Giữa tháng 7, tạm gác lại những công việc bộn bề trước kỳ hội thao quân sự, đoàn cán bộ cơ yếu Phòng Tham mưu và ban chỉ huy đồn Biên phòng 356 Bộ đội Biên phòng tỉnh (BĐBP tỉnh) đã dành hẳn một buổi chiều, về Hoà Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa) thăm gia đình liệt sĩ Trần Ngọc Phú, một cán bộ cơ yếu, cũng là người đồng đội của các anh đã hy sinh hơn 20 năm trước.
Thượng tá Nguyễn Văn Minh tặng quà cho gia đình liệt sĩ Trần Ngọc Phú – Ảnh: P.OANH |
20 năm, một khoảng thời gian khá dài, song câu chuyện gắn liền với những kỷ niệm về người đã nằm xuống được nhắc lại trong buổi chiều nay vẫn còn nguyên vẹn như hôm qua. Anh Nguyễn Văn Minh, Phó Tham mưu trưởng BCH Biên phòng tỉnh, kể lại chuyện hy sinh của đồng đội: Khi ấy, anh Phú vừa hoàn thành khoá học cơ yếu và được phân công về công tác tại đồn 356. Vào những năm đó, đất nước còn nhiều khó khăn. Lợi dụng tình hình, bọn phản động thường lừa gạt, tổ chức đưa người dân đi vượt biên ra nước ngoài. Để ngăn chặn âm mưu của chúng, BĐBP đã tổ chức lực lượng tuần tra liên tục trên các khu vực bến bãi nơi neo thuyền. Ở cửa Đà Nông (xã Hòa Hiệp
Ông Trần Ngọc Thể, cha của liệt sĩ Trần Ngọc Phú rơm rớm nước mắt xúc động nói với chúng tôi: “Dù Phú đã hy sinh, nhưng anh em trong Bộ đội Biên phòng như những đứa con của tôi. Từ lớp đồng đội ngày Phú còn sống cho đến thế hệ sau này, 20 năm rồi, các cháu vẫn gần gũi, gắn bó lắm nên đỡ phần nào trống vắng”.
Căn nhà nhỏ tại thôn Uất Lâm, xã Hoà Hiệp Bắc này chính là nơi tìm về của rất nhiều thế hệ cán bộ chiến sĩ BĐBP, từ Bộ chỉ huy đến anh em chiến sĩ các cấp, nhất là trong những ngày lễ, tết. Vì thế mà mọi người đều thấu hiểu về hoàn cảnh gia đình, từ những buồn vui, khó khăn đến sức khoẻ bố mẹ, công việc làm ăn của tất cả anh chị em của người liệt sĩ đồng đội. Trung tá đồn trưởng đồn 356 Phạm Huy Dực thổ lộ: Cùng với trách nhiệm là tình thương dành cho anh Phú, cán bộ chiến sĩ biên phòng đã xem gia đình anh như gia đình mình. Anh em trong đồn 356 đã xem bác Trần Ngọc Thể như người cha thứ hai của mình, là chỗ tựa tinh thần. Khi cần giúp đỡ điều gì, cho dù đó là công việc hay tư vấn những điều trong cuộc sống sinh hoạt, anh em vẫn không ngại ngần tìm đến.
Là một cựu chiến binh, cán bộ tuyên huấn với 30 năm trong quân ngũ, và từng trực tiếp có mặt trong cuộc chiến tranh giành độc lập cho dân tộc, là người cha của liệt sĩ, ông Thể đã khá vững vàng khi kể về những đau thương trong chính cuộc đời mình. Nơi thờ cúng trang trọng nhất trong căn nhà nhỏ của mình, ông đã đặt tấm biển nền đỏ, với dòng vàng: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” như một phương châm sống của gia đình. Bên cạnh góc trái là tấm bằng Tổ quốc ghi công đứa con trai hy sinh. Ngồi trò chuyện trước những đồng đội của đứa con đã nằm xuống, nén niềm nhớ thương, ông thổ lộ lòng mình bằng những trải nghiệm sâu sắc: “Sự bảo toàn của nền độc lập cho dân tộc đã phải đánh đổi bằng xương, máu của bộ đội mình; mà không thể nói khác hơn là “xương đã bằng núi, máu bằng sông”. Niềm đau của tôi cũng là một mảnh nhỏ trong trăm ngàn nỗi đau, sự hy sinh của những gia đình liệt sĩ trên đất nước mình”.
Trong niềm thành kính, tri ân đối với người liệt sĩ đồng đội, thượng tá Nguyễn Văn Minh tâm sự với chúng tôi: “Sự tìm về, tưởng nhớ không chỉ làm ấm hương hồn người đã nằm xuống mà còn cho chúng ta thấm thía những gì trong quá khứ để thấy quý hơn giá trị ở cuộc sống này. Đây là điều rất quan trọng trong hành trang tinh thần của người lính, nhất là đối với các bạn trẻ hôm nay trước sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”.
PHƯƠNG OANH