Cách đây 20 năm, nhiều người dân quê ở tỉnh Bình Định đã đến xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa) lập nghiệp. Không những nhanh nhạy trong phát triển kinh tế, những vườn ươm keo của các hộ dân Bình Định còn giúp cho những người địa phương tiết kiệm được chi phí trong việc trồng rừng.
Năm 1995, anh Trương Văn Thịnh và chị Trần Thị Hồng Liên quyết định rời vùng đất Tuy Phước (tỉnh Bình Định) đến lập nghiệp tại xã Sơn Long. Tích góp được ít vốn để trồng cây cà phê, nhưng giá thành liên tục bấp bênh nên cuộc sống của anh chị không mấy ổn định. Không nản chí, anh Thịnh quyết định chuyển đổi cây trồng. Mía và sắn là hai loại cây mà vợ chồng anh Thịnh “đặt cược” với hy vọng đổi đời. Đầu tư đúng hướng, cùng sự lao động cần cù, đến nay, gia đình anh Thịnh là một trong những hộ có của ăn của để tại địa phương. Với gần 20ha đất, hiện nay hàng năm anh Thịnh thu nhập hàng trăm triệu đồng. “Đất ở Sơn Long có độ màu mỡ rất thích hợp để người dân đầu tư trồng trọt, nhưng quan trọng hơn là ý chí vươn lên và quyết tâm làm giàu. Chúng tôi làm nông nghiệp có lúc thu được “quả ngọt”, có lúc thất bại, nhưng sở hữu được quỹ đất để phát triển kinh tế thì không lo gì đến chuyện không thành công”, anh Thịnh chia sẻ.
Nhận thấy nhu cầu trồng rừng ở địa phương rất lớn và giống cây phù hợp với vùng đất này là keo lai, anh Thịnh quyết định đầu tư gần 300 triệu đồng để làm vườn ươm keo giống 2.000m2 tại thôn Vân Hòa (xã Sơn Long). Tuy có kinh nghiệm trồng keo nhưng với loại hình keo giâm hom, anh Thịnh phải bỏ nhiều thời gian nghiên cứu từ cách chọn giống đến ươm bầu. Những giống cây đầu dòng như BV10, BV 16, BV32, BV 33 được anh Thịnh mua từ TP Quy Nhơn (Bình Định) giúp cây giống có khả năng sinh sống và phát triển tốt. Đó là lý do vườn ươm của anh Thịnh thu hút nhiều người đến mua cây giống. Anh Thịnh cho biết, trước khi bắt đầu mùa trồng rừng, anh đã ươm 700.000 cây. Sau khi chăm sóc, những cây không đạt tiêu chuẩn bị loại bỏ, còn lại khoảng 500.000 cây. Khi bán hết số lượng trên, gia đình anh thu lợi gần 100 triệu đồng. “So với mọi năm, năm nay, nhu cầu mua keo giống để trồng rừng tăng cao, đến nỗi vườn ươm chưa kịp lứa, tôi phải lấy cây con từ Bình Định về (giá cao hơn) để bán cho bà con”, anh Thịnh cho biết.
Cũng giống như anh Thịnh, anh Phạm Văn Hào là một người gốc Bình Định vào xã Sơn Long lập nghiệp. Nhiều năm nay, vườn ươm keo “made in” Bình Định của anh Hào là địa chỉ quen thuộc mà người dân trong vùng và một số địa phương khác tìm đến mua keo giống về trồng rừng.
Đang mùa cao điểm trồng rừng nên nhu cầu mua keo giống của người dân tăng cao. Những vườn ươm trên địa bàn xã Sơn Long hoạt động liên tục nhưng vẫn không thể đáp ứng nhu cầu của người dân. Ông Nguyễn Văn Luận ở xã Sơn Xuân (huyện Sơn Hòa), nói: “Cây keo hiện nay có giá trị kinh tế cao nên gia đình tôi quyết định đầu tư khoảng 10ha. Trước đây, để trồng rừng, chúng tôi phải ra tận tỉnh Bình Định mua cây giống về trồng. Hiện nay, các vườn ươm tại chỗ phát triển mạnh, giá cả hợp lý và có nguồn giống đầu dòng chất lượng nên chúng tôi mua luôn tại chỗ, không phải đi xa nữa”.
Theo UBND xã Sơn Long, hiện toàn xã có khoảng 10 gia đình đầu tư vườn ươm keo để kinh doanh, trong đó, anh Thịnh, anh Hào và nhiều người gốc Bình Định vào đây lập nghiệp là những người tiên phong mở vườn ươm. “Việc trồng sắn, mía một thời gian dài đã khiến nhiều vùng đất bạc màu nên hiện nay, nhiều người dân trong xã đã chuyển sang trồng keo thay cho cây sắn, bởi vậy nhu cầu keo giống rất lớn. Các hộ dân là những người quê gốc Bình Định mạnh dạn đầu tư vườn ươm keo giống đã đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời giúp người trồng rừng tại địa phương giảm được chi phí vận chuyển cây giống từ Bình Định về”, ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Sơn Long, cho biết.
NHẬT HUY