Thời gian qua, công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại các doanh nghiệp trong tỉnh được quan tâm đầu tư, góp phần cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ. Tuy nhiên, ở một số đơn vị, vấn đề này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Vậy cần phải làm gì để công tác ATVSLĐ được thực hiện tốt hơn trong thời gian tới? Báo Phú Yên đã ghi lại một số ý kiến của lãnh đạo đơn vị, ngành chức năng và người lao động.
ÔNG NGUYỄN HOÀNG PHÚC, PHÓ TRƯỞNG BAN QUẢN LÝ KHU KINH TẾ PHÚ YÊN: Người sử dụng lao động cần chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về ATVSLĐ
Thời gian qua, công tác ATVSLĐ được các doanh nghiệp quan tâm cải thiện gắn với phòng cháy chữa cháy; mạng lưới vệ sinh viên từng bước được kiện toàn và phát huy. Bên cạnh đó vẫn còn các doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật. Vì thế, một số vụ tai nạn lao động đã xảy ra, đặc biệt là vụ tai nạn nghiêm trọng tại Công ty CP Foodtech chi nhánh Phú Yên làm 5 người chết vào đầu năm 2017.
Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên đã và đang phát động hưởng ứng Tháng hành động ATVSLĐ lần thứ I/2017 tại 3 khu công nghiệp trong tỉnh, kêu gọi các doanh nghiệp nâng cao vai trò, trách nhiệm, đảm bảo các điều kiện về ATVSLĐ cho NLĐ; đề nghị các doanh nghiệp ký vào bản cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về ATVSLĐ giữa người sử dụng lao động với cơ quan quản lý trực tiếp. Đồng thời cùng tham gia với đoàn kiểm tra liên ngành giám sát việc thực hiện các quy định nội dung, biện pháp ATVSLĐ tại các doanh nghiệp trong tỉnh; có phương án khắc phục, kiến nghị ngay những tồn tại của doanh nghiệp nếu có. Để tránh tình trạng tai nạn lao động xảy ra, người sử dụng lao động cần chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về ATVSLĐ.
ÔNG NGUYỄN ĐÌNH DŨNG, PHÓ GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH HOÀNG LONG VINA: Thực hiện đầy đủ cam kết không để xảy ra mất ATVSLĐ trong sản xuất kinh doanh
Việc đảm bảo ATVSLĐ luôn được công ty quan tâm, đặt lên hàng đầu, thực hiện đầy đủ các cam kết không để xảy ra mất ATVSLĐ trong sản xuất kinh doanh. Hàng năm, công ty đều có kế hoạch thực hiện các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc như: Thực hiện công khai, minh bạch trong kiểm định máy, thiết bị, vật tư có tính chất yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân và thực hiện đúng, đủ chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với NLĐ; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc phát hiện bệnh nghề nghiệp cho NLĐ; hướng dẫn và yêu cầu NLĐ chấp hành, tuân thủ các quy định, nội quy ATVSLĐ liên quan đến công việc được giao; phối hợp với công đoàn cơ sở xây dựng mạng lưới an toàn - vệ sinh viên…
Ngoài ra, công ty còn thực hiện việc tuyên truyền, huấn luyện, phổ biến pháp luật, kiến thức nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy cho NLĐ; tổ chức cho các bộ phận, cán bộ, công nhân viên ký cam kết không vi phạm ATVSLĐ-PCCN, coi đây là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, bình xét, khen thưởng cuối năm.
ANH TRƯƠNG NGỌC NGHÌN, CÔNG NHÂN CÔNG TY TNHH KÍNH MẮT SÀI GÒN: An toàn lao động là an toàn cho chính mình
Trong quá trình tham gia sản xuất, bản thân tôi luôn ý thức chấp hành các quy định của công ty trong công tác bảo hộ lao động, đảm bảo ATVSLĐ. Chủ động đề xuất, kiến nghị với ban chấp hành công đoàn và lãnh đạo doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi NLĐ như tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật đối với NLĐ, tổ chức khám sức khỏe định kỳ lên 2 lần/năm. Mỗi khi chuẩn bị vào ca làm việc, tôi cùng đồng nghiệp luôn nhắc nhau kiểm tra các dụng cụ bảo hộ lao động như giày, mũ, quần áo theo quy định. Tôi luôn ý thức nâng cao tay nghề, thận trọng trong quá trình vận hành máy móc để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra... Bởi vì tuân thủ quy trình vận hành máy là để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc.
TRUNG TÁ ĐÀO THẾ HẢI, PHÓ TRƯỞNG PHÒNG CẢNH SÁT PCCC-CNCH CÔNG AN TỈNH: Không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống cháy nổ
Hàng năm, cùng tham gia với đoàn kiểm tra liên ngành ATVSLĐ tại nhiều doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy vẫn còn một bộ phận không nhỏ đơn vị, doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm tới công tác phòng cháy chữa cháy. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải đầu tư, trang bị các phương tiện phòng cháy chữa cháy còn thiếu hoặc chưa đạt yêu cầu… Bên cạnh đó, một bộ phận NLĐ, chủ doanh nghiệp còn chủ quan trong việc quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt. Cụ thể là chưa tắt các nguồn điện khi ngừng hoạt động sản xuất, hệ thống điện trong doanh nghiệp nhỏ lẻ chưa bảo đảm an toàn, để các chất dễ cháy nổ gần nguồn lửa hay một số cơ sở sang chiết gas chưa bảo đảm an toàn. Đây chính là những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao, do đó, không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống cháy nổ.
NGỌC HÂN (thực hiện)