“Kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, đặc biệt là trẻ em, vẫn đang còn rất nặng nề. Điều đó làm hạn chế, làm xấu đi, thậm chí làm mất đi những quyền mà lẽ ra trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS phải được hưởng”. Đó là nhận định của ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Chăm sóc và bảo vệ trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) tại buổi họp báo phát động cuộc thi vẽ tranh, sáng tác thông điệp dành cho trẻ em về chăm sóc và chống kỳ thị với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS năm 2016. Để xoa dịu nỗi đau cho trẻ, nhiều gói dịch vụ cơ bản đã được triển khai.
Theo thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, Phú Yên hiện có 7 trẻ em nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV, trong đó nhỏ nhất là trẻ sinh năm 2015. Việc điều trị đã mang lại chuyển biến tốt, sức khỏe của các em ổn định. |
Ông Đặng Hoa Nam cho biết: Việt Nam mới chỉ có khoảng 5.000 trẻ em nhiễm HIV được phát hiện. Tuy nhiên, theo tính toán của Bộ LĐ-TB-XH, toàn quốc có khoảng 165.000 trẻ bị ảnh hưởng bởi AIDS. Đó là các em có cha hoặc mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ bị nhiễm HIV. Không ít trường hợp cả cha lẫn mẹ đều đã chết do AIDS. Trong những hoàn cảnh đó, các em ít được chăm sóc về dinh dưỡng, hạn chế các tiếp cận về giáo dục và y tế. Điều đặc biệt lo ngại là sự kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn hàng ngày, hàng giờ là mối đe dọa đối với trẻ nhiễm HIV và trẻ bị ảnh hưởng bởi AIDS. Nhiều em bị kỳ thị trong chính gia đình mình khi người thân từ chối chăm sóc, phải đến sống tại trung tâm hay các cơ sở tình thương. Tại các cơ sở giáo dục, các em bị hạn chế tiếp xúc, không được chấp nhận học tập…
Hỗ trợ trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS
Nhiều năm qua, Chính phủ đã có những giải pháp mang tính căn bản giải quyết tình trạng trẻ nhiễm HIV và bị ảnh hưởng bởi AIDS. Ngay từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 570/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020. Theo đó, nhiều gói dịch vụ cơ bản đã được triển khai nhằm hỗ trợ trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Các em được hỗ trợ trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ dinh dưỡng… Trẻ được tiêm chủng miễn phí, được chăm sóc sức khỏe chung. Nếu các em là trẻ nhiễm HIV thì được chuyển gửi đến các dịch vụ chăm sóc, điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV, chăm sóc giảm nhẹ như điều trị cơn đau và triệu chứng. Trẻ dưới 6 tuổi được cung cấp thẻ bảo hiểm y tế. Trẻ em đang sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội được trợ cấp với mức nuôi dưỡng hàng tháng từ 360.000-450.000 đồng/em, tùy theo từng đối tượng, độ tuổi. Gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc diện trợ cấp xã hội hàng tháng với mức trợ cấp thấp nhất là 270.000 đồng, cao nhất là 540.000 đồng, tùy theo từng trường hợp cụ thể…
Trong việc chăm sóc sức khỏe, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đang được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh; ưu tiên cấp miễn phí cho trẻ từ đủ 6 tuổi đến dưới 16 tuổi nhiễm HIV được sử dụng thuốc kháng vi rút ARV do ngân sách chi trả, thuốc do tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS. Trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS sống trong cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng được cấp tư trang, vật dụng phục vụ sinh hoạt thường ngày, được tư vấn về HIV/AIDS, các biện pháp phòng lây nhiễm HIV, được thanh toán các chi phí xét nghiệm phát hiện HIV/AIDS. Trẻ nhiễm HIV sống tại cộng đồng và sống trong cơ sở bảo trợ xã hội công lập được hỗ trợ điều trị nhiễm trùng cơ hội với mức 250.000 đồng/người/năm. Riêng đối với trường hợp thuộc hộ nghèo được hỗ trợ thêm về tiền ăn trong thời gian điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV tại cơ sở là 150.000 đồng/người/tháng. Trẻ em nhiễm HIV/AIDS có hoàn cảnh khó khăn thuộc diện hộ nghèo khi khám bệnh tại các cơ sở y tế của địa phương được Quỹ Hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS cung cấp chi phí khám, chữa bệnh không thuộc nội dung chi của bảo hiểm y tế, tiền ăn trong thời gian điều trị. Trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS thuộc hộ nghèo, trẻ em mồ côi, trẻ em sống trong các cơ sở bảo trợ xã hội đang được học văn hóa, học nghề được miễn học phí, được cấp sách vở, đồ dùng học tập với mức 70.000 đồng/tháng/học sinh…
Để không còn những rào cản
Có thể thấy, các chế độ chính sách dành cho trẻ nhiễm HIV và bị ảnh hưởng bởi AIDS đã cơ bản đầy đủ. Tuy nhiên, trong thời gian qua, công tác chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS vẫn còn gặp nhiều thách thức. Việc tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục và phúc lợi xã hội khác của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS vẫn còn những rào cản và ít nhiều vẫn có sự phân biệt đối xử; vẫn còn trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và gia đình của trẻ chưa tiếp cận được với các dịch vụ theo yêu cầu; các dịch vụ hỗ trợ được hình thành nhưng thiếu sự liên kết trong việc hỗ trợ trẻ và gia đình của trẻ. Mặt khác, một số cán bộ quản lý, người chăm sóc trẻ còn thiếu kiến thức, kỹ năng cơ bản về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
Để giải quyết thực trạng trên, Cục Chăm sóc và bảo vệ trẻ em đã triển khai nhiều hoạt động nhằm cụ thể hóa Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020. Bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Chăm sóc và bảo vệ trẻ em, cho biết: “Từ năm 2010, cục đã triển khai mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Mục tiêu chung là xây dựng và phát triển mô hình chăm sóc toàn diện cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại gia đình và cộng đồng”. Đến năm 2013, tại 16 xã thuộc 8 huyện tại 8 địa phương thí điểm đã xác định được gần 5.000 trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và khuyết tật, trong đó có gần 4.600 trẻ cần đáp ứng các nhu cầu về dịch vụ. Mô hình đã cung cấp hơn 3.600 lượt dịch vụ liên quan đến chăm sóc dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, học tập, chính sách xã hội, tư vấn về phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS và phục hồi chức năng…
Cục Chăm sóc và bảo vệ trẻ em đã có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện mô hình tại các địa phương, đồng thời phối hợp với các chuyên gia xây dựng Bộ tiêu chí giám sát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020. Đây là bộ công cụ giúp các cơ quan quản lý nhà nước theo dõi việc thực hiện kế hoạch cũng như đánh giá kết quả, hiệu quả của kế hoạch đến năm 2020, làm cơ sở quan trọng để xây dựng kế hoạch giai đoạn tiếp theo và sẽ sớm được ban hành trong thời gian tới.
NGỌC VIỆT