Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Phú Yên, do ảnh hưởng của rìa bắc áp thấp nhiệt đới và nhiễu động trong gió đông trên cao, khu vực tỉnh Phú Yên đã có mưa vừa, mưa to. Lượng mưa đo được phổ biến 49,7mm-124mm.
Cụ thể tại các trạm Hà Bằng 118,4mm; Củng Sơn 77,9mm; Phú Lâm 58,2mm; Hòa Mỹ 96mm; Xuân Quang 111,5mm; Sông Cầu 91,4mm; Đa Lộc 214,5mm; Sông Hinh 75,7mm; Tuy Hòa 49,7mm. Lúc 10 giờ, mực nước trên sông Ba tại Củng Sơn: 31,97m (dưới báo động II: 0,03m), trên sông Kỳ Lộ tại trạm Xuân Quang là 22,23m (dưới báo động II: 0,77m), trên sông Bàn Thạch tại trạm Hòa Mỹ 8,34m (trên báo động I: 0,34m), tại trạm Hà Bằng là 7,06m (dưới báo động I là 0,34m). Lúc 10 giờ ngày 13/12 hồ thủy điện Krông H’Năng xả lũ với lưu lượng 798m3/s; lúc 17 giờ , hồ thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng 6.400m3/s, hồ thủy điện Sông Hinh xả lũ với lưu lượng 3.054m3/s.
Tại TP Tuy Hòa: do mưa lớn trên diện rộng và kết hợp các hồ thủy điện xả lũ nên từ sáng 13/12 nhiều tuyến đường như: Trần Hưng Đạo, Duy Tân, Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Hùng Vương, Lê Thành Phương, Lý Thường Kiệt, Trần Cao Vân… đều ngập sâu trong nước từ 0,5 đến trên 1m. Nước ngập sâu khiến các tuyến đường trong thành phố bị chia cắt cục bộ, hàng trăm xe máy, ô tô bị chết máy, nhiều nhà trên tuyến phố và các vùng trũng trong thành phố thuộc khu vực phường 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 người dân phải di dời chạy lụt, cuộc sống người dân bị đảo lộn.
Nhiều tuyến đường TP Tuy Hòa bị ngập - Ảnh: ANH KIỆT |
Ông Phan Văn Hóa, ở phường 2 cho biết: Nhà tôi sống ở đây bao đời chưa bị ngập, nay nước tràn vô nhà lênh láng. Vùng trồng hoa màu của xã Bình Ngọc cũng ngập nặng. Ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Bình Ngọc cho hay: Hiện cả vùng trồng hoa và rau màu của địa phương đều bị ngập trắng. Trong đó, 25ha hoa lay ơn trồng vụ tết chỉ mới xuống giống được hơn 1 tháng, cây mới tách được 2,5 lá. Trong những ngày tới nếu trời tiếp tục mưa và nước lũ về nhiều thì nguy cơ hoa lay ơn bị chết úng là rất cao.
Ông Nguyễn Lương Sinh, Phó Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa cho biết: Nước suối Cái dâng cao tràn qua tuyến giao thông thôn Sơn Thọ (xã Hòa Kiến) làm đường bị ngập sâu trên 1m; tại cầu chui thôn Minh Đức (xã Hòa Kiến) nước ngập sâu trên 1,5m địa phương đã cử lực lượng cắm biển báo và thông báo người dân không qua lại các khu vực này để an toàn tính mạng. Đồng thời, thành phố cũng đã chỉ đạo các phường xã trên địa bàn chuẩn bị phương châm 4 tại chỗ, ứng phó với tình hình mưa lũ.
Tại huyện Đông Hòa, Chủ tịch UBND xã Hòa Thành Nguyễn Trãi cho biết: Khoảng 10 giờ ngày 13/12, một cơn lốc xoáy bất ngờ xuất hiện kèm theo mưa to quét qua khu dân cư ở thôn Phước Bình Nam xã Hòa Thành làm 20 nhà dân ở thôn này bị tốc mái. Chính quyền địa phương đã cử lực lượng xung kích giúp dân khắc phục, sửa chữa và chằng chống lại mái nhà.
Mực nước trên sông Bàn Thạch (Đông Hòa) dâng cao - Ảnh: NGỌC MINH |
Tại huyện Phú Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Khi cho biết, trước diễn biến mưa lớn và nước dâng cao, nên trong ngày 12/12, huyện đã chủ động di dời hàng chục hộ dân ở các vũng trũng thấp thuộc xã Hòa Hội, Hòa Định Tây đến nơi an toàn. Rút kinh nghiệm từ đợt mưa lũ đầu tháng 11, huyện cũng đã huy động lực lượng đi vận động người dân ven sông Ba thuộc các xã Hòa An, Hòa Thắng di dời người và bò đến nơi an toàn.
