Thứ Tư, 02/10/2024 05:41 SA
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn:
Đổi mới theo hướng sát nhu cầu thực tế của người dân
Thứ Ba, 01/11/2016 14:05 CH

Các học viên tham gia lớp nghề chế biến món ăn tại huyện Đồng Xuân - Ảnh: KIM CHI

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong tỉnh trong thời gian qua được đổi mới theo hướng sát với nhu cầu thực tế của người dân. Nhờ vậy, nhiều lao động thuộc diện đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo… sau khi được hỗ trợ học nghề đã có thể áp dụng hiệu quả, góp phần cải thiện cuộc sống.

 

Đào tạo theo nhu cầu

 

Những năm gần đây, các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn được các địa phương trong tỉnh triển khai, giúp người nông dân vốn chỉ quen với đồng ruộng dần thay đổi nhận thức trong việc chọn nghề có hiệu quả kinh tế cao hơn. Chị Lê Thị Thanh Xuân ở thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân, cho biết: “Nhà tôi có hơn 3 sào ruộng, đang là thời điểm nông nhàn nên tôi rảnh rỗi. Sau khi được học nghề chế biến món ăn theo mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức trong 3 tháng, cộng với kiến thức nấu nướng sẵn có, tôi đã biết đổi mới cách thức chế biến món ăn, tay nghề được nâng cao hơn. Nhờ đó, tôi có thể đến nấu tại các đám, tiệc để kiếm thêm thu nhập cho gia đình”.

 

Với người lao động các huyện miền núi, hiện nay, các trung tâm dạy nghề tổ chức khảo sát nhu cầu học của người dân, từ đó triển khai các lớp dạy nghề sát với đời sống thực tế của họ. Y Thu ở xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa, nói: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, nên khi được Phòng LĐ-TB-XH huyện hướng dẫn, hỗ trợ tiền để mua bò, chúng tôi mừng lắm. Sau đó, tôi lại được tham gia lớp học nghề chăn nuôi gia súc gia cầm, được các thầy giáo, kỹ thuật viên hướng dẫn cách chăm sóc vật nuôi để có thể nuôi bò thành thạo”. Đầu năm 2016, con bò nhà Y Thu đã đẻ ra bê. Với kiến thức đã học được từ lớp nghề, vợ chồng Y Thu làm chuồng trại và chăm sóc kỹ lưỡng, nên cả bò mẹ và bê con đều phát triển tốt. Sau đó, Y Thu mạnh dạn vay thêm vốn từ nguồn vốn cho hộ nghèo vay của Ngân hàng Chính sách xã hội để mua thêm một con bò nữa. Hiện tại, Y Thu đã có 3 con bò trị giá gần 50 triệu đồng. Y Thu chia sẻ: “Từ hộ nghèo, không có vốn chăn nuôi, sản xuất, giờ đây gia đình tôi đã thoát nghèo”.

 

Theo ông Lê Văn Phổ, Trưởng Phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB-XH Phú Yên), thời gian qua, tỉnh đã lựa chọn các mô hình dạy nghề sản xuất chậu cây cảnh của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đồng Xuân; trồng nấm ăn tại huyện Tây Hòa; trồng lúa nước chất lượng cao, kỹ thuật xây dựng tại xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa; mây tre đan tại thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân và xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa; sản xuất hàng da giày, túi xách tại xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa; may công nghiệp tại xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa... để triển khai đề án đào tạo nghề. Các mô hình nêu trên đã thu hút được hơn 5.000 học viên tham gia, trong đó lao động thuộc diện hộ nghèo là hơn 200 học viên; tỉ lệ có việc làm sau khi kết thúc khóa học đạt trên 70% với thu nhập bình quân từ 2,2-2,5 triệu đồng/tháng. Các mô hình này đều có khả năng phát triển và nhân rộng.

 

Đa dạng hóa phương thức đào tạo

 

Tại hội thảo công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp do Sở LĐ-TB-XH tổ chức hưởng ứng Năm Doanh nghiệp Phú Yên, nhiều đại biểu cho rằng để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn cơ quan chức năng cần gắn đào tạo với các mô hình sản xuất và thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, như dạy tại các cơ sở dạy nghề; dạy nghề theo đơn đặt hàng; dạy nghề lưu động; dạy nghề tại các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; dạy nghề gắn với các vùng chuyên canh, làng nghề… Phương thức đào tạo cũng dần đa dạng hóa, phù hợp với từng nhóm đối tượng và điều kiện của từng địa phương như đào tạo tập trung tại các cơ sở dạy nghề đối với những nông dân chuyển đổi nghề nghiệp; đào tạo nghề lưu động cho nông dân tại các xã, thôn.

 

Ông Ngô Đa Thọ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Phú Yên, nói: Hiện nay, các cơ sở dạy nghề của tỉnh chủ yếu dạy nghề tại chỗ cho lao động nông thôn nên chưa có sự bứt phá trong việc đào tạo lao động có tay nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Vì vậy, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh cần có sự đột phá về chất lượng dạy nghề theo hướng tiếp cận trình độ khu vực và thế giới, tăng quy mô đào tạo nghề, đặc biệt là gắn kết dạy nghề với nhu cầu của người lao động và doanh nghiệp; phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn để có kế hoạch đào tạo thiết thực, quan tâm đến đối tượng là bộ đội xuất ngũ, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số…

 

Còn ông Lê Văn Phổ chia sẻ: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là chủ trương đúng đắn nhưng cần có lộ trình lâu dài và thực hiện theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” nhằm giúp người dân hiểu được giá trị của học nghề. Để thu hút bà con tích cực tham gia các lớp học nghề, thời gian tới, Sở LĐ-TB-XH Phú Yên phối hợp với chính quyền địa phương đổi mới công tác đào tạo, nhân rộng mô hình liên kết với doanh nghiệp đào tạo theo địa chỉ để tăng cơ hội tìm việc cho lao động.

 

Theo Sở LĐ-TB-XH, thời gian tới, đơn vị này phấn đấu giải quyết việc làm cho lao động sau khi học nghề đạt từ 80% trở lên; tăng cường tư vấn học nghề, đẩy mạnh tham gia học nghề đối với các làng nghề truyền thống, xã điểm xây dựng nông thôn mới và phấn đấu hoàn thành kế hoạch chỉ tiêu được giao năm 2016 là nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 58%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 43%.

 

KIM CHI

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek