Bệnh dại do vi rút dại gây ra. Vi rút dại truyền vào người qua vết cắn của chó, mèo, chuột bị dại (chủ yếu vẫn là chó, còn các loại súc vật khác ít gặp). Bệnh dại khi đã phát bệnh thì 100% tử vong, biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là không để chó cắn và khi bị chó cắn cần tiêm phòng dại.
Theo thống kê, năm 2016, cả nước có 91 người bị chó cắn không tiêm phòng nên bị bệnh và tử vong. Còn trong 3 tháng đầu năm 2017, cả nước có 12 người bị dại và tử vong. Các trường hợp bệnh nhân bị tử vong đều không tiêm phòng sau khi bị chó cắn. Trong đó, trên 65% chủ quan cho rằng chó nhà không bị dại và khi cắn chó không có biểu hiện dại; từ 15-20% sau khi bị chó cắn nhưng không biết chó chạy đi đâu, không theo dõi được chó nên không tiêm phòng; số còn lại do các nguyên nhân khác.
Ở nước ta, nhiều người nuôi chó để giữ nhà, thiếu quản lý và nguy hiểm nhất là để chạy rông. Hơn nữa, ở các địa phương hầu hết không quản lý được đàn chó, từ đó không thể tiêm chủng đầy đủ. Tại Phú Yên, theo Chi cục Thú y, tỉ lệ chó được tiêm chủng chỉ chiếm 20%. Như vậy, còn đến 80% chó nuôi không được tiêm chủng. Chó không được tiêm chủng, lại thả chạy rông ngoài đường, là hiểm họa rình rập người dân.
Thật đau lòng khi năm 2016, tại Phú Yên đã có 4 trường hợp bệnh nhân dại tử vong ở huyện Tuy An. Đau đớn hơn nữa là có bệnh nhân nghe lời khuyên của người khác đi tìm thầy lang để chữa trị dẫn đến phát bệnh và tử vong.
Hiện nay bước vào mùa nắng nóng nhiệt độ khá cao 30-310C, có ngày nhiệt độ ngoài trời xấp xỉ 390C. Thời tiết nắng nóng khiến nguy cơ chó bị dại tăng cao. Nhiệt độ cao, nắng nóng làm cho chó trở nên hung hãn hơn, dễ bị kích động hơn lại được thả rông nên khi gặp người, chó rất dễ tấn công. Chỉ vài tháng gần đây, số người đến các cơ sở y tế trong tỉnh tiêm phòng dại do bị chó cắn khá cao. Điều này vừa mừng nhưng cũng đáng lo. Mừng là người dân đã nhận thức khá tốt về bệnh dại nên khi bị chó cắn họ đi tiêm phòng ngay. Lo là số người bị chó cắn nhiều cho thấy chó thả chạy rông ngoài nhiều, thiếu sự quản lý của người nuôi.
Để giúp người dân có các biện pháp phòng ngừa chó cắn, tiêm phòng dại khi bị chó cắn, chúng tôi đưa ra một số khuyến cáo sau đây:
Người nuôi chó phải tuân thủ các khuyến cáo của cơ quan thú y như: Phải tiêm chủng cho chó, không để chó chạy rông ngoài đường bởi khi chó chạy rông cắn người thì chủ chó phải có nghĩa vụ đối với người bị cắn theo luật định, khi cho chó ra ngoài đường cần mang rọ mõm cho chó. Đồng thời nuôi chó phải đảm bảo vệ sinh, tắm rửa cho chó, xử lý phân chó, không để chó đại tiểu tiện bừa bãi dễ lây truyền một số bệnh khác cho người như giun sán chó, bệnh giun đũa chó lạc chủ và làm mất mỹ quan đô thị, thôn xóm…
Các cơ quan chức năng cần có biện pháp khả thi quản lý được đàn chó nuôi ở địa phương, tổ chức tuyên truyền vận động để người nuôi chó đem chó đến tiêm chủng. Tổ chức dịch vụ tiêm chủng cho chó thuận lợi, tạo điều kiện cho chủ chó dễ tiếp cận dịch vụ thú y. Đặc biệt phải có chế tài đủ mạnh như xử phạt nặng những người nuôi chó không tuân thủ khuyến cáo của cơ quan thúy y.
Người dân cần cẩn thận khi tiếp cận những nơi nhiều chó, chó chạy rông, không có những hành động như dọa chó, kích động chó làm cho chó trở nên hung hãn. Khi bị chó cắn theo quan điểm của cá nhân tôi thì nên đến cơ sở y tế để được tư vấn giúp đỡ. Những trường hợp vết cắn sâu, phức tạp, nhiều vết, vết cắn gần những nơi như đầu, mặt, cổ phải khẩn trương rửa vết cắn với nước và xà phòng, đồng thời đến ngay cơ sở y tế để được tiêm huyết thanh kháng dại và vắc xin phòng dại. Đặc biệt, người bị chó cắn nếu không biết chó cắn mình ở đâu để theo dõi thì sau khi bị cắn nên đi tiêm phòng ngay.
Riêng cơ quan y tế cần chuẩn bị đầy đủ vắc xin và huyết thanh kháng dại để đáp ứng nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu huyết thanh kháng dại và vắc xin phòng dại, nhất là vào mùa nắng nóng như hiện nay. Khi bị chó cắn cần đến ngay cơ sở y tế để được giúp đỡ, không được chủ quan, ngại mất thời gian hay chần chừ để xảy ra những điều đáng tiếc.
BS NGUYỄN VINH QUANG
Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên