Hiện nay, trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, người nghiện ma túy “truyền thống” như thuốc phiện, heroin, cần sa… đang có xu hướng chuyển dần sang sử dụng các loại ma túy tổng hợp.
Trong các loại ma túy tổng hợp, phổ biến nhất là ma túy “đá”. Ma túy “đá” làm ức chế, phá hủy hệ thần kinh, gây ảo giác khiến người sử dụng không làm chủ hành vi, chỉ cần sử dụng trong một thời gian ngắn, người sử dụng nó sẽ bị thay đổi hoàn toàn về nhân cách.
Do thiếu hiểu biết, phần lớn người dùng ma túy “đá” quan niệm loại ma túy này không bị nghiện và có thể dừng sử dụng bất cứ lúc nào cũng được. Tuy nhiên, thực tế thì việc sử dụng ma túy “đá” không chỉ gây nghiện mà sử dụng trong một thời gian dài, nó còn khiến cho con người có dấu hiệu bị hoang tưởng, ảo giác, rối loạn tâm thần. Đối với những người đã từng nghiện heroin khi chuyển sang dùng ma túy “đá” thì bị rối loạn tâm thần còn nhanh hơn.
Thông thường, người nghiện heroin chỉ điều trị từ 5-7 ngày hoặc nhiều nhất là 10 ngày là cắt cơn. Còn người nghiện ma túy “đá” phải cần tới hơn 20 ngày nhưng sau đó vẫn bị ảo giác, rối loạn tâm thần kéo dài. Hội chứng cai của heroin thường làm cho người nghiện vật vã, đau nhức, tiêu chảy, ớn lạnh nổi da gà, cảm giác dòi bò trong xương…, còn hội chứng cai của ma túy “đá” làm người nghiện hoang tưởng ảo giác, mệt mỏi, buồn chán, lầm lì, dễ kích động và không kiểm soát được cảm xúc, hành vi của bản thân.
Việc điều trị cho người nghiện ma túy “đá” phức tạp hơn nhiều so với người nghiện heroin và đang là một vấn đề nan giải bởi hiện nay, Bộ Y tế vẫn chưa có một phác đồ điều trị chính thức cho những người nghiện này.
Theo soldtbxh.phuyen. gov.vn