Phú Yên hiện có gần 10.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với 46.150 nhân khẩu sinh sống tập trung ở ba huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa và Sông Hinh. Phần lớn thu nhập của đồng bào dựa vào sản xuất các loại nông sản như: sắn, bắp, đậu, lúa rẫy dựa vào nước trời nên rất bấp bênh. Để giúp bà con vươn lên bằng nhiều hình thức cho vay khác nhau, đồng vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội Phú Yên đã len lỏi từng ngõ ngách thôn, buôn, gõ cửa 100% số hộ nghèo là người dân tộc thiểu số.
Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhờ vốn ngân hàng đã vươn lên thoát nghèo - Ảnh: A.THƯ
Chị Lê Thị Hảo, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Đồng Xuân đưa chúng tôi đi lên Đa Lộc, xã có tới 20% số hộ thuộc diện hộ nghèo đói, song lại có tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhất huyện nhờ dựa vào các mô hình nông – lâm kết hợp. Trước đây, con số hộ đói nghèo trong xã là một nỗi lo lớn của địa phương. Do bà con chưa biết cách làm ăn nên phần lớn vườn tạp ở đây chẳng cho thu nhập gì. Nhờ có chủ trương chuyển đổi vật nuôi cây trồng cộng với vốn vay ưu đãi của ngân hàng nên mấy năm gần đây, không ít hộ đã thoát được nghèo và trở nên khá giả. Chúng tôi đến thăm gia đình anh La Văn Thịnh, dân tộc Chăm H’roi ở thôn 1, vốn là một hộ nghèo sống dựa vào 2 sào lúa rẫy và nghề đốt than, xã phải thường xuyên cứu trợ. Đến năm 2006, gia đình anh đã thực sự thoát nghèo. “Khởi nghiệp” bằng 4 triệu đồng vay từ vốn hộ nghèo, anh Thịnh đã đầu tư mua một cặp bò gồm bò cái và nghé cái về nuôi, tận dụng số diện tích đất gò đồi ven sông để trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Chỉ hơn một năm sau, bò cái đẻ và cứ thế, đàn bò nhà anh ngày một đông hơn. Anh tâm sự: “Đến nay gia đình tôi còn nợ ngân hàng 5 triệu đồng, nhưng cứ nhìn vào đàn bò lai 5 con là đã có lời rồi”. Còn chị Hảo cho biết, hiện dư nợ hộ nghèo của Chi nhánh cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số lên trên 4 tỉ đồng với trên 750 lượt hộ vay, tăng 4, 5 lần so với năm 2003, chiếm 20,64% tổng dư nợ. Vốn ngân hàng thực sự làm thay đổi bộ mặt của nhiều vùng quê miền núi Đồng Xuân.
Ở buôn Hoàn Thành (xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa), trước kia Ma Than có biệt danh “người nghèo nhất Suối Trai”, thế nhưng bây giờ ông đã sở hữu đàn bò 10 con. Ma Thanh cho biết: “Năm 2004, được Hội Nông dân xã đứng ra tín chấp, tôi vay được 4,5 triệu đồng về mua con nghé hết phân nửa. Số tiền còn lại tôi quyết định mua bắp, mè giống về trồng trên diện tích 1 ha vừa khai hoang. Để có tiền nuôi sống gia đình khi mà con bò chưa cho thu nhập, hàng ngày tôi phải đi cuốc cỏ mía, sắn thuê cho những người trong vùng. Hiện tại, trị giá đàn bò cũng trên 30 triệu đồng. Có được như ngày hôm nay, tất cả là nhờ vốn của ngân hàng”.
Theo đánh giá của Chi nhánh NHCSXH Phú Yên, hoạt động cho vay hộ nghèo và giải quyết việc làm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc. Hầu hết đồng vốn được các hộ sử dụng đúng mục đích, đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động và góp phần giúp cho trên 1.000 hộ thoát nghèo.
ANH THƯ