Thứ Tư, 02/10/2024 15:19 CH
Ký kết thỏa ước lao động tập thể:
Doanh nghiệp và người lao động cùng có lợi
Thứ Năm, 27/10/2016 08:02 SA

Xây dựng Thỏa ước lao động tập thể có chất lượng tạo nền tảng hình thành quan hệ lao động ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Trong ảnh: Công nhân đang làm việc tại một doanh nghiệp ở KCN Hòa Hiệp - Ảnh: NGỌC HÂN

Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) là công cụ quan trọng giúp điều hòa lợi ích, hạn chế xung đột giữa người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) tại doanh nghiệp. Thời gian qua, việc thực hiện chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện hiệu quả TƯLĐTT” của tổ chức công đoàn trong tỉnh đã góp phần đáng kể trong việc bảo vệ quyền lợi của NLĐ.

 

Nhiều kết quả khích lệ

 

Theo quy định của pháp luật lao động, TƯLĐTT là văn bản thỏa thuận giữa tập thể NLĐ và NSDLĐ về quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên trong quan hệ lao động. Xác định được vai trò, ý nghĩa của TƯLĐTT, LĐLĐ tỉnh đã ban hành Kế hoạch 06 và Hướng dẫn 01 nhằm hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn các công đoàn cơ sở (CĐCS) thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT. Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn rà soát, đánh giá chất lượng TƯLĐTT, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của tổ chức công đoàn. Để nâng cao chất lượng các bản TƯLĐTT của CĐCS, hàng năm, LĐLĐ tỉnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp; tuyên truyền, tư vấn pháp luật lao động đến NLĐ; thường xuyên theo dõi, giúp các CĐCS trong quá trình thương lượng, ký kết TƯLĐTT; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện những vướng mắc, hướng dẫn NSDLĐ thực hiện đúng Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn.

 

Bà Trịnh Thị Ngọc Thủy, Trưởng Ban Chính sách pháp luật LĐLĐ tỉnh, cho biết: Qua hơn 3 năm thực hiện, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã chủ động đôn đốc, chỉ đạo; các CĐCS từng bước chủ động nêu yêu cầu với NSDLĐ để thương lượng, ký kết, sửa đổi, bổ sung và thực hiện TƯLĐTT. Số đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức công đoàn ký kết TƯLĐTT tăng dần theo từng năm. Cụ thể, năm 2013 có 66/99 đơn vị ký kết, đạt 66,66%; năm 2014 là 74/102, đạt 72,55%; năm 2015 là 76/109, đạt 70% và đến tháng 6/2016 có 85/114 đơn vị ký kết, đạt 74,56%.

 

Nội dung TƯLĐTT của một số doanh nghiệp đã có nhiều điểm có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật như chế độ hiếu hỉ, đảm bảo việc làm, mức lương cơ bản, chế độ nâng bậc lương, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, chế độ bồi dưỡng sức khỏe, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, chế độ ăn giữa ca, tặng quà sinh nhật, trợ cấp khó khăn đột xuất, thi đua khen thưởng và các chế độ phúc lợi khác. Chị Nguyễn Thị Thúy Nguyên, công nhân Công ty THHH Kính mắt Sài Gòn, vui vẻ nói: “Với những quy định cụ thể, có lợi hơn cho NLĐ đã được lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm khi tổ chức thương lượng, ký kết TƯLĐTT, chúng tôi dễ dàng kiểm chứng doanh nghiệp có thực hiện đúng các chế độ, chính sách cho NLĐ hay không”.

 

Nhờ sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, CĐCS các doanh nghiệp chủ động yêu cầu với NSDLĐ xem xét sửa đổi, bổ sung nội dung TƯLĐTT cho phù hợp với khả năng, điều kiện của doanh nghiệp. Tiêu biểu như Công ty TNHH Kính mắt Sài Gòn, Công ty CP Vật liệu xây dựng Phú Yên, Công ty TNHH Sản xuất hàng trang trí nội thất Thái Thịnh, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, DNTN Hồng Ngọc… Ông Huỳnh Thanh Dương, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, cho biết: Công đoàn luôn phối hợp và đề xuất với lãnh đạo công ty thực hiện đúng Bộ luật Lao động. Khi ký kết TƯLĐTT, các quyền lợi của NLĐ được xem xét kỹ để thương lượng, thỏa thuận và luôn đưa ra những điều có lợi nhất…”.

 

Khắc phục những tồn tại, hạn chế

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc ký kết TƯLĐTT trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn, bất cập. Theo LĐLĐ tỉnh, chất lượng thương lượng, ký kết và tổ chức thực hiện TƯLĐTT của CĐCS được công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đánh giá xếp loại còn thấp. Trong đó, năm 2015, loại A chiếm 11,76%, loại B chiếm 14,12%, loại C chiếm 17,65%, loại D chiếm 27,06% và số TƯLĐTT không được phân loại là 29,41%... Nhiều bản TƯLĐTT sao chép lại nội dung các điều khoản đã được Bộ luật Lao động quy định lên tới hàng chục trang giấy, trong khi những điểm có lợi cho NLĐ thì không có hoặc có rất ít. Một số TƯLĐTT lại giữ nguyên các điều, khoản theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2006. Bên cạnh đó cũng có khá nhiều doanh nghiệp đã thực hiện các quy định có lợi cho NLĐ so với pháp luật lao động nhưng không đưa vào TƯLĐTT nhằm tránh sự ràng buộc của pháp luật.

 

Lý giải việc thương lượng ký kết TƯLĐTT trong thời gian qua gặp khó khăn, ông Mã Quang Hưng, Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế, cho rằng: Do kỹ năng thương lượng của cán bộ công đoàn, cách thức, phương pháp sử dụng các công cụ đối thoại và tập hợp ý kiến của NLĐ để tham gia xây dựng TƯLĐTT còn hạn chế; nhiều cán bộ CĐCS kiêm nhiệm, nhận lương từ chủ doanh nghiệp nên tinh thần đấu tranh bảo vệ quyền lợi của NLĐ không quyết liệt. Đây là thực trạng khiến chất lượng TƯLĐTT chưa được như mong đợi.

 

Vì vậy, thời gian tới, các cấp công đoàn cần tập trung thực hiện tốt chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết, thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT”. Công đoàn cấp trên cơ sở cần tăng cường tập huấn cho cán bộ CĐCS, hỗ trợ trong thương lượng tập thể; tuyên truyền, giáo dục pháp luật về lao động; cần nâng cao trách nhiệm của ban chấp hành CĐCS trong giám sát thực hiện TƯLĐTT và yêu cầu NSDLĐ định kỳ cùng nhau đánh giá việc thực hiện các điều khoản, các cam kết giữa các bên. Bên cạnh đó, công đoàn cấp trên cơ sở tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động và hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất. 

 

Để nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện hiệu quả TƯLĐTT, cán bộ CĐCS phải tạo được mối quan hệ tốt, thân thiện với NSDLĐ. CĐCS cần nắm được khó khăn, thấu hiểu được hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và tâm lý NLĐ; thương lượng ký kết TƯLĐTT trên tinh thần chia sẻ, không gây áp lực cho doanh nghiệp và đôi bên cùng có lợi. Có như vậy mới xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp theo tinh thần Chỉ thị 22/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) và góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn Việt Nam.

 

Ông Hồ Hồng Nam, Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ tỉnh

  

NGỌC HÂN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek