Thứ Sáu, 04/10/2024 12:23 CH
Truyền thông phòng chống dịch bệnh:
Giáo dục hành động để đạt hiệu quả cao hơn
Thứ Hai, 03/10/2016 07:10 SA

Thời gian qua, hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe nói chung, truyền thông phòng chống dịch bệnh nói riêng được triển khai mạnh mẽ trên cả nước. Tuy nhiên, nhiều người dân, nhiều hộ gia đình vẫn chưa thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh mà cơ quan chuyên môn khuyến cáo. Vì vậy hiện nay, bên cạnh việc đẩy mạnh các loại hình truyền thông đang áp dụng, chúng ta cần giáo dục hành động (GDHĐ) để đạt hiệu quả cao hơn trong phòng chống dịch bệnh.

 

Lãnh đạo Sở Y tế cùng cán bộ y tế kiểm tra việc diệt lăng quăng tại nhà dân - Ảnh: YÊN LAN

 

Hiện nay, GDHĐ được hiểu là “cải tiến điều kiện sống, làm việc để nâng cao hiệu quả công việc, từ đó nâng cao sức khỏe”. Sự cải tiến này xuất phát từ cộng đồng, từ thực tiễn công việc của họ và họ chủ động cải tiến cho phù hợp với chi phí thấp nhất, phù hợp với điều kiện kinh tế của cộng đồng, của người dân. Như vậy, lý thuyết của GDHĐ rất phù hợp với khái niệm “nâng cao sức khỏe” hiện nay. Nâng cao sức khỏe là giúp người dân chủ động quản lý vấn đề sức khỏe của mình, từ đó huy động sự tham gia của cộng đồng một cách chủ động để giải quyết vấn đề sức khỏe đó.

Vài chục năm trước, các bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa gây nên nhiều vụ dịch cướp đi sinh mạng của nhiều người như tả, lỵ, thương hàn hay nhiều bệnh mà tỉ lệ người dân ở Việt Nam mắc rất cao như giun sán. Nhờ có hoạt động truyền thông với các chiến dịch tuyên truyền vận động, các dịch bệnh này giảm rất đáng kể. Thông qua hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe (TTGDSK), người dân đã nâng cao kiến thức, có thái độ, hành vi bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cho cộng đồng.

 

Mặc dù hoạt động TTGDSK mạnh mẽ nhưng thực tế vẫn còn nhiều người dân, nhiều hộ gia đình chưa thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh mà cơ quan chuyên môn khuyến cáo. Qua điều tra khảo sát cho thấy, nhiều người có kiến thức rất tốt trong phòng chống dịch bệnh nhưng do điều kiện chủ quan hay khách quan nên không thực hiện hành vi phòng chống dịch bệnh. Nhiều bà mẹ có con dưới 5 tuổi biết rõ các biện pháp nuôi con đề phòng suy dinh dưỡng nhưng do bận bịu với công việc hay do quên, có khi do kinh tế khó khăn nên họ không thực hiện được.

 

Vì vậy, để truyền thông phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, hiện nay, bên cạnh việc đẩy mạnh các loại hình truyền thông đang áp dụng, chúng ta cần GDHĐ. Khái niệm về GDHĐ được hiểu là “cải tiến môi trường lao động để công việc hiệu quả hơn”. Đầu tiên, GDHĐ được áp dụng trong các xí nghiệp vừa và nhỏ ở các nước, dần dần được áp dụng trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Đến nay, GDHĐ được áp dụng ở hầu hết quốc gia trên thế giới và được Tổ chức Lao động Quốc tế khuyến cáo áp dụng. Ở Việt Nam, GDHĐ được áp dụng tại các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long vào những năm 90 của thế kỷ trước, đầu tiên là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, sau đó sang lĩnh vực giáo dục, y tế... Đến nay, GDHĐ được rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước áp dụng vào tất cả lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội.

Ở Phú Yên, GDHĐ được triển khai trong lĩnh vực nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn từ năm 2008 ở một số huyện và xã, do Trung tâm TTGDSK Phú Yên tổ chức các lớp tập huấn cho lãnh đạo cộng đồng, đem lại nhiều kết quả đáng khích lệ.

 

Với truyền thông phòng chống dịch bệnh nói chung, phòng chống sốt xuất huyết và Zika nói riêng, yếu tố quan trọng để phòng và chống dịch là diệt muỗi, diệt bọ gậy, “không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết và Zika”. Người dân hiểu nhưng không làm do nhiều nguyên nhân, cho nên trong các trường hợp này áp dụng GDHĐ sẽ đem lại hiệu quả cao nhất. Cụ thể là giáo dục cho họ biết cách cải thiện môi trường sống, lao động, sinh hoạt của họ. Ví dụ, cách chống muỗi đốt như thế nào, nếu không có mùng thì giăng lưới ở cửa sổ phòng ngủ, hay cách phát hiện bọ gậy, cách đổ và cọ dụng cụ chứa nước có bọ gậy, phát hiện và xử lý các dụng cụ, vật phế thải có chứa nước như thế nào, cách xử lý lốp ô tô có chứa nước và bọ gậy ra sao... Trước hết là làm cho người dân xem, vài ngày sau thì kiểm tra họ có thực hành hay không. Còn nhớ sau lễ phát động chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng, phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết” do Sở Y tế phối hợp với UBND TP Tuy Hòa tổ chức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Mộng Ngọc cùng các cán bộ y tế đã đến một số nhà dân ở xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) kiểm tra việc diệt muỗi và bọ gậy. Bác sĩ Nguyễn Thị Mộng Ngọc nói: “Người dân nên lưu ý diệt bọ gậy ở các vật dụng trong nhà và chung quanh nhà. Một số gia đình vẫn quên thay nước bình cắm hoa. Bà con cũng nên lưu ý các chồng lốp xe thường đọng nước sau trận mưa”.

 

Điểm đáng chú ý của GDHĐ là khuyến khích người dân chủ động phát hiện, cải tiến theo cách của họ nhưng đạt hiệu quả như mong muốn. Trong GDHĐ không nặng về cung cấp kiến thức mà chú trọng nhiều về hành động và thúc đẩy khả năng sáng tạo, khám phá của từng người, từng hộ gia đình để thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh nói chung, sốt xuất huyết và Zika nói riêng.

 

BS NGUYỄN VINH QUANG

Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek