Thứ Sáu, 04/10/2024 22:20 CH
Vì hạnh phúc gia đình, đất nước phát triển bền vững
Thứ Hai, 26/12/2016 07:21 SA

“55 năm truyền thống công tác DS-KHHGĐ, vì hạnh phúc mỗi gia đình, vì sự phát triển bền vững của đất nước”- đó là chủ đề chính của Ngày Dân số Việt Nam, Tháng hành động quốc gia về dân số năm 2016. Nhân dịp này, Báo Phú Yên phỏng vấn ông Vũ Ngọc Dững, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh về những thành tựu và định hướng chương trình mục tiêu trọng tâm của ngành Dân số trong thời gian tới.

 

Bác sĩ Vũ Ngọc Dững - Ảnh: TUYẾT DIỆU

* Nhân kỷ niệm 55 năm truyền thống, ngành Dân số tỉnh đã triển khai các hoạt động gì, thưa ông?

 

- Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan trên panô, áp phích, kẻ, vẽ khẩu hiệu tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ, hướng người dân có cách nhìn tổng quan cho mục tiêu chung nâng cao chất lượng dân số. Ngoài ra, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh còn phối hợp với các cơ quan báo chí phát sóng, đăng các tin, bài phản ánh kịp thời về ý nghĩa và các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số, Ngày Dân số Việt Nam để người dân nắm bắt thông tin nhanh chóng, chính xác, góp phần nâng cao nhận thức, từ đó chuyển đổi hành vi đúng đắn trong công tác DS-KHHGĐ.

 

Trong tổ chức các hoạt động tại cơ sở, Trung tâm DS-KHHGĐ các địa phương phối hợp với UBND các xã, phường và các ban ngành, đoàn thể tổ chức tọa đàm, hội thảo cung cấp thông tin về thực hiện các nội dung công tác DS-KHHGĐ trong giai đoạn hiện nay với các hoạt động như: tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, tuyên truyền lưu động, văn hóa văn nghệ, hội thi, giao lưu, nói chuyện chuyên đề…

 

Chủ đề chính của Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam năm nay là: “55 năm truyền thống công tác DS-KHHGĐ, vì hạnh phúc của mỗi gia đình, vì sự phát triển bền vững của đất nước”. Vì vậy, nhiều địa phương có dịp nhìn lại thành tựu nổi bật đạt được trong công tác dân số trong hơn 50 năm qua.

 

* Ông có thể điểm qua những kết quả đạt được của ngành Dân số tỉnh trong thời gian qua?

 

- Trước tiên phải nói đến thành tựu trong việc kiểm soát quy mô dân số và KHHGĐ. Năm 2009, Phú Yên đã đạt dưới mức sinh thay thế với tổng tỉ suất sinh là 1,96 con. Đây là kết quả lớn nhất trong mục tiêu kiểm soát và duy trì mức sinh thay thế ở mức mỗi gia đình có 2 con. Tính đến năm 2014, tuổi thọ bình quân của mỗi người dân Phú Yên là 71,6 tuổi. Hàng năm có gần 55.000 người tự nguyện chấp nhận các biện pháp tránh thai hiện đại; tỉ lệ chấp nhận các biện pháp tránh thai hiện đại là 70%. Phụ nữ khám thai và sinh con ở các cơ sở y tế chiếm gần 100%.

 

Mổ đình sản bằng phương pháp gây tê trong chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ tại xã Ea Trol (huyện Sông Hinh) - Ảnh: TUYẾT DIỆU

 

Sau khi hoàn thành xong mục tiêu lớn nhất là đạt được mức sinh thay thế, Phú Yên đã chuyển hướng tích cực sang hoạt động nâng cao chất lượng dân số. Tiêu biểu là dự án Nâng cao chất lượng giống nòi bao gồm 5 đề án đó là: Sàng lọc trước sinh và sơ sinh; Tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân; Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; Nâng cao chất lượng dân số của đồng bào dân tộc thiểu số; Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng. Hiện nay nhiều đề án đã gặt hái kết quả như: hàng năm có hơn 3.000 thai phụ khám sàng lọc trước sinh và hơn 1.000 trẻ sơ sinh được sàng lọc sơ sinh; hơn 2.500 hội viên thuộc CLB Cha mẹ và vị thành niên/thanh niên về chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục thuộc 42 CLB trên toàn tỉnh sinh hoạt đều đặn...

 

* Được biết, kết quả có được của ngành Dân số tỉnh hôm nay có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ cộng tác viên dân số ở cơ sở. Xin ông cho biết thêm về điều này?

 

- Đúng như vậy. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1.600 cộng tác viên không quản khó khăn, kiên trì phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; cung cấp các kiến thức, kỹ năng, dịch vụ KHHGĐ; thu thập thông tin biến động về DS-KHHGĐ với phương châm: đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Trong dịp kỷ niệm truyền thống ngành Dân số lần này, nhiều địa phương đã tổ chức hoạt động vinh danh cộng tác viên tiêu biểu.

 

Tuy nhiên, các kết quả mà ngành Dân số tỉnh đạt được còn do nhiều yếu tố khác đóng góp. Trước tiên đó là do sự phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội trong công tác DS-KHHGĐ. Công tác dân số đã đạt những kết quả đáng khích lệ là nhờ năng lực, sự nhiệt tình của đội ngũ cán bộ được đào tạo, tập huấn về chuyên môn và nghiệp vụ quản lý. Trong thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã phổ biến và cung cấp các thông tin kịp thời, chính xác đến với người dân về công tác dân số. Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh triển khai đồng bộ và đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm truyền thông như: Truyền thông chuyển đổi hành vi không chỉ giới hạn trong phạm vi các sản phẩm truyền thông cá nhân. Đặc biệt, mô hình chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ, cũng như lồng ghép hoạt động truyền thông DS-KHHGĐ với các hoạt động phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo. Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản/KHHGĐ đến tận người dân, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng có mức sinh cao được coi là một điểm nhấn để huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc.

 

Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh thực hiện nhiều hoạt động nâng cao chất lượng dân số - Ảnh: Chi cục DS-KHHGĐ

 

* Như vậy, ngành Dân số Phú Yên đã có cơ sở vững chắc để tiến tới các mục tiêu vì hạnh phúc mỗi gia đình, vì sự phát triển bền vững của đất nước?

 

- Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xác định công tác DS-KHHGĐ là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển của đất nước, là một trong những vấn đề kinh tế - xã hội hàng đầu ở nước ta và là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi người, của từng gia đình và toàn xã hội. Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Luật Dân số nhằm thể hiện định hướng chính sách dân số trong giai đoạn mới dựa trên các bài học và kinh nghiệm từ việc thực hiện Pháp lệnh Dân số.

 

Hiện nay, Việt Nam đã hướng đến quy mô gia đình nhỏ, mỗi gia đình có 2 con. Như vậy, ở tuổi trưởng thành, hộ gia đình có 2 con sẽ có 2 người thay thế mình làm việc cho gia đình và xã hội. Một đất nước như vậy sẽ không tăng dân số về mặt “sinh học”, song khi người già sống lâu hơn do khỏe hơn, được chăm sóc y tế tốt hơn, thì tổng dân số vẫn tăng nhưng là tăng tương đối chậm.

 

Với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, ngành Dân số đang chuyển đổi chương trình mục tiêu quốc gia “Dân số và KHHGĐ” sang chương trình mục tiêu quốc gia “Dân số bền vững và Gia đình hạnh phúc”.

 

Để người trưởng thành lấy vợ, lấy chồng và có con tự nguyện theo đúng mục tiêu nói trên, các giải pháp căn bản là: Giáo dục về nhận thức vì gia đình là cái nôi hạnh phúc, có con là hạnh phúc gia đình, vừa là trách nhiệm xã hội với đất nước. Chính sách xã hội không gây bất lợi cho người có gia đình; chính sách việc làm không gây bất lợi cho phụ nữ có con; khuyến khích gia đình hưởng thụ các dịch vụ vui chơi, giải trí xã hội…

 

Thực tế cho thấy, tất cả các nước có tỉ suất sinh dưới mức thay thế kéo dài đều gặp khó khăn lớn về duy trì tăng trưởng kinh tế, cân bằng các quỹ bảo hiểm xã hội, thiếu nhân lực chăm sóc người già. Vì vậy, Việt Nam đã chọn mục tiêu phát triển dân số là ổn định tỉ suất sinh thay thế và cân bằng giới tính khi sinh.

 

Hiện nay, ngành Dân số Phú Yên cũng đang chú trọng các hoạt động nâng cao chất lượng dân số, trong đó chú trọng các mục tiêu duy trì ổn định mức sinh thay thế, giảm thiểu mất cân bằng giới tính và già hóa dân số.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

DIỆU ANH (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek