Hiện nay, tình trạng vi phạm Bộ luật Lao động và các chế độ chính sách đối với công nhân lao động (CNLĐ) vẫn còn diễn ra tại các doanh nghiệp. Do vậy, việc bảo vệ quyền lợi CNLĐ thông qua hình thức tuyên truyền, tư vấn pháp luật luôn được LĐLĐ tỉnh xem là nhiệm vụ quan trọng, nhằm giúp người lao động (NLĐ) có thể tự bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Hiểu pháp luật để yên tâm hơn
Với phương châm “Lấy đoàn viên công đoàn làm đối tượng vận động”, “Lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động” nhân Tháng Công nhân năm 2017, Văn phòng Tư vấn pháp luật (LĐLĐ tỉnh) phối hợp với Sở LĐ-TB-XH, BHXH tỉnh tổ chức tuyên truyền và tư vấn pháp luật lao động miễn phí cho hơn 500 cán bộ, đoàn viên và NLĐ đang làm việc tại Công ty CP Xây dựng giao thông (thuộc Công đoàn ngành GTVT); Xí nghiệp Chế biến nông sản xuất khẩu (thuộc CĐCS Công ty CP Điều Phú Yên); Xí nghiệp Chế biến song mây xuất khẩu Hòa Hiệp (thuộc Công đoàn Khu kinh tế). Nhờ lãnh đạo các doanh nghiệp tạo điều kiện cho NLĐ tiếp cận, nắm bắt thông tin và chế độ chính sách nên các buổi tuyên truyền, tư vấn pháp luật diễn ra trong không khí sôi nổi. Nhiều nội dung liên quan đến Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, những điều cần biết về BHXH bắt buộc, chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo Luật Việc làm năm 2013, Luật An toàn vệ sinh lao động cùng nhiều vấn đề liên quan khác mà NLĐ thắc mắc đều được cán bộ tư vấn giải thích, hướng dẫn cụ thể.
Trực tiếp được nghe cán bộ tư vấn pháp luật truyền đạt các nội dung trên, anh Nguyễn Kim Hưng, công nhân Xí nghiệp Chế biến song mây xuất khẩu Hòa Hiệp, cho biết: “Nghe cán bộ tư vấn, tôi và những CNLĐ tại đây hiểu rõ hơn các quy định trong Bộ luật Lao động, Luật BHXH, đặc biệt là quyền của NLĐ. Tôi thấy việc tuyên truyền như thế này rất thiết thực đối với công nhân trực tiếp sản xuất. Hiểu được các quy định của Nhà nước, chúng tôi có thể giám sát việc chủ doanh nghiệp có thực hiện đúng các quy định không, để tự bảo vệ quyền lợi cho mình nếu họ cố tình vi phạm”. Còn chị Trần Thị Kim Nguyệt, Xí nghiệp Chế biến nông sản xuất khẩu, phấn khởi cho hay: “Buổi tư vấn pháp luật lao động giúp tôi giải tỏa mọi thắc mắc về chế độ liên quan đến quyền lợi NLĐ mà trước đây vẫn còn mập mờ. Tôi vừa nắm được quy định về thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, được nghỉmỗi ngày 60 phút; đồng thời nắm được Luật BHXH quy định lao động nam đang đóng BHXH khi vợ sinh cũng được nghỉ thai sản từ 5-14 ngày…”.
Theo bà Trần Thị Như Huệ, Phó Ban Chính sách Pháp luật, kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Tư vấn pháp luật (LĐLĐ tỉnh), hiện các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật như tuyên truyền miệng, nói chuyện chuyên đề, tọa đàm, tập huấn nghiệp vụ, tổ chức tư vấn pháp luật miễn phí, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở, thi tìm hiểu pháp luật, trả lời, giải đáp pháp luật, hội thi sân khấu hóa... được sử dụng rộng rãi với nhiều cải tiến phong phú, sáng tạo về hình thức và nội dung. Bởi trong thực tế có những vướng mắc mà người lao động băn khoăn, nhưng khi cán bộ của doanh nghiệp giải thích thì họ chưa thông. Nếu cán bộ công đoàn tuyên truyền và phân tích cặn kẽ, NLĐ sẽ hiểu hơn.
Đẩy mạnh tuyên truyền tư vấn pháp luật
Tuyên truyền, tư vấn pháp luật là một trong những hoạt động thể hiện sinh động và rõ nét việc thực hiện chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ của tổ chức công đoàn. Thông qua những buổi tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho CNLĐ tại các doanh nghiệp của Công đoàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy vấn đề mà số đông NLĐ quan tâm xoay quanh một số nội dung thường gặp như điều khoản trong hợp đồng lao động; quy định về thời gian thử việc, thời gian làm việc, chế độ nghỉ ngơi; chế độ BHXH (mức đóng, hình thức đóng, hưởng BHXH một lần…), BHYT, trợ cấp thất nghiệp; các chế độ trong quá trình ốm đau, thai sản… Qua đó, NLĐ có thể hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công ty, xí nghiệp; góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, nội quy lao động, giảm số vụ việc tranh chấp lao động tập thể, đình công, lãn công.
Ông Nguyễn Tài Soa, Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐ-TB-XH), cho biết: “Trên thực tế, ở nhiều nơi, nhất là trong các doanh nghiệp, NLĐ chưa quan tâm tìm hiểu pháp luật lao động nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình. Họ chỉ chú trọng đến những nhu cầu cơ bản khi đi làm ở công ty như tiền lương, ngày công lao động, thu nhập tăng thêm, chế độ bảo hiểm. Những nội dung quan trọng khác có liên quan mà NLĐ ít chú ý như điều kiện lao động, môi trường lao động, giải quyết tai nạn lao động (nếu có), an toàn lao động, vấn đề lao động nữ, vấn đề xử lý kỷ luật lao động. Ngoài ra, một phần do yếu tố khách quan về thời gian, phương tiện, con người… nên người sử dụng lao động cũng chưa thật sự quan tâm nhiều đến việc giúp NLĐ hiểu biết cặn kẽ về pháp luật lao động”.
Vì vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho NLĐ, sự phối hợp, tạo điều kiện của người sử dụng lao động trong việc nâng cao kiến thức pháp luật cho CNLĐ tại doanh nghiệp là một trong những biện pháp quan trọng góp phần hạn chế tình trạng ngừng việc tập thể, lãn công, đình công không đúng quy định.
Thời gian tới, Công đoàn tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng, các ngành LĐ-TB-XH, BHXH... phổ biến, giáo dục pháp luật lao động theo hướng đa dạng hóa hình thức, nội dung phù hợp theo từng nhóm đối tượng; trong đó, tập trung khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, những doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn; đồng thời chú trọng bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở.
Ông Hồ Hồng Nam, Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ tỉnh |
NGỌC HÂN