Thứ Tư, 27/11/2024 09:40 SA
Thấp thỏm lo sông Ba sạt lở
Thứ Bảy, 18/02/2006 07:46 SA

Anh lái đò Phạm Văn Cò trên khúc sông của thôn Phú Sen Thượng tình nguyện đưa chúng tôi đi một vòng “thị sát”. Một dải cát lớn chạy dài cắt ngang con sông, dòng chảy bị tức tại đây và đâm thẳng sang phía hữu ngạn thuộc địa phận xã Hòa Phú huyện Tây Hòa. Anh Cò bảo: Cách đây ít lâu, bờ còn nằm giữa dòng nước bây giờ, tích tắc đã mất mấy chục mét đất, tre được người dân trồng ven bờ bị xói gốc nằm chổng chơ giữa dòng.

 

Dọc sông Ba, rất nhiều điểm bị sạt lở như thế này - Ảnh: Ly Kha

 

Từ đầu tháng 2-2006 đến nay, bờ sông Ba phía tả ngạn đi qua các xã Hòa Định Tây, Hòa Định Đông, Hòa Thắng và Hòa An thuộc huyện Phú Hòa đã bị sạt lở nghiêm trọng. Tổng diện tích bị sạt lở trên 400 ha, trong đó có một số diện tích đất canh tác của bà con nông dân. Con nước sông Ba trở nên hung hãn, làm ảnh hưởng đến đời sống và uy hiếp chỗ ở của 1.500 hộ với hơn 6.000 nhân khẩu. Điều đáng nói ở chỗ bờ sông Ba sạt lở ngay trong tháng giêng, không phải mùa nước lớn và mưa lũ, là điều bất thường. Trước đó, đợt mưa lũ cuối năm 2005 đã làm sạt lở 236 ha đất cũng tại những khu vực trên. Trong đó, riêng xã Hòa Định Tây đã bị mất 210 ha đất.

 

Ông Nguyễn Ngọc Sanh, thôn Cẩm Thạch xã Hòa Định Tây cho biết: Trước đợt mưa lũ cuối năm 2005, căn nhà của ông còn cách bờ sông khoảng 150 mét. Sau mưa lũ, nước đã lấy đi hơn 100 mét đất, nay lại bị sạt lở thêm một đoạn, hiện nhà chỉ còn cách dòng nước 40 mét. Đêm nằm nghe tiếng nước chảy mà lo quá lo. Ngay cạnh nhà ông Sanh là một lớp học mẫu giáo. 

 

Đất ở thôn Cẩm Thạch (xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa) mất dần vì con nước sông Ba -  Ảnh: Ly Kha

 

Được biết, từ năm 1993, khu vực này thường xuyên sạt lở. Xã Hòa Định Tây đã dời 72 hộ dân bị dòng nước đe dọa đến nơi định cư mới. Và hiện nay sông Ba đã tạo một dòng chảy mới trong khu vực bị sạt lở lần cuối năm 2005.

 

Bà Huỳnh Thị Nhảnh, 68 tuổi cũng ở thôn Cẩm Thạch gắng tát nước lên mấy khóm lúa nằm ngay trên mặt sông. Một mảng đất lớn bị tách rời bởi một dòng nước nhỏ. Cạnh đó, dấu  vết của những đợt đất đổ vẫn còn mới nguyên, tạo nên những bờ đất thật cao và dựng đứng, sẵn sàng tiếp tục đổ xuống bất cứ lúc nào. Với những khu vực này cần có giải pháp khắc phục, hạn chế ngay trước mùa lũ 2006, nếu không chắc chắn đất sẽ tiếp tục bị sạt lở, uy hiếp nghiêm trọng đời sống cuả rất nhiều hộ dân cư trong vùng.

 

Hiện nay, khu vực hạ lưu sông Ba đi qua huyện Phú Hòa và TP Tuy Hòa có dòng chảy rất phức tạp. Xảy ra hiện tượng này bởi nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân lớn nhất là nông dân sống ven khu vực này đã khai thác nguồn lợi từ dòng sông quá nhiều trong khi không có, cơ quan chức năng nào, hoạch định.

 

Từ hơn 10 năm trước, việc trồng cỏ trên các doi cát giữa sông vào mùa nước cạn đã thành nghề. Hàng ngàn con bò được chăn nuôi từ cỏ trên sông, nguồn lợi đem lại cho người dân khá lớn. Song cũng từ bấy đến nay, hàng ngàn hecta cát bồi dần dần đã làm thay đổi dòng chảy của sông. Nhiều doi cát được bồi đắp cao hơn 2 mét so với mực nước sông và nông dân cải tạo cát thành đất trồng được các loại hoa màu như ngô, đậu... Khu vực gần cầu Đà Rằng, nạn khai thác cát bằng máy hút từ dưới lòng sông mấy năm gần đây cũng có ảnh hưởng không nhỏ. Nhưng chính những nguyên nhân trên đã làm cho hai bờ sông Ba liên tục bị sạt lở, lòng sông ngày một mở rộng hơn mà dòng chảy thì bị thu hẹp. Đã đến lúc, các ngành chức năng có những giải pháp cụ thể trong việc khai thác nguồn lợi từ sông Ba, nhất là khu vực hạ lưu.

 

KHOA THY

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek