Thứ Ba, 01/10/2024 11:23 SA
Cùng bảo vệ trẻ khỏi bị đuối nước
Thứ Ba, 09/05/2017 08:10 SA

Mùa hè, phụ huynh cần cẩn trọng khi cho con trẻ đi tắm ở biển, sông, suối - Ảnh: KIM CHI

Chỉ trong tuần đầu của tháng 5, nhiều vụ đuối nước đã xảy ra tại các địa phương trên cả nước với gần 10 em chết do đuối nước, trong đó có Phú Yên. Điều đó có nghĩa, dù tắm biển, sông, suối, ao hồ…, nếu không biết bơi, không cẩn thận thì ai cũng có thể bị đuối nước.

 

Theo Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), hầu hết trẻ em bị đuối nước là do công tác tuyên truyền phòng ngừa ở nhiều địa phương gần như bị bỏ quên.

 

Đuối nước xảy ra liên tục

 

Tại Phú Yên, ngày 1/5, em N.X.T, trú phường 2, TP Tuy Hòa, cùng bạn đến bờ biển phường 9 chơi rồi xuống tắm. Vì không biết bơi nên T bị sóng biển cuốn ra xa, đến hơn 30 phút sau mới được sóng đẩy vào bờ, mọi người cố gắng cứu nhưng em đã tử vong. Hay trước đó, trong lúc đi dã ngoại cùng trường, một thầy giáo ở huyện Tuy An cũng đã tử vong do đuối nước.

 

Mới đây nhất, ngay trưa 5/5, em M.V.V (14 tuổi, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) cùng hai người bạn ra sông Thương tắm. Trong lúc vui đùa ở đoạn cầu ngầm thuộc xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng, em V bị thụt chân xuống một hố hút cát rất sâu rồi chìm. Hai người bạn thấy V bị nạn liền lên bờ hô hoán người cứu giúp nhưng V đã tử vong.

 

Tại TP Hải Phòng, ngày 4/5, khu vực sông Lạch Tray, 8 học sinh của Trường THCS Đồng Hòa rủ nhau đi tắm sông. Trong đó, hai em P và V (học lớp 8 Trường THCS Đồng Hòa) dù bơi chưa thành thạo nhưng vẫn ra sông tắm, hậu quả cả hai chết đuối.

 

Tại Thái Nguyên, chiều 2/5, 6 học sinh lớp 12 rủ nhau ra sông Cầu (huyện Phú Bình) để tắm và chụp ảnh thì bị nước cuốn. Người dân chỉ kịp cứu được 3, 3 học sinh còn lại chết đuối. Tối cùng ngày, thi thể của 3 học sinh chết đuối đã được đưa về nhà.

 

Nguyên nhân của những cái chết thương tâm nói trên ít nhiều do cha mẹ thiếu sự quan tâm, quản lý và các em còn ham chơi, chưa nghĩ đến hậu quả. Trong khi đó, các điểm vui chơi giải trí cho trẻ tại các địa phương còn thiếu, hình thức vui chơi chưa phong phú. Ngoài ra, ở những nơi có ao, hồ ít có biển cấm, biển báo độ sâu. Nhiều gia đình cho các em đi tắm, nghịch nước khi không có sự giám sát của người lớn.

 

Cảnh giác và quan tâm nhiều hơn tới trẻ

 

Hàng năm, chuẩn bị bước vào hè, Bộ LĐ-TB-XH đều phối hợp với Tổ chức UNICEF tại Việt Nam phát động chương trình phòng chống đuối nước ở trẻ em với mục tiêu giảm số trẻ tử vong do đuối nước, đặc biệt trong những tháng nghỉ hè. Chương trình khởi động với nhiều hoạt động tuyên truyền phong phú nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống đuối nước, đồng thời huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng trong phòng chống đuối nước trẻ em.

 

Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, trẻ em là lứa tuổi dễ bị tổn thương, dễ xảy ra các tai nạn thương tích, đuối nước và nhiều loại tai nạn khác. Do đó, để đảm bảo an toàn khi đi bơi, đi tắm mùa nắng nóng, điều quan trọng nhất vẫn là người lớn cảnh giác, quan sát kỹ trẻ và không được lơ đễnh bất cứ giây phút nào khi trẻ ở dưới nước.

 

Để đảm bảo mọi trẻ em đều an toàn trong mùa hè này, UBND tỉnh đã đề nghị các cấp ngành thực hiện “Mùa hè an toàn”; triển khai tốt việc bàn giao, quản lý, giám sát trẻ em trong dịp nghỉ hè để giảm thiểu tối đa về xâm hại, bạo lực trẻ em; đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông; tổ chức các hoạt động vì trẻ em thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm; gắn với các sự kiện khác tạo hiệu ứng truyền thông về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

 

Bà Phạm Thị Minh Hiền cho biết từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 10 trường hợp tử vong do đuối nước. Đây là con số đáng báo động. Triển khai kế hoạch của UBND tỉnh về tổ chức “Mùa hè an toàn”, Sở LĐ-TB-XH đã chỉ đạo Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em - Bình đẳng giới, Trung tâm Công tác trẻ em, Phòng LĐ-TB-XH các huyện, thị xã, thành phố từ đầu tháng 5 tổ chức truyền thông về kỹ năng tự bảo vệ mình trước tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước đến phụ huynh, học sinh và cán bộ, cộng tác viên làm công tác dân số, trẻ em; tổ chức diễn đàn Trẻ em năm 2017, lồng ghép nội dung phòng chống tai nạn đuối nước để trẻ em có thể tự bảo vệ mình.

 

Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em đưa ra 8 khuyến cáo để các bậc phụ huynh phòng tránh đuối nước cho con em mình như: Không cho trẻ đi tắm, bơi ngoài sông, suối mà không có người lớn biết bơi đi kèm; nên rào quanh ao, hố nước, hố sâu, để tránh các em khi chơi đùa bị ngã, rơi xuống; nên lấp kín các hố, rãnh nước sau khi sử dụng; làm nắp đậy chắc chắn, an toàn cho giếng, bể nước, chum vại; nên có người lớn đưa trẻ đi học trong mùa mưa lũ, nhất là khi phải đi qua suối, sông; mặc áo phao cho trẻ khi đi thuyền; nên tập bơi cho trẻ; sơ cứu trẻ khi bị đuối nước bằng cách để trẻ nằm ngửa, đầu nghiêng một bên, sau đó làm sạch và thông đường thở bằng cách móc, hút hết bùn đất trong miệng, mũi của trẻ, móc họng cho nôn hoặc ép lồng ngực và bụng cho trẻ trào nước ra. Nếu trẻ ngưng thở, cần tiến hành hô hấp nhân tạo hà hơi thổi ngạt ngay lập tức và kiên trì nhiều lần. Dùng hai tay chồng lên nhau ép lên lồng ngực ngoài tim, ép 100 lần/phút, tần suất ép tim 15 lần kết hợp hai lần thổi ngạt. Chỉ bỏ cuộc khi đã hô hấp nhân tạo được hai tiếng mà không thấy trẻ phục hồi. Khi tỉnh lại, trẻ sẽ nôn ra nước, do vậy phải để trẻ ở tư thế an toàn, kê gối dưới hai vai trẻ, nới rộng quần áo, phòng cho trẻ không bị ngạt trở lại vì sặc chất nôn của chính mình. Giữ ấm cho trẻ và chuyển trẻ đến cơ sở y tế sau khi được sơ cứu và phục hồi.

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek