Mặc dù các đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp nhưng đến nay, tỉ lệ hộ dân tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) theo hộ gia đình trên địa bàn tỉnh chưa cao. Đặc biệt, ở các khu vực miền núi, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh, con số này còn thấp hơn.
Nhiều khó khăn
Trong giai đoạn 2012-2016, trên địa bàn tỉnh có 263 thôn, buôn đặc biệt khó khăn. Người dân ở những vùng này được Nhà nước cấp thẻ BHYT 100%. Đến nay, chương trình cấp thẻ trong giai đoạn trước đã hết nhưng việc xác định thôn, buôn nào còn thuộc diện đặc biệt khó khăn hay không trong giai đoạn tiếp theo chưa được Chính phủ phê duyệt. Điều này cũng đồng nghĩa, người dân ở đây phải tự bỏ tiền mua thẻ BHYT. Theo BHXH tỉnh, số người dân sống ở vùng đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang trong những năm trước, năm nay phải mua BHYT là khoảng 70.000 người. Việc này cũng đã khiến cho tổng lượng người dân tham gia BHYT trong tỉnh sụt giảm đáng kể. Vì vậy, theo BHXH tỉnh, để vận động số gia đình còn lại tham gia BHYT nhằm đạt chỉ tiêu 100% giao là một thách thức lớn đối với ngành BHXH tỉnh.
Một trong những xã được hưởng chính sách vùng đặc biệt khó khăn vào những năm trước là xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa), hiện có hơn 300 hộ dân thuộc diện phải mua thẻ BHYT. Tuy nhiên, số hộ tự nguyện mua BHYT hộ gia đình chỉ mới đạt 1/10. Chị Sô Thị Liên, cán bộ Văn phòng UBND xã Sơn Phước, cho biết: “Đối với một xã miền núi còn nhiều khó khăn như Sơn Phước thì để vận động các gia đình tham gia BHYT khi chưa có quyết định cấp thẻ miễn phí cho các xã đặc biệt khó khăn của Chính phủ là một bài toán khó. Khó khăn đầu tiên phải kể đến là địa bàn rộng, giao thông đi lại còn nhiều cách trở; cuộc sống còn nhiều khó khăn lại sinh sống ở vùng sâu, vùng xa nên việc tuyên truyền chính sách BHYT không dễ dàng. Người dân chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số nên chưa nhận thức đầy đủ về chính sách cũng như quyền lợi BHYT mang lại nên không mấy mặn mà tham gia”.
Bà Nguyễn Thị Hợp ở xã Sơn Phước là một trong nhiều người trên địa bàn xã thường xuyên phải tái khám tại các bệnh viện. Bà Nguyễn Thị Hợp tâm sự: “Tôi làm thuê nên kinh tế khó khăn. Vì vậy, từ khi Nhà nước không còn chương trình cấp thẻ BHYT miễn phí như các năm trước, gia đình tôi không có đủ điều kiện để mua BHYT cho tất cả thành viên. Những lúc bị bệnh, chẳng ai dám đi khám vì sợ không đủ tiền”.
Tập trung tháo gỡ
Theo quy định về quyền lợi của người tham gia BHYT, nếu người dân để quá 3 tháng mới mua tiếp thẻ sau thì phải chờ 30 ngày sau mới có thể tiếp tục khám chữa bệnh bằng BHYT. Mặt khác, việc gián đoạn này cũng ảnh hưởng đến những quyền lợi dành cho người mua thẻ BHYT 5 năm liên tục. Trước tình hình đó, BHXH tỉnh đã triển khai các hướng dẫn, chỉ đạo tất cả BHXH các huyện áp dụng linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp tục tham gia BHYT, không bị gián đoạn và ảnh hưởng đến quyền lợi khám, chữa bệnh.
Ông Nguyễn Dương Phương, chuyên viên BHXH huyện Đồng Xuân, cho biết: “Giải pháp trước mắt là tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và cơ quan truyền thông trên địa bàn với các hình thức, nội dung tuyên truyền đa dạng, giúp người dân hiểu, nắm rõ bản chất, vai trò, ý nghĩa và tính ưu việt của chính sách BHYT cũng như các quy định cơ bản của Luật BHYT. Theo đó, BHXH huyện Đồng Xuân ngoài tuyên truyền bằng hình thức đối thoại trực tiếp, còn kết hợp tuyên truyền rộng rãi qua các loa truyền thanh xã, thậm chí còn sử dụng phương pháp tuyên truyền bằng xe lưu động trên địa bàn các xã nhằm tuyên truyền rộng rãi và sâu sát đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn”.
Bên cạnh đó, BHXH vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hỗ trợ một phần chi phí cho số hộ gia đình có đông thành viên tham gia BHYT. Ngành BHXH và y tế tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ; ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hệ thống quản lý, cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT theo quy định. “Chúng tôi tiến hành rà soát hệ thống, mạng lưới đại lý thu BHYT trên địa bàn; tổ chức tập huấn, củng cố kiện toàn nâng cao chất lượng hệ thống đại lý thu hiện tại, kết hợp tăng cường công tác mở rộng, quản lý chặt chẽ đại lý thu BHYT, đồng thời tuyên truyền cho người dân biết để đến các đại lý thu trên địa bàn để tham gia”, ông Nguyễn Quốc Bình, Phó Giám đốc phụ trách BHXH huyện Sông Hinh, cho biết thêm.
Tuyên truyền, vận động không phải là giải pháp duy nhất nhưng là cốt lõi của BHXH tỉnh trong việc huy động các hộ trên địa bàn toàn tỉnh tham gia loại hình BHYT. Ngành chức năng cần phối hợp với các cơ quan liên quan đề nghị các cấp sớm quyết định hỗ trợ một phần ngân sách để đóng BHYT cho những hộ nghèo, hộ cận nghèo; tăng cường và phát huy vai trò của các đại lý thu BHYT trong công tác thu, phát hành thẻ, hướng dẫn và tư vấn các gia đình tham gia BHYT. Và quan trọng nhất là BHXH phối hợp với ngành Y tế, các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tốt công tác khám, điều trị cho người bệnh, đảm bảo lợi ích của người bệnh.
Ông Trần Quang Phương, Chánh Văn phòng BHXH tỉnh |
THIÊN LÝ - THẾ HOAN