay” được đăng trên Báo Phú Yên cuối tháng số 48 tháng 6/1998 nêu rõ: “Tất cả những người làm ra tờ báo, chưa một ai có nghiệp vụ báo chí, chỉ nghiên cứu, học tập các tờ Cứu Quốc, Tiền Phong, Quyết Thắng… và căn cứ vào nhu cầu tuyên truyền của tỉnh mà viết, mà soạn. Tuy vậy, diện mạo tờ báo cũng khả quan, phát hành đều đặn hàng tuần. Nhuận bút tất nhiên là không có rồi. Thời đó, mọi việc quá đơn giản…”.

 

Do yêu cầu tuyên truyền bức thiết, Tỉnh ủy chỉ đạo xuất bản đều đặn tờ báo Chiến Thắng. Tờ báo được in bằng máy in typo. Do nhu cầu in báo Chiến Thắng, Tỉnh ủy và Ủy ban Hành chính tỉnh quyết định thành lập Nhà in Tú Phương.

 

Sau khi nhà giáo Bùi Xuân Các được tỉnh điều động xây dựng trường trung học đầu tiên của tỉnh Phú Yên mang tên vị tiền hiền Lương Văn Chánh, đồng chí Lê Văn Phú - vị Chủ tịch Ủy ban Hành chính TX Tuy Hòa đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám, được Tỉnh ủy phân công đảm nhiệm Trưởng Ty Thông tin tuyên truyền, trực tiếp phụ trách tờ báo.

 

Trước ngày toàn quốc kháng chiến, Ty Thông tin tuyên truyền và nhà in đều ở TX Tuy Hòa, báo ra đều đặn, Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Tuy Hòa tiêu thổ kháng chiến, Báo Chiến Thắng gián đoạn một thời gian.

 

Cùng thời điểm này, Phân ban cực Nam (phụ trách các tỉnh bị tạm chiếm ở Nam Trung Bộ) xuất bản tờ Nam Trung - cơ quan ngôn luận chung của Khu VI (từ Khánh Hòa vào Bình Thuận), xuất bản mỗi tháng hai kỳ do đồng chí Võ Văn Sung (sau này là đại sứ Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Pháp) phụ trách. Sau đó, nhà thơ Trần Mai Ninh được điều động về phụ trách xuất bản tờ báo Cứu Quốc Khu VI (kế tục tờ báo Nam Trung) - cơ quan ngôn luận của hai tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa. Một thời gian ngắn, tờ Cứu Quốc Khu VI được tách thành hai tờ báo Chiến Thắng của Khánh Hòa và Phấn Đấu của Phú Yên (do nhà thơ Trần Mai Ninh làm Tổng Biên tập). Đội ngũ làm báo quy tụ nhiều nghệ sĩ tài hoa như họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, nhà văn Ngô Tịnh Hà (em trai nhà thơ Xuân Diệu…).

 

Sau khi nhà thơ Trần Mai Ninh được điều động vào chiến trường cực nam và hy sinh ở Khánh Hòa năm 1948, Báo Phấn Đấu tạm nghỉ một thời gian để chuẩn bị nhân sự mới.

 

Năm 1948, do chiến tranh ác liệt, Nhà in Tú Phương dời sâu vào vùng núi đèo Cây Cưa, núi Mái Dự. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Phú Yên, Ty Thông tin tuyên truyền chính thức xuất bản tờ Sức Mới do đồng chí Nguyễn Chính làm Tổng Biên tập, xuất bản đến ngày đình chiến tháng 7/1954.

 

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, trong những ngày đen tối nhất của cách mạng miền Nam, để củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và quần chúng trung kiên, sau sự hy sinh của Bí thư Tỉnh ủy Lê Đài, Tỉnh ủy Phú Yên quyết định xuất bản tờ Đoàn Kết, mỗi tháng một số với số lượng phát hành 200-300 tờ. Tờ báo Đoàn Kết phát hành đến từng chi bộ bí mật, hợp pháp trong vùng địch kiểm soát, góp phần giữ vững niềm tin và ý chí của đảng viên, quần chúng yêu nước trước sự khủng bố khốc liệt của kẻ thù.

 

Sau Nghị quyết 15, Tỉnh ủy quyết định đổi tên tờ Đoàn Kết thành tờ Giải Phóng - cơ quan ngôn luận của Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Phú Yên, do đồng chí Lương Thúc Mậu phụ trách.

 

Năm 1967, đồng chí Lương Thúc Mậu, Trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy kiêm Tổng Biên tập báo, hy sinh. Một số đồng chí phụ trách tờ báo bị bắt, hy sinh. Tỉnh ủy tăng cường đồng chí Cao Văn Hoạch (Bảy Xuân) về phụ trách Ban Tuyên huấn và tờ báo Giải Phóng, sau đó là các đồng chí Phạm Hồng Quang, Mai Văn Minh. Tờ báo Giải Phóng tiếp tục phát triển ổn định trong những năm 1967-1975 với những cán bộ nòng cốt như đồng chí Lương Thúc Quý, Trương Bá Sám, Nguyễn Phùng, Bằng Tín, Trần Thiện Lục, Hà Bình,…

 

Sau ngày giải phóng, Báo Giải Phóng được đổi tên thành Phú Yên Giải Phóng, tiếp tục xuất bản đến ngày 3/11/1975 và nhập với Báo Khánh Hòa Giải Phóng thành Báo Phú Khánh do đồng chí Nguyễn Chính phụ trách xây dựng ban đầu. Trong 14 năm nhập tỉnh, các Tổng Biên tập Báo Phú Khánh Nguyễn Chi, Cung Giũ Phú, Nguyễn Ngọc, Tô Phương… đã bám sát sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, cùng tập thể những người làm báo dày công xây dựng tờ Báo Phú Khánh, trong đó đặc biệt quan tâm đến vùng phía bắc tỉnh (Phú Yên hôm nay), xây dựng một tổ phóng viên thường trú tại TX Tuy Hòa do đồng chí Phạm Ngọc Phi phụ trách.

 

Ngày 1/7/1989, Phú Yên trở lại với tên gọi cũ của mình. Báo Phú Yên được tái lập, khởi đầu với 7 cán bộ phóng viên được điều động từ 35 cán bộ phóng viên của Báo Phú Khánh. Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, thiếu thốn về nhân lực kinh phí; cơ sở vật chất, Báo Phú Yên vẫn nỗ lực xuất bản 2 kỳ/tuần như Báo Phú Khánh cũ.

 

Được Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo, chăm sóc chu đáo, đội ngũ làm Báo Phú Yên những ngày đầu tái lập đã nỗ lực vượt qua những vất vả, gian nan của buổi ban đầu, từng bước được tăng cường nguồn lực con người và phương tiện làm việc, đi lại tối thiểu để đủ sức tác nghiệp, giữ vững và nâng cao chất lượng nội dung và quy mô xuất bản.

 

28 năm qua, Báo Phú Yên đã có bước phát triển vượt bậc đầy tự hào với những cột mốc phát triển đáng nhớ: tháng 7/1994 bắt đầu xuất bản ấn phẩm Phú Yên cuối tháng được bạn đọc nồng nhiệt đón nhận; tháng 1/1998, xuất bản Phú Yên cuối tuần và năm 2002 tăng lên 4 kỳ/tuần. Ngày 1/4/2005, Báo Phú Yên đổi khổ từ 4 trang khổ lớn (như Báo Nhân Dân) thành khổ vừa 30x40cm và tăng lên 12 trang. Đầu năm 2006, Báo Phú Yên chính thức ra mắt Trang thông tin điện tử tổng hợp Phú Yên Online. Phú Yên Online - một phiên bản của Báo Phú Yên nhờ tiện ích internet, nhanh chóng lan xa, lan sâu đến bạn đọc trong và ngoài nước. Năm 2008, Báo Phú Yên tăng lên 5 kỳ/tuần, từ tháng 10/2009 tăng lên 6 kỳ/tuần. Năm 2010, Báo Phú Yên nỗ lực thực hiện xuất sắc một trong những nội dung Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, chính thức xuất bản nhật báo ngày 5/9/2010 và xuất bản thử nghiệm Trang tin tiếng Anh Phu Yen News ngày 29/12/2010, mở ra kênh thông tin đối ngoại quan trọng của tỉnh. Đây là một bước ngoặt phát triển về chất, khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của Báo Phú Yên.

 

Với việc xuất bản nhật báo (7 kỳ/tuần), đồng thời cải tiến giao diện, nâng cấp chất lượng Phú Yên Online, tăng cường Trang tin tiếng Anh Phu Yen News, Báo Phú Yên đã cập nhật khá nhanh thông tin thời sự trong tỉnh, trong nước và quốc tế. Thông tin thời sự trên báo ngày càng sát với hơi thở cuộc sống. Các chuyên trang trên báo ngày càng tổ chức khoa học hơn, chất lượng cao hơn. Trình độ tác nghiệp của phóng viên được nâng cao một bước theo hướng làm báo hiện đại của một tờ nhật báo.

 

Bên cạnh hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin của bạn đọc, Báo Phú Yên đã tổ chức nhiều hoạt động sau mặt báo mang tính xã hội rộng rãi, được xã hội ghi nhận và đánh giá cao như tổ chức tốt các hoạt động xã hội từ thiện giúp đỡ thiết thực cho bà con nghèo, những mảnh đời bất hạnh, bà con bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh; phối hợp tổ chức các học bổng Tiếp sức đến trường dành cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó học giỏi; vận động xây trường học, nhà Tình nghĩa, nhà Tình thương; hỗ trợ nạn nhân da cam góp phần xoa dịu nỗi đau để họ hòa nhập với cộng đồng. Báo đã tổ chức thành công Giải Việt dã Báo Phú Yên (mở rộng) nhằm góp phần thúc đẩy phong trào rèn luyện sức khỏe theo gương Bác Hồ vĩ đại. Giải việt dã truyền thống lần thứ 25 sẽ được tổ chức vào ngày chủ nhật (27/8/2017) đã khẳng định uy tín các hoạt động sau mặt báo của Báo Phú Yên, có giá trị thiết thực phục vụ cộng đồng. Một số chương trình hoạt động sau mặt báo khác như Đồng hành cùng doanh nghiệp, Tư vấn mùa thi… được các doanh nhân và bạn đọc đánh giá cao.

 

Cùng với sự trưởng thành đi lên, Báo Phú Yên đã và đang trình lãnh đạo tỉnh có sự quan tâm đầu tư thêm về chế độ nhuận bút, phương tiện làm việc và đang có kế hoạch mở rộng trụ sở, đáp ứng yêu cầu thiết thực của một tòa soạn với 3 ấn phẩm phục vụ bạn đọc hàng ngày, hàng giờ, là tờ báo in hàng ngày, Trang thông tin điện tử tổng hợp Phú Yên Online và Trang tin tiếng Anh Phu Yen News để đảm bảo sự phát triển bền vững của tờ báo giai đoạn trước mắt và lâu dài.

 

Cùng với sự phát triển đi lên của quê hương, đất nước, Báo Phú Yên dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tiếp tục có những hướng phát triển đột phá để phục vụ đạt hiệu quả cao nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin phong phú, đa dạng của các tầng lớp bạn đọc.

 

BÁO PHÚ YÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek