Để làm sáng tỏ vì sao huyện Đông Hòa chấm dứt hợp đồng lao động đối với 55 giáo viên đã tham gia giảng dạy tại các trường mầm non, tiểu học, THCS trong huyện nhiều năm nay, phóng viên Báo Phú Yên đã trao đổi với lãnh đạo Phòng Nội vụ, Phòng GD-ĐT huyện này.
Nhiều nguyên nhân cắt hợp đồng
Liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng lao động 55 giáo viên (Báo Phú Yên ngày 9/12 thông tin), ông Nguyễn Hữu Mười, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Đông Hòa cho biết: Đây là việc làm nhằm sắp xếp lại đội ngũ giáo viên đủ tiêu chuẩn viên chức ngành Giáo dục, qua đó thực hiện kế hoạch, nhu cầu biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo năm học 2016-2017 trên địa bàn huyện.
Theo chỉ đạo của UBND huyện, Phòng GD-ĐT huyện Đông Hòa lập danh sách đề nghị Phòng Nội vụ thẩm định việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với 55 giáo viên tại các trường mầm non, tiểu học, THCS, trong đó có 49 nữ. Số giáo viên này hợp đồng giảng dạy từ năm 2008 đến nay. Trong đó có 28 giáo viên không trúng tuyển kỳ thi viên chức năm 2015, 13 giáo viên không đủ điều kiện dự thi viên chức và 14 giáo viên nằm ngoài chỉ tiêu dự tuyển. Trong số này có 13 giáo viên nuôi con nhỏ dưới 12 tháng, 2 giáo viên đang mang thai. Sau khi thẩm định, UBND huyện yêu cầu Phòng GD-ĐT huyện kể từ ngày 1/12/2016 ra thông báo chấm dứt hợp đồng lao động đối với 40 giáo viên, 15 giáo viên còn lại đang nuôi con nhỏ hoặc mang thai thì sẽ chấm dứt hợp đồng lao động khi nuôi con nhỏ đủ 12 tháng.
Về trình độ chuyên môn, có 37 người tốt nghiệp đại học, 18 người còn lại tốt nghiệp cao đẳng. Đáng chú ý, trong số này có 23 người hợp đồng theo Kết luận 142/2010 của Thường trực Huyện ủy Đông Hòa về hợp đồng tuyển dụng giáo viên bổ sung cho ngành Giáo dục huyện năm 2010. Trong quá trình giảng dạy, không ít giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện và tỉnh.
Phân biệt loại hình đào tạo
Lý giải vì sao 13 giáo viên không đủ điều kiện thi tuyển viên chức năm 2015, ông Nguyễn Hữu Mười, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Đông Hòa, cho rằng do họ được đào tạo từ loại hình không chính quy (đào tạo từ xa, tại chức, chuyên tu, vừa học vừa làm…). Hiện nay, việc không tuyển dụng những người có bằng cấp đào tạo không chính quy về mặt nào đó là chủ trương tích cực của nhà tuyển dụng và một số địa phương nhằm nâng cao chất lượng cán bộ công chức, viên chức. Tuy nhiên, chủ trương này đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận, bởi lẽ Luật Công chức không cấm việc tuyển dụng những người có bằng tại chức và Luật Giáo dục cũng không phân biệt giá trị các loại hình đào tạo.
Được biết, trong số 13 giáo viên không đủ điều kiện dự thi viên chức có 11 người tốt nghiệp đại học, 1 tốt nghiệp cao đẳng và 1 tốt nghiệp trung cấp. Trong số này 4 giáo viên hợp đồng theo Kết luận 142 của Thường trực Huyện ủy Đông Hòa. Những giáo viên này bức xúc cho rằng thà cho họ thi tuyển viên chức, nếu không trúng tuyển thì loại ra. Đằng này không cho họ thi và giờ này chấm dứt hợp đồng.
Cùng với số giáo viên không được tham gia thi tuyển viên chức còn có 14 giáo viên khác bị cắt hợp đồng do không có chỉ tiêu dự tuyển, trong số này có đến 11 người hợp đồng theo Kết luận 142 của Thường trực Huyện ủy Đông Hòa, hợp đồng lao động không thời hạn.
Đào tạo hệ tại chức, từ xa: hết cơ hội
Theo chỉ đạo của UBND huyện Đông Hòa, nếu ngành GD-ĐT huyện có nhu cầu bổ sung hợp đồng lao động giáo viên năm học 2016-2017 thì ưu tiên hợp đồng lại số giáo viên đã hợp đồng từ năm 2010 đến nay, số giáo viên đang giảng dạy tại các bộ môn đang thiếu, giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ qua các năm học. Thời hạn hợp đồng từ 3 đến dưới 5 tháng. Trường hợp còn thiếu giáo viên thì phối hợp với Phòng Nội vụ tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức để bổ sung. Đặc biệt, không hợp đồng lại đối với số giáo viên không đủ điều kiện dự thi trong kỳ thi tuyển viên chức năm 2015 và giáo viên tại các bộ môn đang thừa giáo viên. Điều này có nghĩa là những giáo viên đào tạo hệ tại chức, từ xa… sẽ không được tham gia tuyển dụng.
Ông Nguyễn Hữu Danh, Phó phòng phụ trách Phòng GD-ĐT huyện Đông Hòa, bày tỏ: Việc ra thông báo chấm dứt hợp đồng là bước tạm thời để hợp đồng lại giáo viên, vì hiện nay đang xảy ra một số bất cập như theo quy định, số giáo viên trúng tuyển viên chức năm 2015 dù có bằng đại học, cao đẳng hệ chính quy nhưng hệ số lương được hưởng theo cấp dạy là mầm non, tiểu học hay THCS; trong khi đó số giáo viên hợp đồng không được thi viên chức năm 2015 và thi nhưng không trúng tuyển thì hưởng hệ số lương theo mức cũ là 2,34 đối với bằng cao đẳng và 2,67 đối với đại học.
Trong khoảng 45 ngày, kể từ ngày ra thông báo chấm dứt hợp đồng (ngày 1/12/2016), Phòng GD-ĐT huyện sẽ phối hợp với Phòng Nội vụ tham mưu UBND huyện hợp đồng lại các giáo viên trước đây đã hợp đồng và họ sẽ được tham gia thi tuyển viên chức lần 2. Như vậy, đến ngày 15/1/2017, Phòng GD-ĐT huyện sẽ tiến hành hợp đồng lại.
Ông Nguyễn Hữu Danh, Phó phòng phụ trách Phòng GD-ĐT huyện Đông Hòa |
ĐOÀN PHÁP