Chủ Nhật, 06/10/2024 21:22 CH
Hòa chung niềm vui trong ngày Tết Độc lập
Thứ Sáu, 02/09/2016 08:00 SA

Cùng với sự phát triển của đất nước, TP Tuy Hòa ngày càng khang trang, hiện đại - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

Quốc khánh 2/9 lại đến. Khắp phố, khắp phường từ đầu làng đến cuối xóm đâu đâu cũng ngập tràn màu cờ hoa. Hòa trong niềm vui chung ngày Tết Độc lập của dân tộc, nhiều người đã bày tỏ những kỷ niệm, cảm xúc của mình.

 

NGHỆ SĨ NGUYỄN PHỤNG KỲ: Nhớ người dựng “Ngọn lửa Hồng Sơn” trên căn cứ

 

Trong kháng chiến, văn công chúng tôi thường biểu diễn phục vụ các chiến dịch, các hội nghị, lễ kỷ niệm lớn của tỉnh và bà con ở vùng mới giải phóng. Tôi nhớ nhất là dịp kỷ niệm 28 năm Ngày Quốc khánh (2/9). Trung tuần tháng 8/1973, chú Sáu Râu (tức Trần Suyền), Bí thư Tỉnh ủy, đi họp ở Khu 5 và mang về kịch bản vở tuồng “Ngọn lửa Hồng Sơn” của tác giả Hoàng Châu Ký, giao cho Đoàn Văn công Tỉnh ủy dàn dựng để phục vụ lễ kỷ niệm. Anh em rất phấn khởi vì lúc bấy giờ, đoàn văn công chúng tôi chỉ có vở tuồng “Trần Bình Trọng” của tác giả Kim Hùng và “Tuy Hòa đồng khởi” của chú Chín Đạm (tức Nguyễn Trọng Kim). Hồi đó, đoàn thường biểu diễn chương trình ca múa nhạc tổng hợp, thỉnh thoảng mới biểu diễn tuồng.

 

Chú Chín Đạm lúc đó là phó trưởng đoàn chỉ đạo nghệ thuật, làm đạo diễn vở tuồng “Ngọn lửa Hồng Sơn”. Chú giao vai Tạ Ngọc Lân cho anh Nguyễn Công Phường, vai Tạ Thị Phương Cơ cho chị Lê Thị Tuyết Mai, vai Quan Hợi cho Huỳnh Như Ngân… Tôi lúc đó 22 tuổi, đóng vai quân canh. Đó là một vai hề, phản diện.

 

Trong vòng nửa tháng, chúng tôi ra sức tập luyện. Chú Chín Đạm bị đau dạ dày nặng nhưng không chịu đi bệnh xá mà dốc toàn lực dựng vở tuồng “Ngọn lửa Hồng Sơn”. Chú hướng dẫn cho anh em từng động tác, cách hát sao cho chuẩn. Sau khi anh em “thuộc bài” thì chú bị xuất huyết dạ dày. Tôi, Huỳnh Như Ngân và Đàm Hữu Hân khiêng chú Chín Đạm đến Trạm xá Trúc Bạch ở gần Gò Rộng. Trên đường đi, chú nói: “Các cháu hát lên, để người ta thấy và nghĩ mình bệnh nhẹ, người ta an tâm”.

 

Chú Chín Đạm bị xuất huyết dạ dày quá nặng. Trạm xá Trúc Bạch vận động đoàn viên thanh niên hiến máu cứu chú nhưng chú vẫn không qua khỏi. Đêm chú Chín Đạm trút hơi thở cuối cùng, trời nổi gió và mưa như trút nước.

 

5 ngày sau khi chú Chín Đạm qua đời, ngày 2/9/1973, Đoàn Văn công Tỉnh ủy Phú Yên biểu diễn vở tuồng “Ngọn lửa Hồng Sơn” tại xóm Năm Nhà thuộc thôn Trung Trinh (xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa). Sân khấu được dựng bằng tre, chúng tôi thắp đèn măng xông và biểu diễn. Nén nỗi đau mất cha, anh Công Phường diễn tròn vai Tạ Ngọc Lân. Anh em chúng tôi càng thương tiếc chú Chín Đạm thì càng cố gắng biểu diễn. Vở diễn thành công, phục vụ quân và dân ở vùng giải phóng.

 

ÔNG BÙI VĂN ĐỒNG, CHỦ TỊCH HỘI NGƯỜI CAO TUỔI XÃ SUỐI BẠC, HUYỆN SƠN HÒA: Sống mẫu mực làm gương cho lớp trẻ

 

Bao nhiêu năm qua, không khí của ngày Quốc khánh luôn làm cho những người cao tuổi (NCT) chúng tôi rất vui, nhớ nhiều kỷ niệm, mừng quê hương, đất nước ngày càng thay da đổi thịt.

 

Những năm gần đây, các chế độ, chính sách cho NCT được Nhà nước quan tâm nhiều hơn như: Luật NCT, chương trình Tháng hành động vì NCT… Theo đó, NCT tham gia hưởng ứng nhiều phong trào, các chương trình, nhất là Chương trình xây dựng nông thôn mới của Đảng, Nhà nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Bản thân tôi và những NCT, dù tuổi có cao, sức khỏe giảm sút nhưng vẫn sống mẫu mực để làm gương cho lớp trẻ; tiếp tục đem trí tuệ, tài năng, kinh nghiệm và uy tín với cộng đồng cống hiến cho xã hội, làm nòng cốt trong các cuộc vận động xây dựng gia đình, đời sống văn hóa ở khu dân cư; cùng con cháu hiến kế, hiến công tham gia làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo, khuyến học, khuyến tài; tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, sống mẫu mực… Trong niềm vui của ngày Quốc khánh, tôi cầu mong cho đất nước ngày càng phát triển, mọi người được sống trong hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc.

 

ÔNG TRẦN CHÍ ĐỨC, CHUYÊN VIÊN BAN TUYÊN GIÁO HỘI CỰU CHIẾN BINH TỈNH: Nhớ mãi ngày Quốc khánh đầu tiên trong quân ngũ

 

Mỗi năm, cứ đến dịp Quốc khánh (2/9) là những ký ức trong tôi lại dội về. Hơn 30 năm trước, tôi xa nhà, lên đường nhập ngũ. Chỉ vài ngày sau khi thực hiện nghĩa vụ, tôi vinh dự cùng các đồng đội trong đơn vị chào mừng ngày Quốc khánh trên chiến trường Campuchia. Hôm đó, các chiến sĩ tất bật chuẩn bị một buổi liên hoan chào mừng ngày lễ đặc biệt của đất nước. Mọi người sôi nổi hát những ca khúc ca ngợi quê hương, Đảng, Bác Hồ… Không khí thân mật, ấm áp nhưng không kém trang nghiêm. Buổi liên hoan đã mang lại cho tôi cảm xúc đặc biệt và khó tả. Đây là lễ kỷ niệm Quốc khánh ấn tượng nhất mà tôi không bao giờ quên được.

 

Giờ đây, trong không khí tưng bừng, hân hoan kỷ niệm 71 năm ngày lễ trọng đại của đất nước, tôi thấy thật tự hào. Quả thực, đất nước đã thay đổi nhiều lắm nhưng cảm xúc trong thời khắc kỷ niệm ngày Tết Độc lập vẫn mừng vui khôn xiết như ngày nào. Đây cũng là dịp tôi và các anh em trên chiến trường năm xưa được gặp lại, thắp nén hương tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống vì Tổ quốc.

 

ÔNG ĐẶNG ĐỨC HIẾU (THÔN PHÚ LẠC, XÃ HÒA HIỆP NAM, HUYỆN ĐÔNG HÒA): Bài học về tinh thần đoàn kết vẫn còn nguyên giá trị

 

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đó là thành quả cách mạng vĩ đại của tinh thần đoàn kết triệu người như một của dân tộc Việt Nam. 71 năm qua, tình đoàn kết “muôn người như một” dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ đã giúp Việt Nam đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược và đang khẳng định vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. Tôi nghĩ rằng, bài học đoàn kết ấy vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng đất nước hôm nay. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn quân và toàn dân đoàn kết một lòng thì dù kẻ thù có mạnh và gian xảo đến đâu, thành quả cách mạng bao năm qua sẽ được bảo vệ vững chắc. Khát vọng hòa bình và tinh thần bất diệt của Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 mãi mãi khắc sâu trong trái tim và khối óc của mỗi người Việt Nam. Đây là nguồn động viên to lớn để khơi dậy lòng nhiệt huyết của thế hệ hôm nay, quyết giữ vững nền độc lập tự do.

 

BÀ NGUYỄN NGỌC HUYỀN, PHÓ CHỦ TỊCH CÔNG ĐOÀN NGÀNH GIÁO DỤC PHÚ YÊN: Nhân lên tình yêu quê hương, đất nước

 

Trong ngày Quốc khánh 2/9, tôi thường cùng đồng nghiệp dâng hương, hoa tưởng niệm tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Mọi người hào hứng nghe các cựu chiến binh năm xưa kể lại những giây phút hào hùng của dân tộc, cùng nhau nghe lại bản Tuyên ngôn độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc trước hàng vạn người dân Việt Nam. Dường như vào ngày này, tình yêu đất nước, niềm tự hào dân tộc trong lòng mỗi người lại trỗi dậy mạnh mẽ.

 

Được sống trong hòa bình đó là một hạnh phúc. Bởi vậy, tôi luôn biết ơn những anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống để có ngày độc lập như hôm nay. Là một cán bộ quản lý giáo dục, tôi nghĩ mình càng phải cố gắng phấn đấu hơn nữa, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; cùng đội ngũ sư phạm tổ chức nhiều hoạt động về nguồn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong giáo viên, học sinh để mọi người hiểu hơn về lịch sử dân tộc, từ đó nỗ lực dạy và học, đưa giáo dục của tỉnh nhà có bước phát triển vượt bậc.

 

ÔNG MÃ QUANG HƯNG, PHÓ CHỦ TỊCH CÔNG ĐOÀN KHU KINH TẾ PHÚ YÊN: Mong người lao động luôn có việc làm, thu nhập ổn định

 

Hàng năm đến ngày Quốc khánh 2/9 tôi luôn thấy tự hào vì những đổi mới của quê hương, đất nước và càng tự hào về những thành tựu, kết quả đạt được. Là một cán bộ công đoàn chuyên trách, bản thân tôi luôn cố gắng quan tâm chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cán bộ, đoàn viên và người lao động. Trong thời gian đến, tôi hy vọng tỉnh sẽ có nhiều dự án mới thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư kinh doanh sản xuất để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động ở địa phương chưa có việc làm ổn định.

 

Hiện nay, rất nhiều sinh viên sau khi ra trường cầm tấm bằng cử nhân, thạc sĩ về quê xin việc nhưng vẫn không tìm được việc làm, phải chấp nhận xa quê, xa người thân để làm việc ở các thành phố lớn. Vì vậy, tôi mong muốn lãnh đạo tỉnh có nhiều chính sách thu hút nhân tài, sử dụng lao động là người địa phương đang học tại các trường trong cả nước về phục vụ tỉnh nhà.

 

LÊ VIỆT HÒA, BÍ THƯ HUYỆN ĐOÀN ĐỒNG XUÂN: Nguyện cống hiến sức trẻ xây dựng quê hương, đất nước

 

Ngày Quốc khánh 2/9 là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước, giữ nước và đấu tranh cách mạng của dân tộc ta. Là thế hệ trẻ hôm nay, chúng tôi nguyện cống hiến sức trẻ của mình, luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đất nước, nỗ lực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Đoàn, phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của thanh niên, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, thông qua các phong trào: “Năm xung kích phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Bốn đồng hành với thanh niên lập thân lập nghiệp” và phong trào “Tuổi trẻ Phú Yên chung tay xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị”… Qua những phong trào trên, tuổi trẻ tỉnh nhà nói chung, tuổi trẻ huyện Đồng Xuân nói riêng đã và đang ra sức tình nguyện thực hiện nhiều công trình thanh niên giúp dân đầy ý nghĩa, mang lại hiệu quả thiết thực góp phần phát triển quê hương, đất nước.

 

NHÀ VĂN, DỊCH GIẢ ĐÀO MINH HIỆP: Triển lãm ảnh và hướng trái tim về đất mẹ Việt Nam

 

Những năm tôi học ở Mat-xcơ-va, để kỷ niệm Ngày Quốc khánh, chúng tôi mượn của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô bộ ảnh gồm nhiều hình ảnh kinh điển về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 để trưng bày tại trường đại học và ký túc xá. Vào những ngày lễ trọng đại của đất nước mình, sinh viên các nước cũng làm như thế. Dịp kỷ niệm trong các năm chẵn, chúng tôi còn tổ chức một số hoạt động văn hóa văn nghệ. Thông qua những hình ảnh được trưng bày và qua các hoạt động trong trường đại học, sinh viên Nga cũng như bạn bè đến từ các nước hiểu thêm về lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam.

 

Vào dịp kỷ niệm Ngày Quốc khánh, sinh viên Việt Nam xa nhà, xa đất nước như chúng tôi càng nhớ quê hương đất nước. Trong 6 năm học ở Liên Xô, từ 1969-1975, mỗi năm có hai thời điểm mà tôi nhớ quê hương đất nước cồn cào nhất, đó là ngày tết cổ truyền của dân tộc và Ngày Quốc khánh.

 

NGUYỄN HUỲNH LINH (VĐV ĐỘI TUYỂN ĐIỀN KINH TỈNH): Trân trọng hơn về giá trị của độc lập dân tộc

 

Để có Ngày Quốc khánh 2/9, rất nhiều người đã phải hy sinh xương máu và tuổi xuân. Điều đó càng khiến tôi cảm thấy tự hào và trân trọng hơn về giá trị của độc lập và hòa bình mà mình đang sống.

 

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng trên quê hương Đồng Khởi Hòa Thịnh, mỗi ngày đi qua, chứng kiến nơi mình đang sống từng bước “thay da đổi thịt”, những con đường quê được thắp sáng, đời sống của người dân no đủ hơn… tôi rất vui sướng và xúc động. Mỗi người đều có cách riêng để thấu cảm giá trị của độc lập. Là một VĐV trẻ của đội tuyển điền kinh tỉnh, tôi sẽ đem sức trẻ, lòng nhiệt huyết, năng khiếu, nỗ lực luyện tập để khẳng định mình trên những đường chạy, mang về thành tích, làm rạng danh quê hương trên đấu trường quốc gia.

 

Nhóm PV (ghi)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek