Chủ Nhật, 29/09/2024 22:39 CH
Bảo vệ quyền lợi người lao động như thế nào?
Thứ Hai, 03/09/2007 07:00 SA

Công đoàn với tư cách là tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ) nên cần phải hướng dẫn cho người lao động hiểu rõ quyền, nghĩa vụ trong hợp đồng lao động, giúp họ nắm được các mục, các điều đã ghi trong hợp đồng để họ biết được khả năng lao động, tay nghề, công việc phải làm có tương xứng với mức lương được hưởng hay không; quyền lợi với trách nhiệm được giao có phù hợp và có khả năng hoàn thành không…

 

070831-cong-nhan.jpg

Công đoàn cần nắm bắt kịp thời các nguyện vọng của người lao động -  Ảnh: P.V

 

Trong thực tế, NLĐ dễ dàng chấp nhận một hợp đồng lao động mà họ biết chắc mình bị thiệt thòi, nhưng vì nhu cầu việc làm,  nên không hề đòi hỏi những quyền lợi lẽ ra mình phải có. Lúc này công đoàn phải thể hiện được vai trò bảo vệ NLĐ, cần quan tâm, hướng dẫn, chỉ cho NLĐ thấy những bất hợp lý, vi phạm pháp luật lao động, thậm chí những thủ đoạn bóc lột tinh vi nếu có ở chủ doanh nghiệp.

 

Bảo vệ quyền lợi NLĐ còn là sự bảo vệ trong quá trình lao động sản xuất, nhất là điều kiện môi trường làm việc. Đây là vấn đề rất quan trọng, có tính chất quyết định đến năng suất lao động, thời gian lao động, sức khỏe của NLĐ. Bởi vậy, công đoàn cần phải làm cho người sử dụng lao động và NLĐ hiểu rõ những vấn đề thuộc nghĩa vụ về an toàn lao động, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động trong quá trình làm việc.

 

Bảo vệ quyền lợi NLĐ là bảo vệ trong quá trình có xảy ra tranh chấp lao động. Công đoàn cần tăng cường tuyên truyền luật pháp, hướng dẫn cụ thể về những quy định trong các văn bản pháp luật cho NLĐ. Đặc biệt khi các thành phần kinh tế phát triển, sức lao động trở thành hàng hóa và thị trường lao động hình thành, không ít NLĐ bị chèn ép, đối xử thô bạo và bị trù dập… Để  bảo vệ họ, công đoàn phải nắm rõ sự việc, phải phân tích đúng sai để đấu tranh với người sử dụng lao động.

 

Chúng ta đã bước vào hội nhập kinh tế quốc tế, quan hệ sản xuất đã có nhiều thay đổi, nền kinh tế có nhiều thành phần với nhiều chủ sở hữu khác nhau. Bởi vậy công đoàn cần phải xác định nội dung hoạt động và các hình thức tổ chức theo từng loại hình, từng thành phần kinh tế cho phù hợp. Công đoàn cần phải đổi mới toàn diện về mô hình tổ chức, cách thức tập hợp quần chúng lao động, nội dung và phương thức hoạt động trên nguyên tắc tập trung dân chủ và tự nguyện. Dù ở cấp nào, loại hình nào thì công đoàn cũng có chung một mục đích là đại diện và bảo vệ lợi ích NLD, với những nhiệm vụ như: Tham gia quản lý, kiểm tra giám sát thực hiện pháp luật và phản biện xã hội; đại diện NLĐ ký kết, giám sát thực hiện thỏa ước lao động tập thể, đại diện NLĐ để giải quyết các tranh chấp lao động, giám sát việc thực hiện hợp đồng lao động, việc khen thưởng và kỷ luật, việc thực hiện chính sách bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần, kịp thời giải quyết và phối hợp giải quyết những vấn đề nảy sinh, những nguyện vọng chính đáng của công nhân, lao động…

 

Để công đoàn thật sự là người bạn đồng hành, tin cậy của đông đảo NLĐ đòi hỏi mỗi cấp công đoàn phải năng động, nhạy bén; mỗi cán bộ công đoàn phải thật sự tâm huyết, bám sát cơ sở để phát hiện, tìm ra những mô hình mới, hay, có hiệu quả và phải biết dũng cảm đấu tranh để bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ.

 

TRẦN NGỌC

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek