Bữa ăn ca tại doanh nghiệp có vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, năng suất làm việc của người lao động (NLĐ). Chính vì vậy, công đoàn các cấp đã đưa bữa ăn vào nội dung đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể. Nhờ thế góp phần đảm bảo chất lượng, an toàn cho bữa ăn ca của NLĐ.
Đảm bảo chất lượng bữa ăn ca
Nhận thức rõ tầm quan trọng của bữa ăn ca ảnh hưởng đến sức khỏe, năng suất làm việc của NLĐ, nên từ khi thành lập, Công ty TNHH Công nghiệp Semco (Khu công nghiệp Hòa Hiệp), đơn vị có 100% vốn của nước ngoài, đã đầu tư xây dựng bếp ăn tập thể và tổ chức bữa ăn ca cho hơn 300 cán bộ, nhân viên và NLĐ. Với mức hỗ trợ là 13.000 đồng/suất ăn, bữa ăn luôn được bảo đảm cả về lượng và chất. Theo chị Nguyễn Thị Sáu, Bếp trưởng nhà ăn của công ty này, thực đơn đều được thay đổi mỗi ngày, mỗi bữa ăn đều có đủ 3 món (canh, xào, mặn). Nhà bếp thường xuyên thăm dò nhận xét, góp ý từ phía NLĐ để từ đó lựa chọn, bổ sung thêm nhiều món mới, điều chỉnh trong cách chế biến cho hợp khẩu vị, giúp anh chị em có bữa ăn ngon, đủ dinh dưỡng. “Không chỉ đảm bảo dinh dưỡng cho bữa ăn, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được công ty đặt lên hàng đầu. Tất cả nguyên liệu thực phẩm đầu vào trước khi chế biến thức ăn đều được kiểm tra chặt chẽ về nguồn gốc, chất lượng. Các món sau khi chế biến được kiểm tra, lưu mẫu; dụng cụ sơ chế, chế biến thức ăn luôn được vệ sinh sạch sẽ… Nhờ làm tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, nên nhiều năm qua, công ty không để xảy ra ngộ độc thực phẩm”, bếp trưởng Nguyễn Thị Sáu vui vẻ nói.
Với chủ trương luôn luôn đảm bảo chất lượng từng bữa ăn ca cho NLĐ, ông Trương Tấn Lực, Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch CĐCS Công ty CP PYMERPHACO, chia sẻ: “Hàng ngày, nhà bếp công ty phải phục vụ khoảng 600 phần ăn cho công nhân. Vì vậy, tất cả 14 nhân viên của nhà bếp đều có chứng chỉ về nấu ăn, hơn một nửa trong số đó là dược tá. Các nhân viên thay phiên nhau đến chợ lựa chọn thực phẩm đủ dùng trong ngày. Thực phẩm không trữ lâu nên luôn đảm bảo độ tươi sống và không bị mất chất dinh dưỡng. Nơi chế biến thực phẩm được thiết kế theo quy trình một chiều. Nhà bếp, phòng ăn, khu chế biến thức ăn sống, thức ăn chín được bố trí riêng biệt, thoáng mát. Ngoài ra, nhà bếp ưu tiên lựa chọn thực phẩm tự nhiên, không sử dụng những sản phẩm công nghiệp và đảm bảo khẩu phần ăn hàng ngày đủ calorie, chất đạm, rau xanh để anh em có đủ sức khỏe làm việc”.
Anh Huỳnh Thế Nhật, nhân viên Công ty CP PYMERPHACO, nói: “Tôi vào làm từ khi công ty mới thành lập, các bữa ăn đều được nhà bếp chế biến ngon, sạch sẽ, các món ăn được thay đổi hàng ngày và yên tâm nhất là thực phẩm được kiểm tra thường xuyên nên ăn uống thấy ngon miệng”. Còn chị Trương Thị Thu Thủy, công nhân Công ty TNHH Công nghiệp SemCo, cho biết: “Tôi đang mang thai nên rất cần ăn đủ no và đảm bảo dinh dưỡng để đủ sức làm việc và nuôi dưỡng thai nhi. Tôi thấy hiện nay ăn cơm trong công ty khá ngon, thực đơn đổi món mỗi ngày, hợp khẩu vị. Nhà bếp được tổ chức gọn gàng, sạch sẽ, trước khi vào ăn có bồn rửa tay, khăn lau sạch sẽ”.
Công đoàn quan tâm thiết thực
Để cụ thể hóa nghị quyết của Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ tỉnh đã xây dựng chương trình thực hiện, triển khai đến từng CĐCS nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn ca ngày càng tốt hơn. Theo đó, từ năm 2016 trở đi, các CĐCS trong khu vực doanh nghiệp và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (tại nơi chưa thành lập CĐCS) khi tiến hành đối thoại, thương lượng tập thể, cần phải đưa nội dung bảo đảm bữa ăn ca của NLĐ với mức thấp nhất là 15.000 đồng (khuyến khích nâng mức bữa ăn cao hơn) vào thỏa ước lao động tập thể. Đặc biệt, công đoàn cấp trên có thể khởi kiện người sử dụng lao động nếu để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm đối với tập thể NLĐ.
Chị Nguyễn Thị Siêng, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Công nghiệp SemCo, cho hay: “Ban chấp hành CĐCS chính là cầu nối giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ. Công đoàn thường xuyên giám sát bếp ăn, quan tâm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như những góp ý của NLĐ. Qua đó kịp thời đề xuất với người quản lý bếp có những điều chỉnh trong việc nâng cao chất lượng bữa ăn. Bữa ăn đủ chất và bảo đảm an toàn vệ sinh cũng là tiêu chí ban chấp hành công đoàn công ty đề ra”.
Theo Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Thu Vân, để đảm bảo chất lượng bữa ăn ca cho NLĐ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mỗi doanh nghiệp đều có bộ phận an toàn vệ sinh viên.
Hàng năm, bộ phận này tiến hành kiểm tra, cấp giấy chứng nhận bảo đảm an toàn vệ sinh cho bếp ăn. Còn về phía công đoàn thì thường xuyên tuyên truyền Luật An toàn vệ sinh thực phẩm, cung cấp kiến thức khoa học trong việc sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn. Việc doanh nghiệp hỗ trợ bữa ăn ca giúp NLĐ tiết kiệm thời gian, tiền bạc, có thêm thời gian nghỉ ngơi và bắt tay vào làm việc hiệu quả hơn. “Hầu hết doanh nghiệp trong khu công nghiệp có đông lao động đều thực hiện bữa ăn ca. Chất lượng bữa ăn ca ngày càng được nâng lên rõ rệt. Điều đặc biệt là những người phục vụ bữa ăn ca nấu ăn bằng cả cái tâm, cái tình, nấu cho công nhân như nấu cho người nhà mình ăn vậy”, bà Vân tâm đắc.
Hưởng ứng Tháng An toàn vệ sinh lao động lần thứ I năm 2017 (diễn ra từ ngày 1-30/5/2017), các cấp công đoàn cần chủ động tham gia với người sử dụng lao động thực hiện nghiêm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, quan tâm chăm lo sức khỏe, bữa ăn ca của NLĐ; đưa nội dung đảm bảo bữa ăn ca của NLĐ vào nội dung đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể. Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên thanh tra, kiểm tra định kỳ đối với các bếp ăn tập thể, các nhà hàng cung cấp thực phẩm nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm. Các doanh nghiệp cần tự giác thực hiện tốt các chế độ, chính sách, quan tâm chăm lo đến đời sống, cải thiện bữa ăn để NLĐ có sức khỏe, yên tâm làm việc, mang lại hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, tạo nên thương hiệu của đơn vị mình.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Thu Vân |
NGỌC HÂN