Thứ Hai, 07/10/2024 03:27 SA
Chốn thiền môn chăm sóc người nhiễm HIV
Thứ Hai, 29/08/2016 14:00 CH

Hòa thượng Thích Thiện Chiếu chăm sóc trẻ nhiễm HIV bị bỏ rơi - Ảnh: NGỌC VIỆT

Thời gian qua, nhiều cơ sở tôn giáo trong nước đã tích cực triển khai các hoạt động giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn vượt qua nghịch cảnh. Trong phòng, chống HIV/AIDS, nhiều nhà chùa với cách làm của mình, đã góp phần tô điểm thêm triết lý “Vì đạo dấn thân, vì đời phục vụ”.

 

Công tác phòng, chống HIV/AIDS là trách nhiệm của toàn xã hội. Ở nước ta, các tu sĩ Phật giáo và Công giáo đã khởi đầu các hoạt động chăm sóc người nhiễm HIV tại nhà chùa, nhà thờ từ những năm 90 của thế kỷ XX. Kể từ đó đến nay, trên khắp ba miền Bắc - Trung - Nam, Trung tâm Mai Hòa, Mái ấm Mai Tâm, chùa Kỳ Quang II, chùa Diệu Giác, chùa Pháp Vân, chùa Hiển Quang… là những nơi nuôi dưỡng và chăm sóc người nhiễm HIV được cộng đồng đánh giá tốt. Các tôn giáo luôn ý thức rõ ràng rằng, cần phải đồng hành với dân tộc để góp phần cùng chính quyền, Mặt trận mang lại niềm vui an lạc cho người dân với phương châm “Vì đạo dấn thân, vì đời phục vụ”.

 

Tích cực tham gia phòng chống HIV/AIDS

 

Một trong những điểm sáng của Phật giáo tham gia phòng, chống HIV/AIDS trong nhiều năm qua phải kể đến là chùa Pháp Vân (Hà Nội). Từ cuối năm 2002, khi dịch HIV đang còn là nỗi sợ hãi của rất nhiều người trong cộng đồng, thì đại đức Thích Thanh Huân bắt đầu tiếp cận với người nhiễm HIV và gia đình họ, thầm lặng hỗ trợ tinh thần, giúp họ vượt qua khủng hoảng tâm lý. Từ đó đến nay, chùa Pháp Vân trở thành nơi người nhiễm HIV và người bị ảnh hưởng bởi AIDS ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) và các quận lân cận có thể đến để được hỗ trợ trong thời điểm khó khăn nhất. Chùa còn đỡ đầu cho nhóm Vì ngày mai tươi sáng gồm 30 người nhiễm HIV đến sinh hoạt, chăm sóc, tư vấn cho nhau và cho cộng đồng. Chị N.T.L, một người nhiễm HIV sống tại chùa, tâm sự: “Điều lớn nhất mà tôi nhận được sau khi biết mình bị nhiễm HIV và được nhận vào chùa sống là sự nâng đỡ về mặt tinh thần của các thầy trong chùa, của các anh chị em trong CLB Hương Sen. Nếu không có họ động viên, chia sẻ, an ủi trong những lúc đau yếu thì không biết cuộc đời của tôi sẽ đi về đâu”.

 

Khởi đầu chỉlà sự bảo trợ cho nhóm Vì ngày mai tươi sáng, năm 2009, nhà chùa đã tiến hành nhiều công việc hướng tới cải thiện chất lượng hoạt động chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV tại chùa thông qua việc thành lập CLB Hương Sen. Từ đó trở đi, những người nhiễm HIV tham gia CLB Hương Sen đã có nơi sinh hoạt định kỳ. 18 thành viên nòng cốt được tham gia các lớp tập huấn về tư vấn và chăm sóc người nhiễm HIV tại nhà. Thông qua các buổi vãng gia, nhóm thực hiện các hoạt động chăm sóc và tư vấn tại nhà cho người nhiễm HIV và bị ảnh hưởng bởi AIDS. Bên cạnh đó, CLB còn lồng ghép truyền thông giảm kỳ thị và phân biệt đối xửvới người nhiễm HIV cho các phật tửvà dân chúng vùng lân cận; lồng ghép truyền thông về thay đổi hành vi cho thanh niên và phật tửtrong các buổi giảng kinh. Hàng năm, nhà chùa đều tổchức lễ cầu siêu cho người đã chết do AIDS và cầu an cho người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng bởi AIDS vào Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12). Đại đức Thích Thanh Huân đã gõ cửa nhiều nhà hảo tâm, kêu gọi các nguồn tài trợ để chăm sóc cho trẻ nhiễm HIV, đặc biệt là duy trì chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối, bệnh nhân bị người thân bỏ rơi trong các trung tâm, bệnh viện. Nhà chùa luôn quan tâm tới việc tổchức các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ nhiễm HIV vào các dịp lễ, tết như Trung thu, Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6…

 

Đã đóng góp rất nhiều công sức cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, nhưng khi đề nghị chia sẻ về những hoạt động của nhà chùa, đại đức Thích Thanh Huân chỉnói ngắn gọn: “Chùa Pháp Vân hành động với mục tiêu vì con người và cho con người. Mong muốn của nhà chùa là đem lại niềm vui và hạnh phúc cho mọi người”.

 

Điểm tựa về tinh thần cho người nhiễm HIV

 

Chùa Kỳ Quang II ở quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) là một trong những cơ sở tôn giáo được nhiều người biết đến với việc hỗ trợ, chăm sóc người nhiễm HIV. Hòa thượng Thích Thiện Chiếu, sư thầy trụ trì, cũng là người sáng lập ra cơ sở đào tạo - hướng nghiệp cho cô nhi khuyết tật và Phòng khám Tuệ Tĩnh Đường, đã xây dựng mô hình Phòng Tư vấn sức khỏe làm cơ sở ban đầu cho các hoạt động tư vấn, chăm sóc người nhiễm HIV tại cộng đồng. Thông qua hoạt động của Phòng Tư vấn sức khỏe, nhà chùa đã tham gia chữa các bệnh nhiễm trùng cơ hội bằng thuốc nam cho người nhiễm HIV. Để động viên tinh thần, nhà chùa thành lập CLB Dưỡng sinh Kỳ Quang cho người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng bởi AIDS, người sau cai nghiện; mở các lớp tập huấn cho tình nguyện viên, tập huấn kỹ năng sống cho thanh thiếu niên và truyền thông về HIV/AIDS cho cộng đồng… Trong hơn 10 năm trở lại đây, phòng tư vấn đã hỗ trợ cho hàng ngàn người đến trực tiếp và tiếp nhận hàng ngàn cuộc gọi, giải đáp những thắc mắc liên quan đến HIV/AIDS. Nội dung tư vấn chủ yếu là cách phòng ngừa HIV lây lan ra cộng đồng, chế độ dinh dưỡng cho người bệnh hoặc giải đáp những thắc mắc về mặt tâm lý mà người nhiễm HIV thường xuyên gặp phải…

 

Tại chùa, trẻ nhiễm HIV và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được chăm sóc cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhiều em đến tuổi tới trường cũng được nhà chùa tìm cơ sở giáo dục thích hợp để các em theo học. Trẻ nhiễm HIV cũng là đối tượng dễ bị kỳ thị và phân biệt đối xửtrong cộng đồng nên tại các buổi thuyết pháp, lễ cầu nguyện cho chúng sinh, nhà chùa thường đưa nội dung chống kỳ thị và phân biệt đối xửvới người nhiễm HIV, giúp cho bà con phật tửcó cái nhìn đúng đắn hơn với người bệnh.

 

Cùng với việc chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV, nhà chùa còn chú trọng vào truyền thông kỹ năng sống cho thanh thiếu niên. Các em đến tham dự các buổi truyền thông này được thực hành các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng kiên định, kỹ năng đối phó với tình huống căng thẳng, kỹ năng tự thận thức để có thái độ, hành vi, phản ứng tốt hơn trong cuộc sống.

 

Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Ban Tôn giáo - Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nói: “Các chùa đã tích cực tham gia công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS như gắn các buổi thuyết pháp với việc tuyên truyền về HIV/AIDS, tổchức các hoạt động truyền thông ngay tại chùa và cộng đồng nhân các ngày trọng lễ của Phật giáo”. Đó là sự ghi nhận những nỗ lực của tôn giáo trong việc tham gia phòng, chống HIV/AIDS, góp phần không nhỏ vào mục tiêu kết thúc dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030”.

 

Trong điều kiện ngân sách ngày càng cắt giảm như hiện nay, việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội vào công tác phòng, chống HIV/AIDS đang là đòi hỏi cấp bách, thì sự tham gia của các tôn giáo ngày càng quan trọng. Đây chính là thể hiện tinh thần “tốt đời, đẹp đạo” của tôn giáo.

 

Tại Phú Yên, sau Cô nhi viện Mằng Lăng (huyện Tuy An), chùa Hải Sơn ở xã Xuân Phương (TX Sông Cầu) nhiều năm qua đã rộng cửa cưu mang, nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Riêng trẻ nhiễm HIV ở Phú Yên đang sống tại cộng đồng. 7 đứa trẻ mang mầm bệnh thế kỷ đang được điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV và đều có chuyển biến tốt.

 

NGỌC VIỆT 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek