Cuộc sống kinh tế khó khăn thường khiến nhiều người quên đi việc chăm sóc sức khoẻ, đặc biệt là sức khoẻ sinh sản (SKSS). Song ở phường Phú Lâm, một địa bàn lớn có dân số đông nhất TP Tuy Hoà, đang ngày càng thực hiện hiêïu quả chính sách kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc SKSS.
Ông Dương Thơm, một trong những người đình sản, đang hướng dẫn con học tập - Ảnh: NGỌC HÂN |
Gia đình ông Nguyễn Văn Thông (khu phố 3) có bốn người con, làm ăn quá chật vật, vợ lại hay đau bệnh nên ông bàn với vợ để mình đi đình sản. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình ông giờ đã khá lên. Còn ông Đặng Hoàng Quy (khu phố 2) bộc bạch: “Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi quyết định đi đình sản chứ không bây giờ chẳng phải bốn đứa mà có khi cả “tiểu đội” biết lấy gì nuôi chúng ăn học và có công ăn việc làm ổn định như bây giờ”. Chị Nguyễn Thị Bảy (khu phố 1) thì bảo: “Nhìn thấy tôi hay đau ốm, mang nặng đẻ đau nên sau khi sinh cháu thứ hai, chồng tôi đã tự nguyện đi kế hoạch hoá, nhờ thế sức khỏe của tôi được tốt hơn”.
Những người khác trong phường như ông Phạm Xuân Nguyên (khu phố 2), Nguyễn Văn Xuyên (khu phố 3), Dương Thơm (khu phố 5)… đã tự nguyện đi đình sản, gánh vác trách nhiệm cùng vợ chăm lo hạnh phúc gia đình. Ông Thơm cho biết: “Mới đầu tôi cũng rất lo, nhưng nghĩ đến sự vất vả của vợ, sự nghèo khó khi sinh con nhiều tôi kiên quyết đình sản. Tuy nhiên do đặc thù của cư dân làm biển nên, vẫn còn có khá đông người giữ tư tưởng lạc hậu với nếp nghĩ “phải có con trai nối dõi”, “phải có nếp có tẻ”, “sinh nhiều con trai để đi biển”… Do đó, cùng với đẩy mạnh công tác vận động tuyên truyền, sự phối hợp nhiệt tình, đồng bộ của đội ngũ cộng tác viên, Ban DS – GĐ – TE và Trạm Y tế phường thường xuyên tổ chức khám và điều trị kịp thời, đáp ứng nhanh các biện pháp KHHGĐ cho từng đối tượng. Các đợt chiến dịch cho thấy không chỉ có phụ nữ đi khám và thực hiện KHHGĐ mà nam giới trong gia đình ở phường Phú Lâm đã biết chia sẻ chuyện “tế nhị” này với vợ. Bây giờ, chuyện sinh đẻ có kế hoạch hay chăm sóc SKSS không còn là chuyện thầm kín riêng tư của phụ nữ, mà đàn ông cũng đã chung vai gánh vác phần trách nhiệm của mình trong chăm sóc con cái, gìn giữ hạnh phúc gia đình. Nhờ vậy, năm 2006, tỉ suất sinh của phường Phú Lâm đã giảm xuống 0,5% so với năm trước, có 118 ca đình sản nam; 141 ca đình sản nữ, cao nhất so với các xã, phường, thị trấn khác trong tỉnh.
Ông Trần Quốc Dũng, cán bộ chuyên trách DS – GĐ – TE phường Phú Lâm, cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức nhiều đợt chiến dịch chăm sóc SKSS và KHHGĐ theo hướng truyền thông trực tiếp đến từng khu phố, hộ gia đình, cung cấp đầy đủ các biện pháp, dụng cụ tránh thai cho các đối tượng. Vấn đề quan trọng nhất là nam giới đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức, đã biết phối hợp tốt cùng chị em, thực hiện KHHGĐ…” Còn chị Huỳnh Thị Yến, cộng tác viên dân số của phường - phấn khởi nói: “ Hiện nay, khi đến từng nhà vận động bà con thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, chúng tôi thường nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các anh.
NGỌC HÂN