Tai huyện Đồng Xuân: Theo BCH PCTT-TKCN huyện, từ chiều 12/12, trên địa bàn huyện có mưa to, nước sông Kỳ Lộ dâng cao làm ngập cầu cây Sung (xã Xuân Sơn Bắc, nằm trên tuyến ĐT 642 ngập) trên 1,5m. Nước lũ cũng chia cắt tuyến đường từ xã Xuân Sơn Bắc nối qua xã Xuân Thọ 2 (TX Sông Cầu). Do nước lũ lên nhanh, khu vực Cầu Chùa, xã Xuân Sơn Nam nước ngập sâu gần 1m. Tuyến đường từ thôn Phước Lộc đi Thạnh Đức (xã Xuân Quang 3) ngập sâu, xã đội phải cắm biển báo cấm người qua lại. Xóm Suối Trưởng thuộc thôn Phú Tâm (xã Xuân Quang 1) nằm trên tuyến đường ĐT 647 từ xã Xuân Quang 1 đi Phú Mỡ bị ngập sâu trong khi đó xã Phú Mỡ bị chia cắt hoàn toàn. UBND xã Xuân Quang 1, Xuân Phước, Xuân Quang 3, cử lực lượng xã đội, dân quân túc trực khu vực bị ngập không cho người qua lại đề phòng rủi ro.
Trạm Y tế xã An Hiệp (Tuy An) ngập sâu hơn 1m - Ảnh: NGỌC THẮNG |
Tại huyện Tây Hòa, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa Nguyễn Dũng cho biết: Đến 16 giờ ngày 13/12, trên địa bàn huyện này đã có 5 thôn và 4 xóm dân cư với khoảng 5.500 hộ dân bị nước lũ chia cắt. Các địa phương bị chia cắt gồm thôn Mỹ Thành, Suối Phẩn và xóm Cầu Tre thuộc xã Hòa Mỹ Tây; thôn Phú Thọ và Lạc Chỉ ở xã Hòa Mỹ Đông; thôn Lạc Nghiệp xã Hòa Bình 1; xóm Soi ở thị trấn Phú Thứ, xóm Nam Bình và xóm Lò Gạch ở xã Hòa Phú. Chính quyền các địa phương này đã cử lực lượng giúp dân kê dọn đồ đạc và sẵn sàng các phương án di dời dân trong tình huống nước lũ tiếp tục dâng cao. Đến nay, các xã Hòa Bình 1 và Hòa Bình 2 đã vận động người dân lùa bò nuôi ở khu bãi bồi sông Ba vào bờ an toàn.
Trước tình hình mưa lũ phức tạp, để chủ động phòng, tránh mưa lớn, lũ, ngập lụt, triều cường, sạt lở đất, ngày 13/12 Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công điện hỏa tốc yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và nhân dân khẩn trương nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của thiên tai chủ động tổ chức phòng ngừa thực hiện phương án 4 tại chỗ. Tăng cường công tác kiểm tra, ra soát những khu vực xảy ra thiên tai, vùng trọng điểm, xung yếu, sạt lở đất, triều cường, vùng ven sông, biển, vùng có khả năng bị ngập sâu, các công trình thủy lợi, giao thông; không được chủ quan lơ là khi đi lại trong vùng ngập lụt. Kiểm tra các công trình hồ đập, công trình đang thi công, neo đậu tàu thuyền ở bến bãi hạ lưu an toàn; nghiêm cấm người dân đi lại trong vùng nước nguy hiểm và vớt củi trên các sông suối, nhất là các địa phương dọc sông Ba khẩn trương thông báo cho dân biết; triển khai di dời người và gia súc tại các bãi bồi, cồn cát trên sông về nơi an toàn trước 17 giờ ngày 13/12; kiên quyết không để người dân tại các bãi bồi sông Ba và các vùng ngập sâu bị cô lập. Tổ chức trực ban nghiêm túc để theo dõi chặt chẽ diễn biến của lũ, lụt và triển khai các biện pháp phòng tránh, kịp thời và thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh và Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh kịp thời chỉ đạo ứng phó.
Đường Nguyễn Tất Thành bi ngập buộc các loại xe tham gia giao thông chỉ đi được một bên -Ảnh: NGỌC THẮNG |
Ngày 13/12, đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra tình hình xả lũ tại các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Theo cán bộ quản lý các nhà máy thủy điện, việc phối hợp giữa các nhà máy trong việc xả lũ lần này được triển khai chặt chẽ. Theo đó, từ 15 giờ ngày 13/12, Nhà máy thủy điện Sông Hinh xả với lưu lượng nước về lớn hơn lưu lượng nước đến; Nhà máy thủy điện sông Ba Hạ xả với lưu lượng nước xả bằng lưu lượng nước về để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.
Sau khi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các nhà máy thủy điện xả lũ mạnh để giảm bớt lượng nước tại các hồ thủy điện.
Trước khi thủy triều lên khoảng 3-4 tiếng, các thủy điện phải giảm lượng xả lũ xuống mức thấp nhất. Khi mực nước đạt đến đỉnh triều thì các nhà máy tiếp tục xả lũ với lưu lượng hợp lý để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du. Tổng lượng nước xả lũ về hạ du rất lớn nên các địa phương phải di dời dân khỏi vùng ngập lụt và thực hiện theo bản đồ ngập lụt. Để tránh tình trạng chủ quan như đợt lũ đầu tháng 11/2016, các địa phương cần lưu ý đảm bảo an toàn cho cả người và gia súc; chú ý không cho trẻ em không đi lội nước lụt để tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc. |
Mưa lớn gây ách tắc nhiều tuyến đường
Giám đốc Công ty CP Quản lý và Sửa chữa đường bộ Phú Yên Nguyễn Đức Hùng cho biết: Đến 17 giờ chiều 13/12, đơn vị này đã hoàn thành việc cho xe cẩu tháo dỡ dải phân cách tại đoạn quốc lộ 1 qua thôn Phú Tân, xã An Cư, huyện Tuy An để nước có thể thoát nhanh; đồng thời hướng dẫn cho các loại xe lưu thông phía bên trái tuyến.
Trước đó, do mưa lớn, đoạn quốc lộ 1 qua khu vực này đã bị ngập sâu từ 0,5-0,7m, gây khó khăn cho các loại xe; chỉ có xe tải mới có thể băng qua nước, còn các loại ô tô từ 4-7 chỗ phải lấn sang phần đường ngược lại.
Cũng theo ông Hùng, trong ngày 13/12, đoạn quốc lộ 1 qua phường Xuân Đài (TX Sông Cầu), thị trấn Chí Thạnh, xã An Hòa (huyện Tuy An) bị nước, đất đá tràn qua mặt đường khiến các phương tiện phải lưu thông với tốc độ chậm. Công ty CP Quản lý và Sửa chữa đường bộ Phú Yên đã khẩn trương tổ chức đảm bảo giao thông.
Theo Sở GTVT, đến cuối giờ chiều 13/12, trên ĐT642 đoạn qua xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân) nước ngập 1,3m, với đoạn dài khoảng 400m gây tắc giao thông. ĐT647 từ xã Xuân Phước đi xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân), đường tránh cầu Suối Tía ngập 1,2m, tràn Bà Đẩu ngập 0,6m, tràn La Hiêng ngập 0,7m gây tắc giao thông. ĐT643 nối quốc lộ 1 tại thôn Hòa Đa, xã An Mỹ, huyện Tuy An với ĐT650, mặt đường tại một số vị trí trong đoạn từ Km3-Km10 có nhiều đất đá sạt trượt gây lấp rãnh thoát nước, tràn ra 1/3 mặt đường, làm gãy tấm bê tông xi măng, gây khó khăn cho các phương tiện qua lại.
Cũng do mưa lớn, các hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines, Vietjet Air đã phải hủy 3 chuyến bay từ Hà Nội - Tuy Hòa - Hà Nội và TP Hồ Chí Minh - Tuy Hòa - TP Hồ Chí Minh.
Để chủ động phòng tránh mưa lũ, đảm bảo giao thông thông suốt, Sở GTVT yêu cầu các đơn vị tập trung kiểm tra các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sụt lở đất, lũ quét để có phương án phân luồng giao thông từ xa; đơn vị sửa chữa đường hường xuyên bộ chuẩn bị nhân lực, vật lực, trang thiết bị máy móc để có thể đảm bảo giao thông…
THANH HOÀI
Các trường chủ động cho học sinh nghỉ học
Trưa 13/12, hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh từ mẫu giáo đến THPT đều cho học sinh nghỉ học buổi chiều vì trời mưa quá lớn, nước từ thượng nguồn đổ về mạnh.
Cùng ngày, Sở GD-ĐT Phú Yên có văn bản khẩn gửi các phòng GD-ĐT, đơn vị trực thuộc về việc khẩn trương triển khai các phương án tránh lũ, ngập lụt. Theo đó, sở yêu cầu các đơn vị, trường học thường xuyên theo dõi thông tin, phối hợp với địa phương và các đơn vị liên quan chủ động đối phó với mưa lũ; nghiêm cấm học sinh không được đến những nơi nước lớn, các vùng trũng thấp, ven sông, suối, biển; đồng thời, yêu cầu phụ huynh quản lý chặt chẽ con em. Các trường học chủ động cho học sinh nghỉ học nếu khu vực học sinh đi lại bị nước từ các con sông tràn qua, gây nguy hiểm. Bên cạnh đó, các trường kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở vật chất, có biện pháp sơ tán các thiết bị, công cụ dạy học đến nơi an toàn. Các đơn vị duy trì lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn, phân công lãnh đạo trực 24/24 giờ tại đơn vị để chủ động xử lý các tình huống xảy ra và thường xuyên báo cáo nhanh về Sở GD-ĐT.
HÀ MY |
NHÓM PHÓNG VIÊN