Thứ Bảy, 11/01/2025 16:57 CH
Chuyện ông Thanh nuôi dê làm giàu
Thứ Sáu, 02/06/2017 14:31 CH

Ông Nguyễn Thanh (áo trắng) cùng vợ và con trai - Ảnh: CTV

Nuôi dê, nuôi cừu, nuôi gà Đông Tảo, trồng dừa, ấp trứng, kinh doanh quán ăn… là mô hình kinh tế tổng hợp mà ông Nguyễn Thanh (xã Hòa An, huyện Phú Hòa) đang thực hiện và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hàng ngày, công việc luôn tay, hết việc nọ đến việc kia nhưng trong giọng nói của ông, thời gian và công việc vất vả không làm phai nhạt đi cốt cách của một nhà giáo.

 

Xông xáo làm kinh tế

 

Trên con đường dẫn vào trang trại ở xã Hòa An, huyện Phú Hòa, hỏi nhà ông Nguyễn Thanh nuôi dê ai cũng biết. Tuổi ngoài thất thập (ông sinh năm 1945), nhưng ông Thanh vẫn còn sức khỏe và làm kinh tế giỏi. Ông hiện có khoảng 5ha đất trang trại, và là người nuôi dê, nuôi cừu với số lượng lớn với mức thu nhập vài trăm triệu đồng/năm.

 

Khởi đầu chỉ với 2 con dê, đến nay, ông Thanh có đến 500 con dê và cừu. Ngoài khu vực trang trại dùng để tập kết dê thịt, chăm sóc dê mới sinh, trồng rau cỏ và nuôi gà Đông Tảo tại xã Hòa An, ông Thanh còn một trang trại khác ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) là điểm nuôi chính. Nhờ nuôi dê chăn thả ở ven đồi núi, dê tự tìm thức ăn nên ông Thanh chỉ tốn công chăm sóc mà hiệu quả kinh tế mang lại tương đối cao.

 

Ông Thanh cho biết khoảng 7-8 năm trước, khi người nuôi dê lao đao vì giá dê lao dốc thì ông lại có nguồn lợi lớn nhờ biết nắm bắt cơ hội từ cách nghĩ khác người. Bởi trước khi dê tụt giá thê thảm là thời kỳ cao điểm giá dê tăng đến chóng mặt. Thấy dê có giá, nhiều nhà nuôi dê giữ lại chờ tăng giá hoặc mua thêm để trữ bán kiếm lời. Ngay thời điểm cao giá nhất, có bao nhiêu dê, ông Thanh đều bán hết để thu hồi vốn. Khi những con dê cuối cùng của gia đình ông được thương lái mua đi, giá dê đột ngột giảm, rồi giảm không phanh, chạm đáy, nhiều gia đình nuôi dê phải bán đổ bán tháo vì không thể duy trì đàn. Riêng ông Thanh, nhân lúc giá dê xuống thấp, ông đánh xe vào Ninh Thuận mua hàng trăm con dê chỉ với 50 triệu đồng rồi về gầy lại đàn. Sau vài năm củng cố được đàn dê, giá dê thương phẩm bắt đầu tăng trở lại. Dê núi của gia đình ông Thanh có mặt ở rất nhiều nhà hàng, quán ăn trong tỉnh với giá dao động từ 90.000-130.000 đồng/kg.

 

Từ đàn dê ban đầu, số lượng dê của gia đình ông Thanh không ngừng phát triển. Hiện tại, ông Thanh thuê 20 lao động làm công ở hai trang trại. Không chỉ tập trung vào vật nuôi chủ lực là con dê, ông Thanh còn nuôi thêm gà ta, gà Đông Tảo, trồng dừa Bến Tre, nuôi 200 con cừu, bán thịt, sữa dê và mua máy ấp trứng gà để phục vụ sản xuất.

 

Luôn hướng công việc làm ăn của mình đến sự lâu dài, bền vững và an toàn, ông Thanh hạn chế sử dụng nguồn thức ăn sản xuất từ nhà máy mà tìm thức ăn có sẵn trong tự nhiên. Vì vậy, tất cả vật nuôi của ông chủ yếu ăn rau cỏ, lúa. “Ngày trước, tôi làm để lo cho con. Giờ con cái đã trưởng thành, cơ ngơi của mình gây dựng bấy lâu nay không đứa con nào theo đuổi. Nên già thì già nhưng tôi vẫn phải làm, mà đã làm thì phải chín chắn, có tâm”, ông Thanh tâm sự.

 

Nhận xét về mô hình chăn nuôi tổng hợp của ông Thanh, ông Nguyễn Siêng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, cho biết: “Hiện tại, Phú Hòa có khoảng 4-5 mô hình nuôi dê với số lượng lớn; trong đó, gia đình ông Thanh sở hữu nhiều dê nhất. Do đảm bảo được đầu ra nên mô hình này mang lại hiệu quả rõ rệt”.

 

Giữ cốt cách nhà giáo

 

Quán dê Chóp Chài (TP Tuy Hòa) mà khá nhiều người biết đến là quán của gia đình ông Nguyễn Thanh. Mặc dù quán làm ăn khấm khá, thuê nhiều người giúp việc nhưng vợ chồng ông Thanh vẫn phụ trách chính.

 

Khi các con đã thành đạt, tất bật với cuộc sống riêng, mặc dù vẫn xông xáo làm kinh tế nhưng ông Thanh có cách để giữ cho mình một cuộc sống bình lặng, thư giãn tuổi già. Giữa một trang trại với cơ man gà, vịt, dê, ông Thanh dành một góc nhỏ để làm “thư phòng”. Ở đó có sách, có rất nhiều hình ảnh đã cũ, là dấu mốc cho nhiều sự kiện trọng đại của gia đình ông.

 

Những khung ảnh đen trắng nằm im lìm nhưng chứa đựng nhiều kỷ niệm, lâu lâu, khi có ai hỏi đến, những ký ức ngày xưa bỗng ùa về. Đó là ký ức về một tuổi thơ êm đềm. Lớn lên, ông được mẹ cho đi học Trường trung cấp Sư phạm Quy Nhơn. Tại đây, ông gặp và yêu cô sinh viên cùng quê, là vợ của ông bây giờ. Ra trường, cả hai vợ chồng đều đi dạy. Cuộc sống gắn bó được với nghề giáo. Vợ chồng ông Thanh làm đủ nghề để mưu sinh và phát triển kinh tế, nuôi các con ăn học; tất cả đều tốt nghiệp đại học, trên đại học.khốn khó, hai người không.

 

Những nốt chai sần càng ngày càng dày lên trên đôi tay cầm cuốc, cầm cày, khuôn mặt ngày càng khắc khổ. Tuy vậy, cốt cách của một nhà giáo vẫn còn toát lên trên gương mặt, phong thái của một người mới nhìn ngỡ như lão nông.

 

Ông Thanh trầm tĩnh và điềm đạm với mọi người. Với người lạ, khách quen hay với những người làm công cho mình, ông lúc nào cũng nói năng nhẹ nhàng. Buổi sáng, ông chạy hết chỗ này đến chỗ nọ, cắt đặt công việc, dặn dò người làm, tính toán sổ sách rành mạch đâu ra đó. Còn thời gian rảnh, ông về với góc riêng của mình, thư giãn với thú vui sưu tầm đồ cổ. Để thỏa niềm đam mê, ông Thanh còn đưa nguyên một căn nhà cổ mái chái về khuôn viên nhà mình làm nơi thờ cúng.

 

Con cái thành đạt, kinh tế dư dật là quả ngọt của nhiều năm tháng ông Thanh ra sức lao động. Trong thành quả ấy có mồ hôi, gian khổ và ước mơ cháy bỏng về tương lai tươi sáng cho các con. Để đến giờ, trong giọng nói trầm ấm của ông Thanh, thời gian và công việc vất vả không làm phai nhạt đi cốt cách của một nhà giáo thành công trong công việc và cuộc sống. 

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek